Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu : Yếu tố tác động đến sức hút của hòm phiếu

- Thứ Sáu, 20/05/2011, 07:40 - Chia sẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm dần đều trên toàn thế giới. Trong đó, có những nguyên nhân không dễ khắc phục, vì đòi hỏi phải thay đổi cả hệ thống bầu cử, thể chế, thậm chí sự chuyển đổi tổng thể về xã hội. Mặt khác, có những yếu tố dễ dàng thay đổi hơn để thu hút cử tri đi bỏ phiếu. Các yếu tố cản trở cử tri đi bỏ phiếu được chia thành hai loại: những yếu tố bên ngoài, mang tính hệ thống, bối cảnh và những yếu tố cá nhân.
 
Địa hình là một trong những yếu tố cản trở cử tri Afghanistan đi bỏ phiếu, họ phải di chuyển bằng lừa

 Nguồn: AP

Trong các yếu tố mang tính bối cảnh, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có phần phụ thuộc vào mức độ cử tri tin vào tác động của kết quả bầu cử lên đường hướng chính sách của chính phủ sau này. Nếu họ tin vào tác dụng của lá phiếu, họ sẽ đi bỏ phiếu nhiều hơn; ngược lại, nhiều cử tri sẽ ngồi nhà, hay đi nghỉ thay vì đến thùng phiếu. Hoặc là nếu cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao giữa các bên tranh cử cũng thu hút cử tri đến thùng phiếu nhiều hơn.

Kinh phí chi vào bầu cử, vận động tranh cử, quảng bá bầu cử nhiều hay ít có thể tác động lên việc cử tri đi bỏ phiếu. Truyền thống, thói quen bỏ phiếu cũng là một yếu tố ảnh hưởng, ví dụ nếu thường xuyên có một số ghế đã được định sẵn, cử tri có thể ít hứng thú. Hoặc cử tri ở một vùng nào đó là đối tượng vận động của các nhóm lợi ích. Nếu mật độ các cuộc bầu cử khá dày, dĩ nhiên cử tri ít nhiều sẽ cảm thấy ngán không muốn đi bỏ phiếu. Thời tiết xấu, khắc nghiệt là một yếu tố tác động không nhỏ đến quyết định của cử tri ở nhà hay đi bỏ phiếu.

Các yếu tố thể chế tác động đến tỷ lệ cử tri bỏ phiếu gồm: hệ thống bầu cử; bầu cử tự nguyện hay bầu cử bắt buộc; bỏ phiếu trong một ngày hay nhiều ngày; bỏ phiếu vào ngày nghỉ hay ngày làm việc; có các thủ tục bỏ phiếu phụ như bỏ phiếu trước, bỏ phiếu thay, qua bưu điện v.v…

Trong các yếu tố cá nhân, độ tuổi được coi là yếu tố quan trọng thanh niên là nhóm cử tri ít đi bỏ phiếu nhất. Tình trạng hôn nhân, nơi cư trú, tôn giáo cũng ảnh hưởng, theo đó, người đã kết hôn, người có nơi cư trú ổn định, và người theo đạo có xu hướng bỏ phiếu nhiều hơn. Các yếu tố khác gồm giới tính, sống ở thành thị hay nông thôn.

Đặc điểm tâm lý, lối sống cũng là yếu tố then chốt đối với việc cử tri đi bỏ phiếu. Người nào quan tâm đến chính trị hơn, người nào tham gia các mạng lưới xã hội, hoạt động xã hội thì đi bỏ phiếu nhiều hơn. Cử tri có thể không tin tưởng các chính trị gia, ai được bầu rồi cũng thế và họ cho rằng lá phiếu của họ không tác động nhiều đến các chính sách sẽ được thực thi sau này. Cử tri cũng có thể không đi bỏ phiếu để tỏ ý phản đối chính phủ hoặc ngăn ngừa một kết cục mà họ cho rằng không hay. Nếu cử tri được thông tin đầy đủ về chính trị đến độ họ tin rằng có thể tác động lên quá trình ra quyết sách, họ có thể đi bỏ phiếu nhiều hơn. Ngược lại, nếu việc đi bỏ phiếu đối với cử tri là vô nghĩa, không có liên quan, hoặc cử tri cảm thấy bất lực hoặc vô ích trong việc tác động lên chính sách, có khả năng cao cử tri sẽ cảm thấy hờ hững, ác cảm với bầu cử.

Các nghiên cứu thường cho thấy, giáo dục có mối quan hệ mật thiết với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu: những người có trình độ học vấn cao thì hay đi bỏ phiếu hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho kết quả ngược lại, như ở âËn Độ, trình độ học vấn cao dường như lại gắn với tỷ lệ bỏ phiếu thấp hơn; còn ở Mỹ và Thụy Sỹ, không hẳn trình độ học vấn cao là yếu tố làm cho tỷ lệ đi bỏ phiếu cao.

Minh Thy