Tư duy quản lý nền tảng số cần dựa trên đặc điểm của mô hình kinh doanh

- Thứ Năm, 16/07/2020, 10:23 - Chia sẻ
Đó là thông tin tại Tọa đàm chính sách “Tầm nhìn cho Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số” do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức chiều ngày 15.7 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh Tọa đàm

Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc chuyển đổi số trên quy mô toàn thế giới là con đường mà các quốc gia trên thế giới phải lựa chọn, đây là một sự tất yếu không thể đảo ngược. Trong quá trình này, kinh tế nền tảng số đóng vai trò vừa là xúc tác vừa là nền tảng quan trọng. Nền tảng số đã thay đổi căn bản cách con người tiếp xúc với nhau, cách tạo ra giá trị mới. Đó là một trong nhiều minh chứng rõ nét về vai trò của kinh tế nền tảng số, cũng như về sự chuyển đổi số đã dẫn tới chuyển đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội.

Kinh tế nền tảng là nhánh cơ bản của kinh tế số. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 ở cả ba mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng từ 28,5 – 62,1 tỷ USD. Dự báo nếu kịch bản tốt nhất xảy ra, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), GDP có thể tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới, tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm.

Cố vấn trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành
Cố vấn trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành

Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, mà còn rất nhiều các quốc gia trên thế giới còn băn khoăn trong việc điều hành kinh tế nền tảng. Đứng trước các vấn đề lao động trong các nền tảng, Mỹ, Anh, và Canada tạm gọi họ là “những người kí kết hợp đồng phụ thuộc”, một khái niệm kết hợp giữa “người lao động” và “người kí hợp đồng độc lập”. Và kết quả là đến nay các cuộc biểu tình của lái xe kí hợp đồng với Uber vẫn diễn ra tại trụ sở của họ để đòi quyền lợi.

Phát biểu tại Hội thảo, theo Cố vấn trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành, kinh tế nền tảng đặt chân đến Việt Nam không hề muộn, nhưng câu chuyện trở nên vô cùng phức tạp khi những nền tảng tồn tại cả hiệu ứng mạng xuất hiện. Chúng ta có thể nhìn vào câu chuyện của Uber và Grab để có thể thấy được sự lúng túng của chính sách vốn đang quản lý mô hình truyền thống nay phải “kiêm nhiệm” sang quản lý các nền tảng. Đối với việc điều hành hoạt động của nền tảng, tư duy quản lý nền tảng số cần dựa trên đặc điểm của mô hình kinh doanh.

Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm
Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm

Áp dụng tư duy quản lý theo mô hình truyền thống dạng ống đối với nền tảng số sẽ cản trở những việc xây dựng hệ thống chính sách công bằng đối với kinh tế nhà nước. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ về những mô hình nền tảng, phương thức hoạt động, tác động tới các đối tượng có liên quan.

Tin và ảnh: Thảo Anh