Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ khảo sát tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

- Thứ Hai, 29/06/2020, 23:44 - Chia sẻ
Chiều 29.6, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về tình hình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó tập trung vào chính sách học phí. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động năm 2016. Với Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cho từng chương trình đào tạo chuẩn (tuyển sinh từ 2017 về sau) trên cơ sở bảo đảm mức học phí bình quân của các chương trình chuẩn không vượt quá mức học phí bình quân tối đa được quy định tại Quyết định số 1924/QĐ-TTg. Từ năm học 2017 - 2018 (bắt đầu giai đoạn tự chủ) đến năm học 2019 - 2020, mức học phí được xây dựng theo các nguyên tắc: Bảo đảm bù đắp chi phí đào tạo và có tích lũy để phát triển trong tình hình không còn ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước, đồng thời bảo đảm mức học phí bình quân của các chương trình chuẩn không vượt trần học phí theo quy định của Chính phủ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Đối với năm học 2020 - 2021, trường xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hoạt động đào tạo theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT, làm cơ sở để xác định mức học phí theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, học phí hết sức quan trọng đối với sự phát triển, bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường, nhưng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn tính toán để mức học phí nằm trong khả năng chi trả của người học, nhất là khi phần lớn sinh viên nhà trường đến từ khu vực nông thôn…

Về một số khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn cho biết, cho đến nay, chưa thực hiện được cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, chưa có văn bản hướng dẫn. Ngân sách đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bị cắt, một số dự án phòng thí nghiệm nghiên cứu bị cắt. Chưa có quy định thuận lợi đối với các trường đại học để các tập đoàn công nghệ đầu tư cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu chung...

Khẳng định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học ở mức độ lớn hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, vấn đề bây giờ là đưa các quy định trong Luật vào cuộc sống. Trong đó, “tự chủ không phải là cắt tiền đầu tư cho các trường đại học, mà Nhà nước phải thấy được trách nhiệm của mình”.

Tin và ảnh: Ng.Anh