Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội:

Từ chuyên trách đến chuyên nghiệp

- Thứ Tư, 24/06/2020, 07:51 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín đã chính thức quy định tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Nhìn lại quá trình phát triển về số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách và hiệu quả hoạt động của các đại biểu này qua các nhiệm kỳ gần đây càng thấy rõ ý nghĩa của quy định này.

 Từ quy định sơ khai về đại biểu chuyên trách...

Xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta, các khóa Quốc hội trước đây hầu hết đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều hoạt động kiêm nhiệm. Từ những khóa Quốc hội đầu tiên cũng có những đại biểu được Đảng, Nhà nước phân công hoạt động thường xuyên tại các cơ quan của Quốc hội ở vị trí chủ chốt để bảo đảm duy trì hoạt động của Quốc hội giữa 2 kỳ họp, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là các cụ Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Tôn Quang Phiệt, Tôn Đức Thắng, ông Trường Chinh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cho đến Chủ tịch Quốc hội Khóa VIII Lê Quang Đạo... Tuy nhiên, những năm ấy, chưa đặt ra khái niệm và cũng không có văn bản nào gọi là đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thực tiễn cho thấy, hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ không cao và nặng tính hình thức nếu Quốc hội chỉ toàn những ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm. Phải có những đại biểu dành trọn thời gian để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, của các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hoạt động sẽ được chuyên sâu hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn. Theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hàng năm, Quốc hội cho ý kiến và thông qua hàng chục luật; giám sát tối cao hay giám sát chuyên đề nhiều vấn đề quan trọng… Nếu chỉ trông chờ vào hoạt động của các ĐBQH kiêm nhiệm thì không thể hoàn thành được khối lượng công việc lớn đó.

Có thể nói, đến nay chưa có định nghĩa hay khái niệm chính thức về ĐBQH chuyên trách nhưng trong thực tế đã phải thừa nhận rằng, ĐBQH hoạt động chuyên trách là ĐBQH dành toàn bộ thời gian làm việc của mình để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của ĐBQH, được bầu vào một cơ quan của Quốc hội, hay được bố trí làm việc ở một cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Đoàn ĐBQH. Qua việc bố trí công tác và thực tiễn hoạt động thì điểm khác nhau cơ bản giữa ĐBQH hoạt động chuyên trách với ĐBQH hoạt động không chuyên trách chính là thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Tại Hội nghị lần thứ Hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VII, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư, đã phát biểu “hướng lâu dài là Quốc hội chuyển dần sang hoạt động thường xuyên". Đến Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII (năm 1997), Nghị quyết Hội nghị đã đề cập “Cần tăng thêm hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách cho các Ủy ban trong Quốc hội”. Tiếp theo, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII (năm 1999) tiếp tục nhấn mạnh “từng bước tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách”.

Từ chủ trương của Đảng, tiến đến những quy định sơ khai có tính pháp lý trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992, cũng như thực tiễn đã diễn ra thì đại biểu Quốc hội chuyên trách mới chỉ được bố trí từ Quốc hội Khóa IX. Ngoài những đồng chí là lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được phân công sang đảm nhận các cương vị chủ chốt của Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan hữu quan đã chủ động quy hoạch một số người để cử tri bầu, sau đó Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội. Đó là các vị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, một số ủy viên chuyên trách khác.

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa IX có 37 ĐBQH hoạt động chuyên trách, bằng 9,44% so với tổng số ĐBQH cả khóa. Trong đó có 22 ĐBQH là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các Phó Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội. Thời gian đầu nhiệm kỳ, ở các địa phương không có đại biểu làm việc theo chế độ chuyên trách. Khoảng cuối nhiệm kỳ, cụ thể là sau đại hội Đảng các cấp (thời kỳ đó, Đại hội Đảng trước bầu cử ĐBQH hơn 1 năm), có thêm một số ĐBQH là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương không tiếp tục làm công tác Đảng (vì quá tuổi quy hoạch) chuyển sang làm nhiệm vụ ĐBQH ở Đoàn nên cũng được coi là ĐBQH chuyên trách ở địa phương (15 người).

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa X có 31 ĐBQH chuyên trách ở Trung ương, bằng 6,89% tổng số ĐBQH. Đó là các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và 3 ĐBQH chuyên trách không giữ chức vụ do Quốc hội bầu. Ở các địa phương, tình trạng cũng gần giống như Khóa IX, vào nhiệm kỳ được 1 năm có 1 đại biểu là cán bộ Mặt trận đủ tuổi nghỉ hưu, đã bàn giao công tác chuyên môn ở cơ quan Mặt trận, dành toàn bộ thời gian làm nhiệm vụ ĐBQH ở Đoàn, tự nhiên trở thành ĐBQH chuyên trách. Đến khi tiến hành xong Đại hội nhiệm kỳ Đảng bộ cấp tỉnh, có 13 ĐBQH là lãnh đạo của địa phương không tiếp tục giữ chức vụ Đảng, chính quyền, đoàn thể nên các Đoàn ĐBQH đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bố trí các ĐBQH này hoạt động chuyên trách tại Đoàn và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

... đến hiệu quả thực tế

Việc có thêm ĐBQH chuyên trách đã giúp các Đoàn có đại biểu tập trung giải quyết nhiều việc của Đoàn theo chức năng, nhiệm vụ đã được Luật định. Tuy nhiên, thời điểm này chưa có quy định của luật về số lượng hay tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, mặt khác các đại biểu này trở thành người hoạt động chuyên trách từ tình huống cụ thể về nhân sự cán bộ, không phải là đại biểu được trù liệu từ đầu nhiệm kỳ để hoạt động chuyên trách nên trách nhiệm cũng mức độ, hiệu quả cũng chừng mực. Như vậy, tổng số ĐBQH chuyên trách cả ở Trung ương và địa phương cuối Khóa X là 45 người (bằng 10% tổng số ĐBQH). 

 Có thể nhận thấy Khóa IX và Khóa X, tổ chức và hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tuy số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách chưa nhiều mà đã đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của Quốc hội, nhưng chưa thể đáp ứng được yêu cầu công tác, đặc biệt là công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội. Từ đó đòi hỏi cần nhanh chóng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tăng cường ĐBQH hoạt động chuyên trách là hướng đổi mới cần thiết nhằm thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, phù hợp với điều kiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta. Đây cũng là yêu cầu xuất phát từ thực tế hoạt động của Quốc hội nói chung và các Đoàn ĐBQH nói riêng.

Số lượng phải đi đôi với chất lượng

Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, trong quá trình chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Công văn số 361/UBTVQH ngày 7.3.2002 hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn người để giới thiệu ứng cử làm ĐBQH chuyên trách ở địa phương. Với ĐBQH chuyên trách ở Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X và Hội đồng Bầu cử ĐBQH Khóa XI tích cực chủ động chỉ đạo việc lựa chọn người đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương. Ngay đầu nhiệm kỳ có 58 ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và 61 ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương, tổng số là 119 đại biểu chuyên trách. Đến cuối nhiệm kỳ có thêm 3 ĐBQH chuyển về hoạt động chuyên trách, nâng tổng số lên 122 đại biểu chuyên trách.

Tiếp theo, các Khóa XII, XIII và XIV, số lượng ĐBQH chuyên trách liên tục tăng dần lên đến 30% rồi 35%. Các cơ quan của Quốc hội cũng bố trí nhiều đại biểu hoạt động chuyên trách, họ là những người có chuyên môn sâu, thực hiện nhiệm vụ đại biểu ngày càng chuyên nghiệp, góp phần hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan của Quốc hội. Ở các địa phương, việc bố trí ĐBQH cũng chủ động hơn, hầu hết họ là Phó Trưởng đoàn, là người giúp Trưởng đoàn trực tiếp tổ chức hoạt động của Đoàn và chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH. Một số Đoàn đông đại biểu đã bố trí 2 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trong nhiệm kỳ, ĐBQH chuyên trách cũng thực hiện luân chuyển theo công tác quy hoạch nguồn cán bộ chung của cả hệ thống chính trị nên có khi số lượng, tỷ lệ cũng thay đổi.

Hướng tăng dần số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách là cần thiết, nhưng số lượng cần đi đôi với chất lượng. Vấn đề là chủ động từ khâu quy hoạch, tạo nguồn và lựa chọn những người có chuyên môn phù hợp và tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử. Rất cần những đại biểu chuyên trách mà thực sự chuyên nghiệp chứ không phải là chuyên họp.

Nguyễn Nhân Tỏ