Trong khó khăn chung của nền kinh tế, nên cân nhắc việc nâng thuế

- Thứ Năm, 22/08/2013, 08:21 - Chia sẻ
Cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 928 của UBTVQH về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, nhiều Ủy viên UBTVQH nhất trí cho rằng việc tăng thuế tài nguyên theo lộ trình là phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Việc tăng thuế suất sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp này và tác động như thế nào đến người lao động hoạt động trong lĩnh vực này? Các Ủy viên UBTVQH yêu cầu, cần đánh giá thật rõ những tác động của việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên, lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn để có chính sách hợp lý.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’ Sor Phước: Nếu tăng thuế suất thuế tài nguyên thì tác động đối với người lao động trong lĩnh vực này sẽ như thế nào?- Cần hết sức chú ý vấn đề này

Tôi rất lưu ý ý kiến của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn vì đã trực tiếp xuống tận hiện trường. Chúng ta cũng phải lắng nghe hết tất cả. Tôi thấy cả trong Báo cáo của Chính phủ và ngay cả trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách còn thiếu một số ý nữa. Tôi đồng ý việc này (nâng mức thuế suất thuế tài nguyên - PV) nhằm bảo đảm giữ được các nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn tài nguyên một cách phù hợp, lâu dài, góp phần tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, có 4 nội dung tôi rất muốn nghe Chính phủ và Ủy ban Tài chính- Ngân sách nói rõ thêm. Một là, vấn đề giải quyết lao động trong lĩnh vực này. Nếu tăng thuế suất thuế tài nguyên lên thì tác động đối với lao động xã hội, người dân, người lao động trong lĩnh vực này sẽ như thế nào? Cần hết sức chú ý vấn đề này. Hai là, phải nói rõ hơn về lợi ích của doanh nghiệp. Ở đây phải tính đến lợi ích của doanh nghiệp. Nếu ta không tính toán hài hòa lợi ích, trong đó có lợi ích của doanh nghiệp thì tôi cho rằng sẽ  thất bại. Doanh nghiệp thực sự có lãi không nếu như tăng thêm thuế? Thứ trưởng Bộ Tài chính có nêu rằng qua kiểm tra tại một số doanh nghiệp thì thấy rằng nếu nâng thuếá như Tờ trình thì doanh nghiệp vẫn có lãi. Đấy là con số tôi thấy không được yên tâm vì ngay trong báo cáo của chúng ta cũng không rõ nét chỗ này. UBTVQH cần phải có bức tranh này. Bây giờ tình hình kinh tế đang khó khăn. Đến năm 2015, khả năng kinh tế cũng mới ở giai đoạn bắt đầu khôi phục thôi. Từ nay đến năm 2015, nếu tăng thêm thuế này nữa thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ thế nào? Ba là, độ tin cậy của các doanh nghiệp đối với pháp luật của chúng ta như thế nào? Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính - hai cơ quan tham mưu rất quan trọng cho Chính phủ nhận định như thế nào về vấn đề này? Một mặt ta làm rất mạnh việc này nhưng một mặt do thuế của ta không đánh được hết tất cả, những loại mà khoáng sản tặc lộng hành như vừa qua thì không xử lý được. Bốn là, vấn đề về môi trường chưa được rõ lắm. Các biểu thuế này có tác động gì đến môi trường và liên quan như thế nào đến phí bảo vệ môi trường? Tăng thuế này lên rồi tới đây, phí có tăng nữa không?

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn: Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nên cân nhắc việc nâng thuế

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, đầu năm nay, chúng ta đã giảm một số loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bây giờ lại đề xuất tăng thuế tài nguyên. Nghị quyết 928 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên cũng mới được ban hành từ tháng 4.2010, đến nay cũng mới khoảng 3 năm. Thực tế trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế thì các doanh nghiệp kể cả khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu... cũng đều gặp khó khăn. Bây giờ đề xuất thay thế Nghị quyết cách đây 3 năm, các loại tài nguyên từ đất cát đến vàng, niken... đều tăng thuế với mức tăng lên, trong đó mức tăng nhiều nhất là 8% so với thuế suất hiện hành. Các mức tăng này vẫn nằm trong khung cho phép. Nhưng vấn đề là, trong lúc này, việc tăng thuế như vậy sẽ có tác động như thế nào? Có giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp hay không? Tôi đi tiếp xúc cử tri ở Quảng Nam - Đà Nẵng và đi giám sát trực tiếp hai nhà máy khai thác vàng ở đây. Nhà máy rất hiện đại, đầu tư khoảng trên dưới 20 năm và quy trình khai thác từ lúc lấy quặng ở trong lòng núi, khai thác trong lòng núi, đưa đá ra xay đến lúc ra vàng là khép kín toàn bộ, gần như bảo đảm môi trường, không có vấn đề gì, giải quyết cho khoảng 5.000 công nhân Việt Nam. Riêng trữ lượng ở Phước Sơn còn khá hơn, công bỏ ra khai thác có thể ít hơn, họ cũng đi vào trong lòng núi nhưng cách nhà máy gần, vào lòng núi sâu khoảng 500 - 700m. Còn nếu vào đó, nhìn lên trên các triền núi thì tình trạng khai thác theo kiểu vàng tặc lỗ chỗ. Sườn núi chênh vênh, lực lượng có trách nhiệm lên đến nơi thì những người khai thác này đã đi mất rồi. Vàng tặc như vậy không phải nộp thuế lại gây ảnh hưởng đến môi trường. Còn hai doanh nghiệp mà tôi đến giám sát trực tiếp tại Quảng Nam, Đà Nẵng thì toàn bộ nhà máy đều khép kín, chỗ phế thải cũng có 3 hồ để chứa từ lúc bao nhiêu % ảnh hưởng đến lúc không và hiện nay có một doanh nghiệp mua lại phế thải đó, tiếp tục lọc lần thứ hai để lấy ra đồng, sắt, chì... Bây giờ mình tăng thuế lên thì sẽ tác động như thế nào, nếu doanh nghiệp không hoạt động được nữa, phá sản thì vấn đề việc làm cho người lao động sẽ như thế nào? Vì thế, tôi đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này.

Tôi nghĩ, trong lúc điều kiện như hiện nay, nếu có nâng thì nâng một chút thôi đừng nâng quá. Trong khi các lĩnh vực khác mình còn đang giảm thuế xuống, riêng thuế tài nguyên lại nâng lên. Chúng ta biết, hàng tồn kho hiện nay rất nhiều. Ví dụ sắt chẳng hạn, đang tồn kho, bây giờ đánh thuế sắt cao hơn nữa thì làm sao doanh nghiệp khai thác, chế biến được? Tôi đề nghị cân nhắc, trước mắt chưa nên thay Nghị quyết này để tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các doanh nghiệp ổn định đã. Đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mà mình cứ cái tăng, cái giảm cũng không biết giải thích thế nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Phải đánh giá tác động sau khi điều chỉnh mức thuế thì khả năng cạnh tranh của các sản phẩm như thế nào mới bảo đảm được mục tiêu giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Theo Tờ trình Chính phủ, nguồn thu thuế tài nguyên, ngoài tài nguyên từ dầu khí, có thể nói tăng lên rất nhanh. Năm 2009 chỉ chiếm 12,3% nhưng năm 2010 tăng lên 13,5% và năm 2011 tăng lên 16,2%, năm 2012 tăng lên 17,3%. Tôi cho rằng tỷ trọng này tăng như thế là nhanh. Số tuyệt đối tăng lên cũng khá lớn. Từ  2.396 tỷ đồng năm 2009 tăng lên 7.186 tỷ đồng năm 2012, tăng thêm khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo Tờ trình của Chính phủ việc điều chỉnh nâng thuế suất thuế tài nguyên lần này nhằm 3 mục tiêu. Một là, phù hợp với danh mục, nhóm, loại tài nguyên trong phạm vi không thuế suất do QH quy định. Hai là, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài nguyên nói chung và bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia nói riêng, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đây là mục tiêu quan trọng nhưng tôi thấy, mục tiêu này chưa được làm rõ lắm. Ba là, bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế thì vấn đề này chắc cũng không mới lắm, vì quy định thế này, người ta đóng thuế bình thường, chứ không có gì rõ hơn, dễ hơn.

Tôi đề nghị xem lại các nội dung đánh giá tác động trong Báo cáo của Chính phủ. Nội dung đánh giá tác động thì có nhiều, nhưng tôi cảm giác không thỏa đáng, không rõ ràng. Ví dụ, trong này ta nói quyền lợi của người dân, chúng ta nói chung chung là: một là, có nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất; hai là, tăng thu để góp phần ổn định sản xuất và ổn định đời sống - mấy tác động này rất khó hiểu. Hay đối với doanh nghiệp, chúng ta nói là sẽ đổi mới công nghệ hiện đại và chế biến sâu, nhưng nếu chúng ta đánh giá nâng thuế suất này để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cải tiến kỹ thuật hay đầu tư mới công nghệ hiện đại thì thêm một lần chi phí, lần thứ hai đóng thuế cao hơn nữa thì rõ ràng ở đây doanh nghiệp có đủ sức làm những việc này không? Báo cáo đánh giá là thuận lợi nhưng theo tôi đánh giá như vậy không sát thực tế. Về khó khăn, báo cáo nói là tăng giá bán, tăng giá bán sẽ tác động đến sản xuất, đời sống hay đánh giá khả năng cạnh tranh thì cũng không đánh giá sâu về khả năng cạnh tranh. Bởi vì đây không phải sân chơi của Việt Nam mà là sân chơi của cộng đồng thế giới, tất cả những sản phẩm này, thế giới cũng có thì chúng ta phải đánh giá khả năng sau khi điều chỉnh mức thuế này thì các sản phẩm này khả năng cạnh tranh như thế nào mới bảo đảm bảo vệ được mục tiêu giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Còn nếu đánh giá đơn thuần là tăng giá bán, tôi nghĩ không đơn giản như thế. Chưa chắc gì đã tăng giá bán được nếu như tất cả hàng hóa cạnh tranh thì không thể tăng giá bán được cho nên việc tăng giá là do thị trường quyết định chứ không phải do chúng ta tự quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Trong rất nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thì có việc tăng thuế theo lộ trình phù hợp

Khi bàn về vấn đề sửa đổi thuế suất thuế tài nguyên, có lẽ chúng ta cũng phải có một cái nhìn tương đối tổng quan về việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở nước ta và nếu có điều kiện thì cũng nhìn lại xem các nước giải quyết vấn đề này như thế nào. Kinh nghiệm cho thấy, những nước có trình độ chậm hoặc đang phát triển mà muốn làm giàu nhanh thì có nhiều cách; trong đó, có một cách là xem trong nhà có gì thì đem đi bán. Nhiều nước không đi theo hướng này mà cái gì cần bán thì người ta bán còn cái gì không cần bán thì thôi, còn phải làm ăn và đầu tư vào sản xuất, vào khoa học kỹ thuật và những vấn đề khác. Tôi nghĩ, hướng phát triển của mình, khai thác tài nguyên và khoáng sản nên học tập kinh nghiệm của các nước này xem người ta giữ tài nguyên như thế nào? Tôi chưa nói những nước giàu có, những nước phát triển, ngay như nước nghèo, những nước đang phát triển người ta cũng giữ tài nguyên như thế nào? Chúng ta cần đi theo hướng quản lý cho tốt tài nguyên của đất nước mình cho hôm nay và cho ngày mai.

Hôm qua, chúng ta đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn về quản lý tài nguyên khoáng sản, thực tế cho thấy, việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở nước ta hiện nay rất hạn chế. Tầm nhìn có tính chất vĩ mô đối với việc khai thác tài nguyên là rất hạn chế, chủ yếu các hoạt động khai thác tài nguyên mang tính chất địa phương. Từ quản lý nhà nước yếu kém như vậy nên việc khai thác tài nguyên, bán tài nguyên khoáng sản rất ồ ạt. Kế hoạch trong tầm vĩ mô cả nước rất hạn chế, chủ yếu là ở tầm địa phương và nhìn vào lợi ích của địa phương, thậm chí có thể là lợi ích của từng xã, từng huyện, từng tỉnh chứ lợi ích của quốc gia thì nhiều khi cũng ít nhìn đến. Mặt khác, qua giám sát thực tế thì tài nguyên khoáng sản hiện nay chủ yếu được khai thác và bán thô, với giá rất rẻ mạt còn khoáng sản tinh luyện, có giá trị cao là hầu như không có. Thậm chí một số loại tài nguyên, chúng ta khai thác bán thô cho người ta rồi sau đó lại phải đi mua lại sản phẩm tinh luyện của họ, mua đi mua lại với giá rất cao. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta phải có chính sách đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, một số loại tài nguyên khoáng sản không tái tạo, bây giờ chúng ta khai thác để bán thì các nước khác họ giữ không khai thác, sau này mình khai thác hết rồi, mình cần thì lại phải đi mua của người ta. Tức là, anh bán hôm nay mà không tính đến chuyện ngày mai sẽ lại phải đi mua. Lúc chưa cần thì  bán đi, lúc cần thì lại không có, lại phải đi mua lại với giá cao. Đây là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ. 

Với một số cách nhìn nhận như vậy, tôi nhất trí cao với ý kiến trong Tờ trình của Chính phủ. Phải khẳng định đây là những tài nguyên khoáng sản thiên nhiên chỉ cho có thế thôi, không tự nhiên sinh ra nữa. Vì thế, tôi đề nghị hướng của chúng ta là phải hạn chế khai thác, phải đầu tư kỹ thuật phát triển chứ không phải theo kiểu vì nhà nghèo có cái gì đem bán được thì cứ bán. Định hướng chính sách vĩ mô là phải hạn chế khai thác các loại tài nguyên này. Theo đó, một mặt chúng ta tăng cường quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, chứ không phải theo kiểu địa phương, huyện, xã, anh nào có cái gì, muốn làm giàu trước mắt hoặc chỉ ở một nhiệm kỳ này là anh cứ bán. Với tinh thần như vậy, trong rất nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thì có việc tăng thuế theo lộ trình phù hợp ở đây. Chúng tôi nói theo lộ trình mà Bộ Tài chính trình và biểu thuế thì mức hầu hết vẫn để ở mức thấp, ở mức 1/2 hoặc ở mức thấp trong biểu thuế luật đã cho phép. Cho nên với mức thuế mà Bộ Tài chính, kể cả Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra không phải là cao, thậm chí so với các nước trong khu vực cũng không phải là cao.

Cũng phải nhìn nhận lại ở một vấn đề nữa là những người phải nộp thuế tức là các doanh nghiệp bao giờ cũng muốn giảm thuế. Theo tôi phải hết sức cân nhắc khi xem xét các kiến nghị của những người chịu tác động ảnh hưởng của việc tăng thuế. Đối với người sản xuất phải nộp thuế thì không ai thích phải tăng thuế cả. Làm một công văn thì quá đơn giản nhưng giải quyết những việc đó như thế nào, vì lợi ích chung như thế nào? Thậm chí đối với một số doanh nghiệp tăng thuế thì khó khăn trong sản xuất nên thôi, tôi có khuyến khích đầu tư làm đâu, trong khi đó lợi ích cả 2 bên. Nếu trong tầm vĩ mô mà không có lợi cho đất nước, không đúng định hướng thì thôi. Nếu khai thác khó khăn quá, lỗ thì thôi. Đối với những trường hợp không ảnh hưởng đến nền kinh tế của ta, không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của cán bộ, phần lớn nhân dân thì chúng ta vẫn phải xem xét, chúng ta không khuyến khích các trường hợp đó.