Ưu tiên bảo vệ việc làm

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:16 - Chia sẻ
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 9 của Ngân hàng Thế giới cho thấy sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ toàn quốc trong tháng 8 vẫn tăng nhưng tốc độ đã giảm so với tháng 7.

Trong khi đó, dù đã lường trước, tỷ lệ lao động bị mất việc tiếp tục xu hướng xấu đi. Tháng 8.2020, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tỷ lệ thanh niên thất nghiệp năm 2020 của Việt Nam có thể lên đến 13,2%, cao gấp đôi năm 2019 (mức 6,9%).

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng dự báo, riêng tháng 9, sẽ có khoảng 120 nghìn lao động của 4 nghìn doanh nghiệp bị cắt giảm việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Con số tương ứng trong tháng 6 và 7 là khoảng 54 nghìn lao động của gần 2 nghìn doanh nghiệp bị cắt giảm; tháng 3 - 5 có khoảng 327 nghìn lao động bị cắt giảm.

Ở bình diện cả nước, vào cuối tháng 6, trước khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong nửa đầu năm, cả nước có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập. Quý II.2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của người lao động cả nước tăng cao nhất trong 10 năm qua, ở mức 2,73%.

Những con số trên cho thấy, bảo vệ việc làm thực sự là thách thức lớn và cần thiết phải là ưu tiên chính sách trọng tâm nhất của Chính phủ, không chỉ trong giai đoạn còn lại của năm nay mà cho cả 2021 và dài hạn hơn.

Đã có những gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ việc làm, như giãn đóng bảo hiểm xã hội, khoanh nợ, giãn nợ đã được thực hiện ngay đầu mùa dịch. Và một giải pháp nữa có thể bổ sung để hỗ trợ người lao động, đó là vấn đề thuế thu nhập cá nhân, cụ thể là thay đổi ngưỡng chịu thuế với khoản thu nhập vãng lai.

Theo quy định hiện nay, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, mỗi lần chi trả thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên phải khấu trừ 10% và đến cuối năm quyết toán theo biểu thuế lũy tiến. Cuối năm, nếu tổng số thu nhập trong năm dưới 132 triệu đồng trên năm - tức dưới ngưỡng giảm trừ gia cảnh, thì cơ quan thuế có thể hoàn trả số tiền thuế đã đóng.

Ngưỡng 2 triệu đồng này, ngay từ trước dịch đã có nhiều ý kiến cho là không còn phù hợp và kiến nghị nâng lên mức 5 triệu đồng mới cần phải đóng thuế cho mỗi lần chi trả. Với xu thế việc làm xấu đi như đã nói ở trên, khả năng số lượng lao động thời vụ, làm việc theo hợp đồng chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Điều chỉnh ngưỡng vì vậy sẽ giúp người sử dụng lao động có động lực cao hơn trong tuyển dụng lao động thời vụ; mà người lao động cũng được hỗ trợ bởi không bị trừ ngay thuế thu nhập.

 Ở một góc độ khác, bản thân Cục Thuế TP Hồ Chí Minh gần đây cũng kiến nghị lên Tổng cục Thuế không khấu trừ 10% đối với thu nhập vãng lai mà thực hiện khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến bảo đảm không phát sinh hồ sơ hoàn thuế quá nhiều và có thời gian thu các khoản khác kịp thời. Điều này cho thấy, nếu ngưỡng được điều chỉnh, nó cũng giúp thuận lợi cho công việc của ngành thuế. Nếu bớt được thời gian, nhân lực, ngành thuế có thể tập trung vào việc chống thất thu ở những đối tượng khác và có thể bù đắp được việc giảm thu từ khoản này.

Một điểm thuận lợi nếu thực thi việc điều chỉnh này là quy định về ngưỡng thu thuế cho khoản thu nhập thời vụ quy định ở cấp nghị định (Nghị định 65/2013), nên thủ tục điều chỉnh có thể thực hiện nhanh gọn trong thẩm quyền của Chính phủ.

Cần nhắc lại một lần nữa, bảo vệ việc làm là tối cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn kinh tế sẽ còn kéo dài, cả người sử dụng lao động và người lao động đều cần thiết được hỗ trợ để cầm cự trước lúc tính đến phục hồi kinh doanh. Do đó, một chính sách tưởng chừng nhỏ như điều chỉnh ngưỡng chịu thuế thu nhập với các khoản thu nhập thời vụ thực chất vẫn có ý nghĩa rất lớn cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Sa Nam