Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

Ưu tiên hàng đầu

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:31 - Chia sẻ
Trong bối cảnh Việt Nam vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo vệ an toàn sức khỏe, an toàn lao động cho nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh việc Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bảo đảm an toàn vệ sinh lao động thì nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, góp phần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.

Nâng cao nhận thức cho lao động

Tại Bắc Ninh - địa phương có nhiều khu công nghiệp hoạt động, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các hình thức tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, internet, in, phát tờ rơi, treo pano, khẩu hiệu, tổ chức các lớp tập huấn về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các hoạt động bảo đảm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ được chú trọng. Qua đó, nâng cao nhận thức của người lao động, doanh nghiệp và nhân dân.

Chăm sóc sức khỏe công nhân ngay từ bếp ăn tập thể
Nguồn: Internet

Theo thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 5.6.2020, cả nước có 320 vụ tai nạn lao động xảy ra; làm 340 người bị nạn, trong đó, số vụ có người chết là 17; số người thiệt mạng là 25. Riêng trong tháng 5.2020, đã xảy ra 17 vụ tai nạn lao động…

Điển hình như công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Hoàng Bảo (chuyên sản xuất và lắp đặt cửa cuốn) tại Khu 3, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh đã lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống xử lý bụi, trang bị thiết bị chống ồn, chống bụi, định kỳ bảo dưỡng máy, thiết bị trong các nhà xưởng… góp phần bảo vệ sức khỏe cho công nhân tại Công ty. Việc chú trọng xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh của công ty đã giúp người lao động yên tâm làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cho thấy trách nhiệm và ý thức của chủ doanh nghiệp trong việc chấp hành nội quy, tuân thủ quy định pháp luật về ATVSLĐ tại nơi làm việc đã được nâng lên rõ rệt.

Tại Cà Mau, công tác bảo đảm ATVSLĐ được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ. Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các văn bản của bộ, ngành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động về ATVSLĐ. Cụ thể, đã tổ chức 5 lớp huấn luyện ATVSLĐ; 4 lớp huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, với sự tham gia của 25 doanh nghiệp và hơn 400 người sử dụng lao động và người lao động; thực hiện xác nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cho 3 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh...

Hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ tập huấn về ATVSLĐ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; trong bảo vệ mình và bảo vệ tài sản chung của đơn vị, doanh nghiệp.

Mới đây, nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 49/2020/TT-BTC và 50/2020/TT-BTC để giảm phí từ 20 - 30% đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Các quy định và hướng dẫn trong cả hai thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31.12.2020. Kể từ ngày 1.1.2021, các quy định nộp phí trên sẽ trở lại quy định như trước ngày 1.6.2020.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 49/2020/TT-BTC, kể từ ngày 1.6.2020, cơ quan, đơn vị thực hiện các công việc đăng ký giao dịch đảm bảo sẽ nộp phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 9.11.2016 và mức thu phí quy định tại Điểm c, đ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20.10.2017. Trường hợp yêu cầu cơ quan, đơn vị thực hiện cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển nộp phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC.

Theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BTC, kể từ 1.6.2020, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp khi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện ATVSLĐ sẽ nộp phí bằng 70% mức phí quy định tại Điều 1 Thông tư số 110/2017/TT-BTC ngày 20.10.2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Biểu mức thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ ban hành kèm theo Thông tư số 245/2016/TT-BTC ngày 11.11.2016.

Tuy nhiên, dù hành lang pháp lý về bảo đảm ATVSLĐ có đầy đủ nhưng trên thực tế đang tồn tại một khoảng trống về kiến thức và thái độ về an toàn lao động trong lĩnh vực phi chính thức, nơi không có quan hệ lao động. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho lao động trẻ, đặc biệt trong nông nghiệp, để họ hiểu sâu hơn về các khái niệm về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cơ bản, ngoài việc sử dụng các thiết bị an toàn. Khâu đào tạo và thông tin cho lao động trẻ cần nhấn mạnh hậu quả tiêu cực của các sự cố gây mất an toàn lao động cũng như hướng dẫn về các yêu cầu để bảo đảm an toàn và có sức khỏe nghề nghiệp tốt hơn.

Đức Kiên