Trăn trở, tâm huyết với cơ quan dân cử địa phương

- Thứ Bảy, 13/06/2020, 20:41 - Chia sẻ
Khi nghe tin anh Vũ Mão qua đời, những người công tác ở cơ quan dân cử địa phương, nhất là anh em cùng thời lăn lộn, trăn trở, tâm huyết với những thăng trầm của HĐND không khỏi bàng hoàng, xúc động. Càng nghĩ càng nhớ thương người anh một thời phấn đấu, trách nhiệm bảo vệ, xây dựng, phát triển cơ quan dân cử địa phương. Âu cũng điều mong muốn: Quyền dân chủ của Nhân dân được phát huy; thiết chế kiểm soát quyền lực được thể hiện để xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Được đào tạo, trưởng thành từ rất sớm, anh Vũ Mão đã đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Nhưng dù công tác ở đâu anh đều luôn tâm niệm quan điểm phát huy dân chủ trong Nhân dân, thường xuyên trăn trở, tâm huyết củng cố xây dựng và phát triển cơ quan dân cử địa phương.

Tâm huyết với cơ quan HĐND

Ngay khi đang làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, anh Vũ Mão đã sâu sát địa phương, nghiên cứu, suy nghĩ nhiều đến cơ chế hoạt động của HĐND các cấp. Tìm ra những hạn chế từ pháp luật, những khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND từ cơ sở. Mạnh dạn đề xuất và tích cực tham gia mạnh mẽ sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989. Bước ngoặt quan trọng nhất của luật lúc bấy giờ đã ghi rõ: HĐND địa phương có cơ quan Thường trực HĐND và bố trí Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Không những thế, lần đầu tiên luật khẳng định: Đại biểu HĐND các cấp được hưởng phụ cấp hàng tháng với hệ số theo tiền lương cơ bản. Từ những thay đổi cơ bản của pháp luật, vị trí, vai trò của HĐND được nâng cao trong hệ thống chính trị ở địa phương, hoạt động của HĐND bắt đầu khởi sắc.

Để tạo mọi điều kiện cho hoạt động của HĐND, anh rất quan tâm củng cố, xây dựng cơ quan tham mưu, phục vụ HĐND các địa phương lớn mạnh. Với trách nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được phân công giữ mối quan hệ với HĐND các địa phương (lúc bấy giờ chưa có Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Ngay những năm đầu 1990, anh đã tạo thuận lợi và có ý kiến để các địa phương tách từ Văn phòng UBND cấp tỉnh, thành lập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH; một mô hình Văn phòng mà đến bây giờ nhiều địa phương vẫn tâm đắc. Mặc dù có lúc có ý kiến khác nhau và từng bị nhắc nhở, nhưng anh rất tâm huyết "bật đèn xanh" để các địa phương tăng cường củng cố, xây dựng văn phòng tham mưu, phục vụ cơ quan dân cử địa phương lớn mạnh; đủ điều kiện tham mưu, giúp việc ĐBQH và đại biểu HĐND tốt nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn hơn qua sự phân quyền, phân cấp theo những quy định mới của pháp luật.

Tạo cơ hội tốt nhất

Không những củng cố tổ chức, tăng cường cán bộ cơ quan HĐND trong những dịp sửa đổi luật pháp liên quan, anh Vũ Mão rất quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ đại biểu công tác ở cơ quan HĐND, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa HĐND với các cơ quan của Quốc hội, tạo thuận lợi để đại biểu HĐND tiếp cận với hoạt động của Quốc hội. Hiểu rõ mong muốn của đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách các địa phương, cứ mỗi lần Quốc hội họp, đại diện Thường trực HĐND được mời dự thính các phiên họp thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Qua đó, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không những hiểu biết thêm những hoạt động của Quốc hội, mà những kinh nghiệm hay, bài học quý trực tiếp tại nghị trường càng in đậm trong tâm khảm của anh em địa phương.

Từ thực tế trong Quốc hội, HĐND các địa phương đã tổ chức những kỳ họp không những theo đúng quy định mà ngày càng phong phú, sôi động hơn. Các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng mạnh mẽ; tại phiên họp đã học tập Quốc hội cố gắng phát thanh, truyền hình trực tiếp, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng cử tri và Nhân dân địa phương.

Qua mối quan hệ của Văn phòng Quốc hội, của anh với HĐND các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng quan tâm hơn đến mọi hoạt động của HĐND các cấp. Cứ mỗi lần thông qua luật pháp liên quan đến HĐND, những người trách nhiệm, tâm huyết với cơ quan dân cử ở địa phương chỉ biết trông chờ vào Quốc hội! Thực tế sự trông chờ đó đều có kết quả, thậm chí kết quả còn nghiêng về HĐND hơn dự thảo luật, làm cho đại biểu của dân ở cơ sở rất phấn khởi.

Không những thế trong quá trình hoạt động, các cơ quan của Quốc hội ngày càng quan hệ mật thiết với HĐND các địa phương. Thường trực và các Ban của HĐND được mời tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị tại các cơ quan của Quốc hội để học hỏi kinh nghiệm, tăng cường kỹ năng hoạt động. Sự phối hợp các đoàn công tác của Quốc hội về địa phương rất chặt chẽ; quan hệ Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự gắn bó thân tình của các cơ quan dân cử ở địa phương.

Luôn trăn trở, trách nhiệm

Khi chuyển qua công tác khác, không còn trực tiếp phụ trách và giữ mối quan hệ với HĐND, anh Vũ Mão vẫn rất trăn trở, trách nhiệm với HĐND các cấp. Có dịp về công tác các địa phương, anh rất tình cảm, chân thành, cởi mở với anh em như người trong nhà. Khi có cơ hội phát biểu trong các diễn đàn hay hội nghị, anh vẫn say sưa, tâm huyết mong muốn HĐND luôn được củng cố và phát triển không ngừng. Đặc biệt, những lúc tham gia xây dựng những luật pháp liên quan đến HĐND, những khi bàn đến Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, anh đã có chính kiến rõ ràng và mạnh mẽ. Những cơ quan, tổ chức soạn thảo luật pháp có ý muốn làm giảm vị thế, vai trò của HĐND đều bị phản đối quyết liệt. Với anh, người đã từng trải, lăn lộn, trưởng thành từ cơ sở, hiểu rõ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; luôn luôn bảo vệ và kiên quyết xây dựng cơ quan đại diện của người dân ở địa phương lớn mạnh.

Khi đã nghỉ hưu theo chế độ, anh vẫn đau đáu mong muốn cơ quan HĐND các cấp phát triển mạnh mẽ. Những lúc tham gia ý kiến về: Thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận... hay sáp nhập các văn phòng... anh có những trao đổi chân thành, phân tích, lý giải khách quan và thể hiện rõ chính kiến không đồng tình. Đặc biệt, khi tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, anh đã đóng góp tích cực, trách nhiệm; kiên trì bảo vệ sự cần thiết của HĐND các cấp để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân. Đó là điều quan trọng, cần thiết thực hiện thiết chế kiểm soát quyền lực ngay trong chính quyền để thực hiện xây dựng chính quyền địa phương của dân, do dân và vì dân.

Trần Đình Huề - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình