Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động

Tuyển mộ và đào tạo quyết định chất lượng

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 15:36 - Chia sẻ
Kinh nghiệm của một số nước XKLĐ cho thấy: công tác tổ chức tuyển mộ và đào tạo lao động sẽ quyết định đến mức lương, vị trí của người lao động trong công việc và hiệu quả của hoạt động XKLĐ.

Vấn đề tuyển mộ

Tại Indonesia, thủ tục để tiến hành ra nước ngoài làm việc một cách hợp pháp của người lao động rất phức tạp và tốn kém. Trước hết họ phải trực tiếp liên hệ với một trong các văn phòng của cơ quan lao động Indonesia PJTKI (Perusahaan Jasa Tenaga Kủa Indonesia). Đây là cơ quan duy nhất, với sự cộng tác của AKAN (Sở Quản lý lao động ở nước ngoài) trực thuộc bộ Lao động Indonesia, chịu trách nhiệm gửi lao động ra nước ngoài. Cơ quan này sau khi liên hệ với quốc gia nhận lao động và nhận được giấy phép của Chính phủ sẽ ký hợp đồng với người lao động di dân tương lai. Sau đó, người lao động phải đăng ký tại một trong những văn phòng của AKAN và chờ được huấn luyện về một số kỹ năng nghề nghiệp trước khi khởi hành. Chính sự rắc rối, phức tạp tốn nhiều thời gian cộng với khoản lệ phí cao làm cho người lao động nản lòng và họ nhanh chóng tìm đến một con đường phi chính thức. Mạng lưới những người trung gian này hoạt động tích cực giữa nơi cư trú của người lao động di dân tương lai và các cơ quan tuyển mộ trong thành phố, nơi cấp giấy phép chính thức cho người lao động. Những người trung gian sẽ thu lợi từ cả hai phía: phía cơ quan tuyển mộ và phía người lao động di dân tương lai, và người bị bóc lột không ai khác chính là những người lao động nghèo. Có thể nói sự quan liêu trong hệ thống hành chính Indonesia đã làm cho những người lao động nghèo phải trả một khoản phí quá đắt cao hơn giá thị trường nhiều lần.

Chính phủ Thái Lan không trực tiếp tham gia vào khâu tuyển dụng và đào tạo mà chủ yếu do các công ty tư nhân tiến hành. Chính vì vậy, để công tác này có hiệu quả, Chính phủ Thái Lan đã để cho các tổ chức tư nhân chủ động quy định các tiêu chuẩn, các nội dung đào tạo và tự thực hiện. Nhà nước một mặt kiểm tra tính hợp pháp của các hoạt động này, một mặt hỗ trợ dịch vụ và tạo cơ sở vật chất cho các tổ chức tư nhân thuê khi họ có nhu cầu. Đối với các trường hợp đi theo kênh nhà nước, nhà nước đưa ra các chính sách ưu tiên vì thực chất kênh này chủ yếu cũng chỉ dành cho các đối tượng ưu tiên và các đối tượng không thể đi theo được các tổ chức tư nhân. Các đối tượng ưu tiên trong nhóm này là lao động nữ, lao động thuộc các gia đình nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, người cư trú ở các vùng kém phát triển của Thái Lan.

Từ thực tế trên có thể rút ra kết luận, Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng đối với công tác tuyển mộ lao động. Dù trực tiếp hay gián tiếp, Nhà nước cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động tuyển mộ, đào tạo của những công ty tư nhân XKLĐ để bảo đảm họ không vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp thủ đoạn, vi phạm pháp luật và xâm hại đến quyền lợi của người lao động, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho những người có khả năng và có nhu cầu đi XKLĐ; Đơn giản hóa thủ tục cấp phép xuất cảnh, hỗ trợ về tài chính cho người đi XKLĐ.

Vấn đề đào tạo

Lao động Philippines do có khả năng ngoại ngữ tốt, được đào tạo bài bản trước khi đi lao động ở nước ngoài nên được chào đón ở nhiều nhiều thị trường khó tính với mức lương tương đối cao và những vị trí tốt hơn lao động các nước khác. Mặt khác, Nhà nước niêm yết các khoản hoa hồng, giá tầu xe, giá tuyển mộ ở mức thực tế, quy định chuẩn mực cho các hợp đồng lao động, kiểm tra nội dung quảng cáo tuyển mộ, tuyên truyền chống tuyển mộ bất hợp pháp nhằm kiểm soát chạt chẽ hoạt động của các cá nhân và tổ chức môi giới XKLĐ. Đơn giản hóa các công đoạn tuyển dụng lao động đi xuất khẩu để đẩy nhanh quá trình tuyển dụng, tránh lãng phí thời gian, chi phí cũng như không tạo cơ hội cho tệ tham nhũng. Ngoài ra, Chính phủ Philippines còn áp dụng hình thức tuyển mộ thông qua các liên đoàn lao động theo từng ngành nghề tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có một tổ chức mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của mình trước nhà tuyển dụng cũng như nhà sử dụng. Chính vì vậy mà người lao động yên tâm, tin tưởng vào vai trò của nhà nước trong hoạt động XKLĐ.

Ngược lại, lao động Indonesia do trình độ thấp cộng với việc đào tạo nghề trước khi đi lao động ở nước ngoài kém, chủ yếu do các công ty tư nhân đảm trách, khâu tuyển mộ và đào tạo bị nhà nước buông lỏng nên lao động của họ thường kém cạnh tranh hơn lao động của các quốc gia khác như Philippines, Thái Lan và luôn phải chấp nhận mức lương thấp và điều kiện làm việc khó khăn. Mặt khác, do những thủ tục hành chính của nhà nước trong hoạt động XKLĐ tương đối phức tạp và phải chờ đợi lâu nên người lao động thường tìm đến với các công ty tư nhân để được nhanh chóng ra nước ngoài làm việc.

Quỳnh Vũ