Tôn vinh sáng tác, trình diễn nghệ thuật thiếu nhi

- Thứ Ba, 29/09/2020, 19:22 - Chia sẻ
Sau hơn 4 tháng phát động, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đã thu hút nhiều tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với đầy đủ loại hình nghệ thuật, như văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh... Điều này tưởng như tương phản với cảm quan chung của mọi người về bức tranh khá trầm lắng của nghệ thuật thiếu nhi các năm qua, nhưng thực chất, nó lại phản ánh trung thực bức tranh vừa “có nền lại vừa có đỉnh” của mảng sáng tác này, dù chưa phải là đỉnh cao xuất chúng.

Nổi trội mảng văn học

Chiều 29.9 đã diễn ra Lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1, do báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN, sáng lập và tổ chức. Theo Ban tổ chức, Giải thưởng đã thu hút 110 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với đầy đủ các loại hình nghệ thuật, như văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh... Bên cạnh đó, Ban sơ khảo giải thưởng còn tích cực “đãi cát tìm vàng”, rà soát số lượng lớn tác phẩm dành cho thiếu nhi được sáng tác, công bố từ 1.1.2019 - 7.9.2020 để trình lên Hội đồng giám khảo xem xét… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót các tác phẩm lớn. Qua đó, có thể khẳng định, kết quả giải thưởng đã phán ánh được phần nào bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật thiếu nhi thời gian qua.

Các tác phẩm gửi tới dự thi hoặc được Ban sơ khảo đề cử xét Giải thưởng Dế Mèn 2020 phong phú về đề tài và lĩnh vực. Tuy nhiên, Hội đồng giám khảo có chung nhận định rằng, mảng văn học cho thiếu nhi vẫn có sự nổi trội so với các mảng nghệ thuật khác.

Văn học thiếu nhi là mảng nổi trội của giải
Văn học thiếu nhi là mảng nổi trội của Giải năm nay - Ảnh minh họa: NXB Kim Đồng

Từ 12 tác phẩm vào vòng chung khảo, Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch, cùng các thành viên là nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Lê Linh, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và nhà báo Lê Xuân Thành đã tiến hành bỏ phiếu để chọn ra các giải thưởng. Trong kết quả Giải thưởng Dế Mèn năm nay (với 1 Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn) có 3/5 tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học. Điều đó phản ánh đúng cơ cấu và chất lượng các loại hình tác phẩm dự giải.

Khó tìm “Hiệp sĩ Dế Mèn”

Là giải thưởng phi lợi nhuận thường niên nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 trao 1 Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo - nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Theo Quy chế của Giải, Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho cho sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc nhất năm, có giá trị nổi bật về nội dung và hình thức, và đáng để thiếu nhi thưởng thức. Với tiêu chí thiên về định tính này, Ban sơ khảo và Hội đồng giám khảo thật sự gặp khó khăn. Hai chữ “Hiệp sĩ” trong hạng mục Giải thưởng Lớn vô hình chung đã tạo nên sự kỳ vọng quá lớn vào tác giả có tác phẩm được chọn. Trước sức ép đó, Ban sơ khảo và Hội đồng Giám khảo nhận thấy rằng, để tìm một tác phẩm xuất chúng hoặc một thần đồng để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn là rất hiếm hoi, dự báo là hạng mục này có thể phải để trống trong nhiều năm. Đấy là điều rất đáng tiếc”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn - Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận Giải Hiệp sĩ Dế Mèn - Ảnh: Thành Đạt

Chính vì vậy, Ban tổ chức và Hội đồng Giám khảo quyết định vẫn giữ tiêu chí quan trọng nhất của Giải Hiệp sĩ Dế Mèn là trao cho “sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc nhất năm, đáng để thiếu nhi thưởng thức”, nhưng nếu không tìm được tác phẩm xuất chúng hoặc thần đồng, thì có thể xét cho tác giả cũng có tác phẩm xuất sắc trong năm, tuy có thể chưa đạt được mức xuất chúng, nhưng nếu tác giả có bề dày sáng tác cho thiếu nhi và có nhiều hoạt động vì thiếu nhi thì có thể xem như là những “điểm cộng”.

Năm nay, dù không gửi dự thi nhưng 2 tác phẩm Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (Nguyễn Quang Thiều) và Làm bạn với bầu trời (Nguyễn Nhật Ánh) vẫn được các thành viên Ban sơ khảo phát hiện và bình xét với số phiếu rất cao tại vòng sơ khảo và chung khảo. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều là thành viên Hội đồng Giám khảo, và ông đã có tâm thư xin rút tên khỏi giải thưởng...

Không thuộc nhóm những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Ngồi khóc trên cây", "Lá nằm trong lá", "Tôi là Bêtô", nhưng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, "Làm bạn với bầu trời" vẫn rất hấp dẫn, với không khí mơ màng, cổ tích như phong cách quen thuộc của tác giả. Với điểm cộng từ bề dày sáng tác, cùng với thành công nhất định của "Làm bạn với bầu trời", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được chọn là Hiệp sĩ Dế Mèn năm nay.

Ban tổ chức cũng trao 4 giải Khát vọng Dế Mèn cho truyện dài “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” của Cao Khải An, 12 tuổi; chùm tranh chủ đề Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi); tập truyện ngắn “Mộng giang hồ” của Nguyễn Chí Ngoan và chùm ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Ban tổ chức Giải thưởng Dế Mèn cho biết, mùa giải đầu tiên được chuẩn bị và diễn ra trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã về đích thành công sau thời gian ngắn ngủi. Từ mùa sau, Giải thưởng sẽ nhận các tác phẩm dự giải được sáng tác hoặc công bố từ ngày 15.5 của năm trước đến ngày 15.5 của năm và sẽ trao giải vào dịp Tết Thiếu nhi (1.6) hằng năm.

Ngọc Phương