Chính sách và cuộc sống

Trọn vẹn niềm tin

- Thứ Tư, 20/05/2020, 07:08 - Chia sẻ
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín sáng nay.

Nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận trong báo cáo này. Trong đó, phải kể đến một số nội dung liên quan đến nhiều địa phương, được nhiều cử tri kiến nghị tại nhiều kỳ họp trước đến nay đã được xem xét, giải quyết xong. Như việc thống nhất giữa các Bộ trong công tác quản lý, bảo trì đối với 4.700km quốc lộ đi qua 42 địa phương. Trước đó, cử tri đã kiến nghị về công tác quản lý, bảo trì đối với một số đoạn quốc lộ đi qua địa phương không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm nên không được kịp thời duy tu, bảo trì, dẫn đến tình trạng xuống cấp. Nguyên nhân được chỉ ra là do việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ UBND cấp tỉnh về Bộ Giao thông - Vận tải chưa được tiến hành dứt điểm.

Nhận thấy đây là vấn đề mang tính cấp bách, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều tài sản của Nhà nước và ảnh hưởng đến an toàn đường bộ của người dân, Bộ Tài chính đã tích cực xem xét, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải và 42 địa phương để xử lý. Qua đó, đã ban hành các quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường bộ từ 42 địa phương về Bộ Giao thông - Vận tải quản lý theo quy định của pháp luật. “Như vậy vấn đề đã được giải quyết dứt điểm, 4.700km đường quốc lộ chạy qua địa phận 42 địa phương sẽ được bố trí kinh phí để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ, bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông”, Báo cáo kết quả giám sát ghi nhận.

Hay một nội dung khác cũng đã được cử tri phản ánh tại các kỳ họp trước nhưng cứ dùng dằng mãi thì cuối tháng 1 năm nay cũng đã xử lý dứt điểm là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có quy định điều chỉnh hoạt động của taxi công nghệ. Cho đến Kỳ họp trước, theo thống kê của Ban Dân nguyện, vẫn có tới gần 2.000 đơn thư của công dân gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để kiến nghị về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ cũng như những hệ lụy phức tạp mà tình trạng này gây ra cả về an ninh trật tự xã hội và quản lý nhà nước. Gần một tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 10, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Quyết định số 146 dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng kể từ ngày 1.4.2020 để thực hiện theo Nghị định mới. Dù vẫn còn chậm so với yêu cầu của cử tri nhưng việc Chính phủ ban hành được Nghị định số 10 trong đầu năm nay, theo ghi nhận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng đã “tháo gỡ nhiều vướng mắc trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định rõ điều kiện kinh doanh của người dân, góp phần ổn định trật tự xã hội”.

Đó chỉ là 2 trong số 2.066 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội đã được các cơ quan giải quyết, trả lời. Đặt trong bối cảnh từ sau Kỳ họp thứ Tám, đặc biệt là trong những tháng đầu năm nay, khi nước ta vừa phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vừa phải tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì những con số, những kết quả cụ thể này cũng đã phần nào cho thấy nỗ lực của các cơ quan nhà nước trong việc lắng nghe, xử lý yêu cầu của người dân.

Dù vậy, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, còn khá nhiều kiến nghị của cử tri dù đã được gửi đến nhiều kỳ họp của Quốc hội, dù các cơ quan của Quốc hội đã giám sát và thúc giục nhiều lần, thậm chí đã nêu trong các nghị quyết giám sát, chất vấn nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành vẫn còn “nợ” 698 kiến nghị của cử tri, trong đó có 214 kiến nghị được cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám và 484 kiến nghị đã được gửi đến các kỳ họp trước. Đó là chưa kể, ngay trong các kiến nghị được tính là “đã giải quyết, trả lời” thì nhiều việc cũng chưa thuyết phục được cử tri, nhất là những kiến nghị mà cử tri yêu cầu phải kiểm tra, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra các sai phạm.

“Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nguyện vọng của cử tri luôn được quan tâm ưu tiên xem xét, giải quyết, từ đó, tạo nên tâm lý tin tưởng, phấn khởi của cử tri và nhân dân cả nước vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định trong báo cáo kết quả giám sát. Chắc chắn, niềm tin ấy sẽ được nhân lên và trọn vẹn hơn nữa khi kiến nghị của cử tri, đặc biệt là những kiến nghị đã qua nhiều kỳ họp sớm được xem xét, giải quyết thấu đáo và cơ quan, bộ, ngành, địa phương nào cứ viện dẫn các lý do khách quan để không giải quyết dứt điểm, có biểu hiện “om” kiến nghị của cử tri phải bị xử lý đến nơi đến chốn.

Nguyễn Bình