Ủy ban Pháp luật lấy ý kiến về 2 dự án Luật

- Thứ Năm, 23/07/2020, 20:20 - Chia sẻ
Ngày 23.7 tại TP Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) sẽ thay đổi từ phương thức thủ công bằng sổ giấy (Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú) hiện nay sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân. Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đa số đại biểu tán thành với việc thay đổi phương thức quản lý cư trú như dự thảo Luật đề xuất vì điều này phù hợp với xu thế phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần tiến hành thận trọng, có lộ trình. Một số ý kiến đề nghị, nên áp dụng song song 2 hình thức quản lý ở những địa phương chưa đủ điều kiện chuyển đổi ngay.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Hội nghị

Việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú riêng với các thành phố trực thuộc Trung ương được đa số đại biểu tán thành. Bởi thực tiễn cho thấy, việc áp dụng điều kiện cư trú riêng như vừa qua tuy có thể giảm số lượng người dân đăng ký thường trú tại các địa phương này nhưng không giảm được sự gia tăng dân số cơ học. Trong khi đó, nhiều người dân đã cư trú nhưng không được thừa nhận. Tuy vậy, các ý kiến cũng nhất trí việc bỏ điều kiện cư trú riêng với các thành phố trực thuộc Trung ương cần có lộ trình để các địa phương có thời gian chuẩn bị cơ sở hạ tầng trước khi "mở cửa". Một số ý kiến đề nghị vẫn phải giữ các điều kiện cư trú riêng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Về xoá đăng ký thường trú, hiện vẫn có 2 quan điểm. Nhiều ý kiến nhất trí xoá đăng ký thường trú và bổ sung trường hợp người dân vắng mặt tại nơi cư trú liên tục trên 12 tháng không khai báo mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào, không khai báo tạm vắng nơi thường trú. Một số đại biểu còn băn khoăn và cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền cư trú của công dân và các quyền cơ bản khác. Bởi những người này vẫn thuộc đối tượng quản lý cư trú nhưng Nhà nước chưa nắm bắt, xác định được.
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về: nguyên tắc cư trú; khái niệm về chỗ ở hợp pháp; nơi cư trú ổn định; khái niệm nơi thường trú, nơi tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; quyền hạn, trách nhiệm của chủ hộ….

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, một số ý kiến nhất trí việc tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực để tăng tính răn đe, phòng ngừa, tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Về vấn đề thẩm quyền xử phạt, một số ý kiến cho rằng, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trong quy định của Luật Cạnh tranh là thẩm quyền xử phạt theo tố tụng cạnh tranh, không phải là xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị bỏ quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để bảo đảm thống nhất với Luật Cạnh tranh (bỏ Điều 45a). Các chức danh này vẫn có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến người nghiện ma tuý, có ý kiến cho rằng, đây là một loại bệnh lý, việc bắt buộc cai nghiện (bắt buộc chữa bệnh) không phải là biện pháp xử lý hành chính, không nên quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Người nghiện ma tuý (bao gồm cả người dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên) được áp dụng các biện pháp cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý. Quy định như vậy để bảo đảm nhất quán quan điểm của nước ta và cũng là quan điểm của cộng đồng quốc tế. 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu; khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến trong quá trình chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hai dự án Luật. 

Nhật Trường