Indonesia hoãn kế hoạch dời thủ đô

Ưu tiên vấn đề cấp thiết hơn

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 08:36 - Chia sẻ
Trong bối cảnh đất nước đang phải vận lộn để kiềm chế đại dịch Covid-19, Indonesia vừa phải tạm hoãn kế hoạch đầu tư vào siêu dự án trị giá 33 triệu USD đầy tham vọng của Tổng thống Joko Widodo là di dời thủ đô từ Jakarta đến đảo Borneo, nơi ít xảy ra thảm họa thiên nhiên.

Tập trung đối phó dịch Covid-19

Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa vừa cho biết, kế hoạch xây dựng các tòa nhà chính phủ ở thủ đô mới sẽ phải tạm gác lại cho tới khi nước này nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong đại dịch Covid-19. Ông Suharso Monoarfa chính là nhà lãnh đạo được giao nhiệm vụ giám sát kế hoạch tổng thể cho thành phố mới.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Monoarfa nói rằng: “Chúng tôi đang đặt ưu tiên số một là phục hồi nền kinh tế và vượt qua đại dịch” và chỉ “khi nào tình hình được cải thiện, chúng tôi mới quyết định sẽ làm tiếp những gì”. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận những trở ngại đối với dự án trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, việc khởi công có thể bị trì hoãn đến năm 2022 hoặc 2023, vì chính phủ tập trung nỗ lực vào tìm kiếm và phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho dân số gần 270 triệu người của đất nước.

Theo kế hoạch trước đây, công tác xây dựng các trụ sở nhà nước và nhiều tòa nhà khác được dự kiến bắt đầu vào năm 2021, cùng với việc nâng cấp sân bay, cảng biển và xây dựng đường vào những khu rừng được chuẩn bị để chuyển đổi thành thành phố thông minh. Công chức sẽ bắt đầu chuyển về thủ đô mới vào năm 2024, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Widodo.

Khi các nhà chức trách Indonesia đấu tranh để tái mở cửa nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, năng lượng của họ ngày càng bị tiêu hao để chống chọi với đại dịch Covid-19 đang hoành hành, vốn khiến hơn 143.000 người nhiễm bệnh và 6.277 người tử vong, con số cao nhất khu vực. Theo nhà kinh tế Wellian Wiranto tại Ngân hàng OCBC, thông thường một dự án lớn như vậy sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực đáng kể cho nền kinh tế, nhưng việc giải ngân của chính phủ nhằm đối phó với Covid-19 hiện nay có vẻ cấp bách hơn. Trong khi đó, một nhà kinh tế khác cho biết, Indonesia hiện cũng không đủ khả năng để di chuyển vốn, vì đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lớn lên ngân sách quốc gia dẫn đến thâm hụt tài khóa tăng cao. Còn bà Enny Sri Hartati, Viện Phát triển kinh tế và tài chính nhận định, suy thoái sẽ kéo dài hơn dự đoán, có thể đến nửa cuối năm 2021. Theo dữ liệu thống kê của Indonesia, GDP của nước này giảm 5,3% trong quý II so với năm trước. Vì thế, bà cho rằng, bất cứ ai nói về dự án thủ đô mới trong thời kỳ đại dịch đều "mất trí".

Nguồn: ITN

Siêu dự án đầy tham vọng

Năm ngoái, Tổng thống Widodo công bố kế hoạch di dời thủ đô đầy tham vọng từ Jakarta ở đảo Java đông dân nhất và thống trị về chính trị, đến thành phố chưa được xây dựng ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Đây là hòn đảo lớn thứ 3 thế giới và lớn nhất châu Á với diện tích gần 750.000km2. Hòn đảo này hiện được phân chia giữa ba quốc gia là Malaysia cùng Brunei ở phần phía Bắc, còn Indonesia ở phía Nam (sở hữu khoảng 73% diện tích đảo). Được biết, địa điểm đặt thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm gần thành phố Balikpapan. Mặc dù có thủ đô mới nhưng Jakarta sẽ vẫn là trung tâm tài chính và kinh tế của quần đảo Indonesia. Lý do thực hiện siêu dự án trên là để giảm bớt gánh nặng cho Jakarta, nơi thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông, lũ lụt và đang lún dần vì khai thác quá mức nước ngầm kèm theo nguy cơ động đất. Các nhà nghiên cứu cho biết, phía Bắc Jakarta đã chìm 2,5m trong 10 năm qua và đang tiếp tục chìm trung bình 18cm/năm. Ước tính, phần lớn đô thị Jakarta có thể sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050.  

Thực tế, ý tưởng dời đô từng được nhiều đời tổng thống Indonesia thảo luận từ nhiều thập kỷ qua, nhưng nó trở nên cấp bách dưới thời Tổng thống Widodo. Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, hiện Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, đông gấp 3 lần so với dân số ở các thành phố lân cận. Mật độ dân số hiện tại ở Jakarta là 15.000 người/km2, gấp đôi so với Singapore.

Vì vậy, Tổng thống Widodo lập luận, thủ đô mới sẽ mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn: Một thành phố thông minh, hiện đại, có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, hệ thống nước và điện xanh, đồng thời là nơi tập trung đổi mới công nghệ trong tương lai. Theo chính phủ, những khu rừng khổng lồ trong khu vực thủ đô mới được quy hoạch sẽ được bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng sạch. Một số nước đã đề nghị giúp đỡ Indonesia thực hiện dự án, trong đó có Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất… Giám đốc điều hành của SoftBank Masayoshi Son, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Thái tử Abu Dhabi, Sheikh Mohammed Bin Zayed al Nahyan được mời làm cố vấn cho dự án. Dự án hiện vẫn chưa được Quốc hội phê chuẩn, nhưng Chính phủ Indonesia đã phân bổ ngân sách để tiến hành thu hồi đất trong năm nay.

Ngọc Minh