Trở lại giá trị gốc

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 07:37 - Chia sẻ
Một trong những thách thức lớn nhất đối với báo chí hiện nay là phải cạnh tranh với mạng xã hội, cả về tốc độ, nguồn lực, công nghệ, cách thức đưa tin… Và trong nhiều trường hợp mạng xã hội đã lấn lướt báo chí nhờ tốc độ nhanh hơn, diện phủ rộng, cách tiếp cận dễ dàng. Trước thực trạng này, trong phiên giải trình của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ vừa qua, nhiều đại biểu băn khoăn, quản lý nhà nước về báo chí có khó khăn gì không và giải pháp nào để khẳng định vai trò, vị thế dẫn dắt tư tưởng và định hướng dư luận của báo chí?

Mạng xã hội đang lấn lướt báo chí, đó là một thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu báo chí chỉ dừng lại ở chức năng đưa tin thuần túy, thì rõ ràng sẽ không bao giờ cạnh tranh được với mạng xã hội. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, lý do rất đơn giản, mạng xã hội như Facebook có tới 2,3 tỷ "cộng tác viên"(tức người sử dụng) mà không phải trả tiền. Không tờ báo trên thế giới nào cạnh tranh được với mạng xã hội xét về phương diện này, bởi một tờ báo lớn có 200 - 300 cộng tác viên đã là kinh khủng. Vì thế, để tiếp tục tồn tại và phát triển, báo chí phải quay lại giá trị gốc của mình là tính xác thực, là nơi xác tín nguồn tin, giúp người đọc phân biệt được thật - giả. “Mạng xã hội làm cho vai trò và giá trị gốc của báo chí lớn hơn bao giờ hết. Quay lại giá trị gốc của báo chí là (làm rõ) cái gì ở phía sau núi thông tin kia. Thật có, giả có, và báo chí phải định hướng người đọc” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hiện nay cách đưa tin báo chí có xu hướng chuyển từ 5W (Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Tại sao?) thành 5I (thông tin, trí tuệ, thú vị, thấu hiểu, diễn giải), đưa thông tin đầy đủ nhiều các chiều, phải kể được câu chuyện phía sau, có sự gia công trí tuệ của phóng viên, nhìn được cái gì phía sau 'đống' thông tin ấy, và có tính diễn giải. Lâu nay chúng ta phàn nàn tình trạng “báo hóa tạp chí”, nhưng xu thế thế giới hiện nay là “tạp chí hóa báo”, tức báo chí phải có tính chuyên sâu, chuyên ngành thì mới có thể tồn tại, không bị mạng xã hội “lấy mất nghề”.

Nói như thế có nghĩa Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhìn thấy, thậm chí nhìn rõ những thách thức đối với báo chí hiện nay và cả những đòi hỏi phải thay đổi để có thể tồn tại và phát triển. Nhưng nhiều đại biểu quan tâm, trong tình hình đó, quản lý nhà nước về báo chí có gặp khó khăn gì không? Có! Một cá nhân lên mạng xã hội bất kỳ viết một bài, 2,3 tỷ người đọc được, thì đó có phải là báo không? Cá nhân đó có phải nhà báo không? Facebook nói rằng họ không viết tin bài, vì thế không phải là một tờ báo, nhưng Facebook lại ra một thuật toán đưa tin gì đến với người đọc, thì thuật toán đó có phải tờ báo không? Trong hàng tỷ thông tin, người ta chọn những tin tức nhất định để đưa đến người đọc, nghĩa là đã có thao tác xử lý tin bài, thì có phải tờ báo không và chúng ta có xử lý như với một tờ báo không?...

Dẫn ra những vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đó là một khoảng trống pháp lý mới xuất hiện, chưa được điều chỉnh trong Luật Báo chí. Song đây là vấn đề mang tính toàn cầu, nhiều quốc gia đã cùng nghiên cứu và gần đây có sự đồng thuận quốc tế, rằng thuật toán đưa tin đến người đọc chính là một tờ báo. Một số quốc gia đã quy định, một cá nhân đưa thông tin lên mạng xã hội mà cứ có 10.000 người theo dõi thường xuyên thì sẽ quản lý giống như tờ báo. “Những vấn đề như vậy đặt ra yêu cầu với công tác quản lý nhà nước về báo chí. Chúng tôi đang có các nhóm nghiên cứu, theo dõi rất sát những ứng xử của thế giới, để từ đó có cách ứng xử phù hợp trong điều kiện của Việt Nam”.

Anh Minh