Tọa đàm “Phát huy vai trò tự chủ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp – tận dụng cơ hội từ EVFTA”

- Thứ Năm, 27/08/2020, 12:19 - Chia sẻ
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. EVFTA được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho cả EU và Việt Nam, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, những ưu đãi từ EVFTA chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ, còn để đi nhanh, đi được đến đích, điều kiện tiên quyết vẫn phải là sự nỗ lực tự đổi mới sáng tạo của chính các doanh nghiệp.

Thực thi EVFTA, doanh nghiệp phải theo luật chơi mới, khó hơn, khắc nghiệt hơn. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, phải thay đổi cả phương thức sản xuất và đầu tư công nghệ mới, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể tham gia thương mại quốc tế,  tận dụng cơ hội, lợi thế. Đây là con đường mà sớm hay muộn các doanh nghiệp cũng phải đi.

Trong bối cảnh này, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò tự chủ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp – tận dụng cơ hội từ EVFTA”, nhằm thảo luận về cơ hội, thách thức, sự chuẩn bị thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam; quá trình, giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi; những khuyến nghị để hoàn thiện thể chế, chính sách giúp doanh nghiệp hội nhập; và lắng nghe những người trong cuộc chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận và khai thác hiệu quả bước đầu về thị trường này.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

TS. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội;

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ;

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương;

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương;

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát;

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit;

Bà Lê Thị Thuý Nga, Tổng giám đốc Trung tâm Y sinh học HelenCare.

Trân trọng mời đọc giả theo dõi nội dung tọa đàm tại đây:

ac
Các khách mời tham gia Tọa đàm

EVFTA và lực đẩy buộc doanh nghiệp tự “nâng cấp”

09:30 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình mang lại các tác động nhiều chiều, trên nhiều phương diện cơ hội lớn và thách thức cũng không nhỏ. Nhận diện được các cơ hội và thách thức càng rõ ràng, cụ thể bao nhiêu càng giúp các doanh nghiệp của Việt Nam chủ động tìm giải pháp cho mình vươn lên trong sân chơi mới này. Thưa TS Nguyễn Mạnh Tiến, doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là đại diện của doanh nghiệp -  hiệp hội ngành nghề cần làm gì để khai thác hiệu quả cơ hội lớn từ EVFTA?

TS. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
TS. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

TS. Nguyễn Mạnh Tiến: Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu nội dung của Hiệp định có ảnh hưởng đến ngành nghề của mình, “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Hiệp định với số lượng đồ sộ, nhiều trang dẫn đến việc khó khăn cho các doanh nghiệp để có thể đọc hiểu. Bản thân chúng tôi khi phê chuẩn cũng mất nhiều thời gian để nghiên cứu. Doanh nghiệp nên dành thời gian đọc phần nói về doanh nghiệp của mình, đọc để hiểu xem đâu là lợi thế của mình.

Số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 1,8% doanh nghiệp biết về EVFTA. Với từ ngữ chuyên môn khó hiểu, vậy làm thế nào để đọc và hiểu được nội dung hiệp định?

Trước hết đối với các doanh nghiệp đã thâm nhập được với thị trường EU, đã có thời gian tiếp cận thị trường, có đội ngũ chuyên gia tìm hiểu về luật lệ, thị hiếu khách hàng, nghĩa là có sự chuẩn bị rất tốt. EVFTA tạo cho các doanh nghiệp này cơ hội nâng cao thị phần hơn và bước đi nhảy vọt hơn bởi vì tạo sự thông thoáng về thủ tục, bớt đi nhiều dòng thuế về 0%.  

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ còn gặp phải nhiều khó khăn, khó có thể có nguồn lực để nghiên cứu kỹ lưỡng, hiểu biết sâu về điều kiện cũng như cơ hội dành cho doanh nghiệp của mình. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao vai trò của các Hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội này có vai trò rất tốt, nắm được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp trong hiệp hội của mình. Và ngược lại, phản ánh lên các cơ quan chức năng trong quá trình đàm phán, từ đó có những thông tin, giải thích cho doanh nghiệp của mình. Các cơ hội của doanh nghiệp được hiệp hội phản ánh với đoàn đàm phán và được đưa vào nội dung của EVFTA, và khi hiệp định được ký, hiệp hội quay trở lại phổ biến, tuyên truyền cho doanh nghiệp của mình biết được điểm mạnh, điểm yếu để có thể thâm nhập thị trường.

Như vậy, bên cạnh sự cố gắng của Quốc hội, của các Bộ ngành thì tôi mong muốn các hiệp hội ngành nghề tăng cường vai trò giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ biết được thế mạnh của mình, từ đó có cơ hội tiếp cận thị trường EU tốt hơn.

09:35 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Vâng, xin cảm ơn TS Nguyễn Mạnh Tiến! Rõ ràng doanh nghiệp phải tự đổi mới mình, phải tự lớn để mặc vừa "cái áo mới" EVFTA mà tự tin hội nhập cuộc chơi mang lại hiệu quả. Nhưng đây là thách thức lớn không ít doanh nghiệp Việt làm ăn theo lối cũ “choáng ngợp” và việc doanh nghiệp “tự lớn” xem ra còn có tự ty và chưa thực sự sẵn sàng. Đây là một yếu kém, một thách thức trong hội nhập. Trong đó hiệp hội ngành nghề cũng có vai trò hết sức quan trọng.

09:36 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Cơ hội là có, tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, tồn tại khi các doanh nghiệp bước vào việc hội nhập EVFTA.Vậy thưa PGS. TS Trần Kim Chung. EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với chất lượng và những cam kết thuộc vào hàng cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Ông có nghĩ rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị “ngợp” hoặc chưa thực sự sẵn sàng không?

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Có thể nhận thấy, nỗ lực hội nhập của Việt Nam đầu tiên là ASEAN, đến năm 2005-2006 chúng ta hội nhập WTO, đến nay là EVFTA. Đây là những bước trưởng thành không chỉ ở mặt tên gọi mà còn ở chất lượng. Việt Nam đã tham gia vào "luật chơi" ở các thế hệ hiệp định thương mại mới như CPTTP, EVFTA...

Tuy nhiên, mỗi một hiệp định thương mại đều có các vấn đề đặt ra ở ba cấp là: doanh nghiệp, ngành hàng và cấp quốc gia. Tôi xin dẫn ra một nghiên cứu về doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương và và một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Các nghiên cứu này cho thấy, trong hệ thống doanh nghiệp Việt có 40% doanh nghiệp tham gia giao dịch với EU, hơn 80% họ cũng biết về EVFTA, 5% doanh nghiệp có kiến thức chuyên sâu và 63% chưa có sự chuẩn bị với EVFTA... Những số liệu này đã phần nào là sự khẳng định rằng, các doanh nghiệp của chúng ta có thể tham gia vào EVFTA một cách chủ động. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trưởng thành rất nhanh từ các hiệp định thương mại.

Nhưng cơ hội luôn song hành cùng thách thức, khó khăn. Tôi còn nhớ năm 1995, Việt Nam gia nhập WTO, giai đoạn đó cũng có khủng hoảng... Tuy nhiên doanh nghiệp Việt đã tận dụng được cơ hội để thành công bằng nội lực và tư duy thay đổi để hội nhập. Với những kinh nghiệm sẵn có từ các hiệp định thương mại tự do, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ không thấy ngợp và hoàn toàn có thể chủ động ra nhập và đối mặt với thách thức từ EVFTA. Họ hoàn toàn có khả năng nắm bắt cơ hội, thay đổi bản thân, ứng phó với những biến động và hướng tới thành công...

09:41 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Vâng xin cảm ơn ông! Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 01.08.2020 mà thực sự có doanh nghiệp còn lúng túng, chưa thể nhập cuộc là một sự thiệt hại về tân dụng cơ hội, thời gian, thị trường rộng mở và quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Việt Nam. Điều đó cũng có thể hiểu khi sản xuất của doanh nghiệp Việt có chỗ còn xa với những tiêu chí về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là vấn đề lớn trong quy trình sản xuất và đầu tư công nghệ mới. 

09:42 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông, cơ hội đã rõ, nhưng thách thức với doanh nghiệp Việt Nam khi đặt chân vào sân chơi châu Âu cũng không hề ít, nhất là về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, bảo hộ sở hữu trí tuệ… Theo TS. Nguyễn Đức Kiên những lĩnh vực nào Việt Nam sẽ có lợi thế và ngành nào, doanh nghiệp nào sẽ gặp khó khăn?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

 Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, như Thủ tướng Chính phủ đã nói, Hiệp định EVFTA là một con đường cao tốc mà Chính phủ đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan dày công xây dựng để cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng. Ở đây chúng ta hiểu doanh nghiệp và doanh nhân Việt là những người lái xe ô tô trên con đường đấy. Trước kia, chúng ta đang chạy với vận tốc 50km/h, xe gì cũng được, lốp gì cũng xong; nhưng khi chạy 80km/h các tiêu chuẩn đều phải khác.

Các doanh nghiệp được chia ra nhiều nhóm về cả quy mô lẫn ngành hàng. Về quy mô, đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ít có cơ hội tiếp cận với các lợi thế trong việc thử nghiệm kết quả hiệp định thương mại nhưng các doanh nghiệp lớn và một số ngành hàng chúng ta có ưu thế bởi vì cơ cấu nền kinh tế của chúng ta và cơ cấu kinh tế của EU có sự khác nhau, bổ sung cho nhau. Khi trao đổi với đại sứ các nước, chúng tôi nói đây là cơ hội để chúng ta bổ sung cho nhau không phải cạnh tranh, giành thị trường của nhau.

Hiệp định có lộ trình giảm thuế nhưng không giảm thuế ngay nên đừng hy vọng ngày 1.8 có hiệu lực thì hết năm nay được giảm thuế. Tôi xin lấy một ví dụ về ngành hàng dệt, có những mặt hang sau 7 năm chúng ta mới được xuất khẩu, có những mặt hàng chỉ 3 năm sau chúng ta cân bằng được thuế hiện tại. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa lường hết được những phát sinh, bất cập. Trong lĩnh vực xuất khẩu, nguồn vải của Hàn Quốc chưa được tính vào giảm thuế mà hiệp định thương mại của chúng ta về vải với Hàn Quốc vì chúng ta chưa đàm phán xong. Do đó, Chính Phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản, thể chế. Nhưng vấn đề ở đây, chúng ta quan tâm đến các doanh nghiệp phải tự vươn lên như: chúng ta phải chỉnh lại chiếc xe cho tốt, phanh cho tốt, người lái cho tốt và tuyến đường đấy có nhiều loại tốc độ có loại dưới 80km/h, có loại trên 120km/h. Chúng ta tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam nếu có điều kiện đều đi được trên con đường này, đều tận dụng được mặt tích cực mà hiệp định mang lại. Nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị tinh thần ngay trong thị trường nội địa, kể cả mặt hàng hoa quả cũng phải phân chia lại thị phần để hàng hoá các nước trong khối EU quay trở lại. Với sức mua của thị trường không phải lớn, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 vào khoảng 2.800 đô la thì khi phân chia ra nhiều mặt hàng khác  nhau sức mua từng mặt hàng sẽ giảm.

Các doanh nghiệp sau khi nghiên cứu hiệp định để kiến nghị với Chính phủ những hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về chính sách, đổi mới công nghệ, đáp ứng được nhu cầu, tiêu chuẩn rất cao. Đặc biệt để hỗ trợ cho cơ quan quản lý Nhà nước, trong thời điểm nhất định có thể hỗ trợ trong phạm vi hiệp định đã cam kết.

09:50 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Ngô Chung Khanh, ông đánh giá thế nào về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như chia sẻ quan điểm của ông về việc doanh nghiệp phải “tự nâng cấp mình” theo các tiêu chuẩn tiêu chí mới để có thể bước vào thị trường EU khó tính?

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương

Về cơ hội cho các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng đã nói nhiều. Tôi chỉ đặt ra câu hỏi là: Cơ hội đó có phải doanh nghiệp nào cũng cần hay không? Tôi đã có tham dự một hội thảo có đến 90% doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất khẩu và phần lớn là xuất khẩu theo giá FOB (có nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng xếp hàng). Mà xuất khẩu FOB là họ không cần quan tâm đến thuế, thuế giảm bao phần trăm, họ cũng không quan tâm đến chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm…

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương

Câu chuyện về gạo Việt Nam là một điển hình, rất nhiều các đơn từ EU sang, họ đặt hàng các công ty Việt Nam xay xát cho họ, nhưng sang EU hay các nước khác thì không phải là sản phẩm của Việt Nam nữa. Họ dán thương hiệu của họ, như vậy chúng ta chỉ là gia công thôi. Vậy liệu chúng ta có thực sự tận dụng được cơ hội từ EVFTA hay không?

Rõ ràng, muốn tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải “nâng cấp”, phải thay đổi tư duy “an phận thủ thường” với những hợp đồng gia công. Thứ 2 là phải có năng lực cạnh tranh tốt. Thứ 3 là phải nâng cấp những hiểu biết, cam kết đối với thị trường. Đi trên "cao tốc" thì chúng ta phải hiểu những nguyên tắc của nó. Không thể đang đi thì lại đi lùi, hay dừng lại… những tư duy đấy thì làm sao đi được cao tốc? Cuối cùng đó là vấn đề nâng cấp quan hệ hợp lý, để hàng Việt Nam xuất khẩu sang cạnh tranh về giá, nhìn giá khác nhau thì sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Theo tôi, có 4 điểm đó doanh nghiệp chúng ta phải tự “nâng cấp mình” lên thì các EVFTA mới thực sự là của chúng ta.

10:02 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Chúng ta vừa nghe các chuyên gia, nhà quản lý, ĐBQH nêu ý quan điểm về những khó khăn, thách thức và cơ hội khi thực hiện EVFTA. Đặc biệt các chuyên gia cũng chỉ ra trách nhiệm của doanh nghiệp Việt, sự chủ động hội nhập, đầu tư, trách nhiệm “tự lớn” gia nhập cuộc chơi lớn, khắc nghiệt hơn. “Biển sâu thì cá lớn” thuyển nhỏ chỉ chạy ven bờ nước nông làm sao đánh bắt cá lớn được”. Đây cũng chính là câu hỏi dành cho các doanh nghiệp Việt. 

10:03 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Trước tiên xin được hỏi bà Trần Uyên Phương. Thưa bà, Tân Hiệp Phát được đánh giá là tập đoàn khá nhanh nhạy với thời cuộc. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Tân Hiệp Phát đã chiếm lĩnh thị trường châu Á và đưa sản phẩm của mình ra nhiều nước trên thế giới. Từ kinh nghiệm của mình, theo bà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế như thế nào để có thể tự “nâng cấp” mình, khai thác triệt để cơ hội do EVFTA mang lại?

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát:

Về việc chuẩn bị tâm thế, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân Tân Hiệp Phát. Chúng tôi đã chọn đi vào ngành hàng nước uống, nói cách khác là ngành tiêu dùng. Đây là ngành hàng mà tại Việt Nam đa số là các công ty đa quốc gia đang dẫn đầu chứ không phải là các công ty địa phương. Đối với chúng tôi, đây là cơ hội bắt buộc phải ứng phó và thích nghi. Đầu tiên, cơ hội mở ra thì lớn nhưng phản ứng của doanh nghiệp như thế nào, những ứng phó, đổi mới của doanh nghiệp ra sao.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Bà Trần Uyên Phương phát biểu tại tọa đàm

Tôi có nhớ câu chuyện của Tân Hiệp Phát trong giai đoạn đầu khi nói về kế hoạch. Cách đây hơn 15 năm, chúng tôi đã mất một lượng lớn lãnh đạo khá lớn ở trong tổ chức là quản lý cấp trung và một vài lãnh đạo cấp cao do họ không biết làm kế hoạch như thế nào. Nhưng cho đến nay, chúng tôi phải làm kế hoạch 3 năm, 5 năm, đó là quy trình thông thường của tổ chức, cứ đến tháng 7 là chúng tôi đã phải sắp xếp để làm kế hoạch cho năm sau, hay còn gọi là mùa AOP. Điều này đòi hỏi phải có tuy duy khác để hoạch định được chiến lược dài hơi hơn là 3 đến 5 năm mà không nhìn một cách ngắn hạn nữa. 

Từ bản thân Tân Hiệp Phát, tôi cũng nhìn thấy cơ hội là rất lớn, nhưng sự sẵn sàng, sự thích nghi hay sự ứng phó của doanh nghiệp sẽ cần phải triển khai và nỗ lực ngay lập tức mới có thể thay đổi kịp thời, bởi những sự thay đổi đó có thể tốn tới 10 năm. Ví dụ như khi Tân Hiệp Phát nói về việc đầu tư một hệ thống hiện đại nhất thế giới là dây chuyền “chíp vô trùng”. Khi đó, ở Việt Nam còn chưa nghĩ đến “chíp vô trùng” và chúng tôi đã đầu tư thành một dây chuyền hoàn toàn khép kín. Đó là cả một quá trình để người tiêu dùng hiểu và chính doanh nghiệp cũng hiểu để đổi mới. 

10:10 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Tự hào về những doanh nghiệp xung kích, đi đầu trong hội nhập và nâng tầm châu lục và quốc tế. Đây cũng là những doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, bỏ nhiều công sức, đầu tư phát triển cạnh tranh trong thị trường rộng mở và cũng là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác tham khảo, học hỏi vươn lên. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực không phải thế mạnh của Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nắm bắt cơ hội tiến sâu vào thị trường EU và EVFTA trở thành cơ hội lớn. Xin được đề cập tới một doanh nghiệp chuyên sâu về trị liệu và chăm sóc sức khỏe.

10:11 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Lê Thị Thuý Nga, Tổng giám đốc Trung tâm Y sinh học HelenCare là người đứng đầu một doanh nghiệp chuyên sâu về trị liệu và chăm sóc sức khỏe theo phương pháp y sinh học tiên tiến của Thụy Sỹ và châu Âu, việc gia nhập EVFTA theo bà liệu có mang lại những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ một cách thuận lợi hơn, để người dân Việt Nam được thụ hưởng những tiến bộ khoa học kĩ thuật tiên tiến của các nước phát triển, đặc biệt là về sức khỏe và giáo dục?

Bà Lê Thị Thuý Nga, Tổng giám đốc Trung tâm Y sinh học HelenCare:

Trước đây, đơn thuần tôi đưa các doanh nhân đi qua châu Âu để tăng cường sức khỏe, điều trị các bệnh mãn tính nhưng trong 3 năm gần đây công ty chúng tôi đã chuyển giao công nghệ từ Viện trung tâm y sinh học lớn từ Thụy Sỹ. Bản thân tôi được làm việc các Viện nghiên cứu, các trung tâm hàng đầu từ châu Âu về y sinh học, về công nghệ tế bào gốc trong khoảng 10 năm qua.

Có thể nói, Việt Nam gia nhập EVFTA đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự chuyển mình của các doanh nghiệp Việt để đón đầu các cơ hội lớn hơn.

Bà Lê Thị Thuý Nga, Tổng giám đốc Trung tâm Y sinh học HelenCare

Nói về kích hoạt làn sóng đầu tư từ châu Âu thì có thể kể đến nguồn lực công nghệ bền vững hàng đầu thế giới như: thiết bị máy móc có thể tái tạo tế bào, dược phẩm.. Đối với dược phẩm chế tạo trong nhà máy là quá trình rất dài. Ví dụ: như cây ngải cứu, khi tôi qua châu Âu, họ có phương thức tuyên truyền từ cây ngải cứu là để diệt virus. Do đó, có thể đưa những máy móc hiện đại về Việt Nam để tận dụng nguồn lực thảo dược từ Việt Nam, mở ra một ngành dược mới. Thêm nữa, là cơ cơ hội để nền kinh tế Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các chuyên gia hàng đầu thế giới. Đối với trung tâm y sinh học của chúng tôi, hàng ngày chúng tôi nhận được những thông tin về sức khỏe và bệnh lý như ung thư, bệnh mãn tính... Khi gia nhập EVFTA là cơ hội để người dân tiếp cận với những giải pháp mới về y tế sẽ rộng rãi hơn như khái niệm về y học thay thế, y học tích hợp, y học tái tạo và dự phòng, y sinh học thì cho mọi người hiểu hơn về những giải pháp mới cho sức khỏe của mình, không phải khi nào mình có bệnh thì mình mới đi khám. Đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe về nguồn lực được kết thừa từ châu Âu là sự chuyên nghiệp và tính công nghệ cao, hàm lượng chất xám đối với nguồn nhân lực thì có nhiều bác sĩ, y tá có cơ hội sang Việt Nam hoặc những bác sĩ trong ngành y được tiếp cận với y học tiên tiến từ nước ngoài.

Có thể thấy, EVFTA xóa bỏ khoảng cách địa lý, tri thức, mở ra kỷ nguyên mới hợp tác cho hai bên. Khi nói đến Việt Nam họ thường nói đến những cuộc chiến tranh, doanh nhân là những đại sứ mang thương hiệu của đất nước mình đến với những quốc gia khác. Họ sẽ nhìn Việt Nam là đất nước nhiều bản sắc, thiên nhiên tươi đẹp, các doanh nghiệp sẵn sàng thay đổi mình. Trung tâm chúng tôi thường hàng tháng sẽ có các bác sĩ từ nước ngoài về trừ dịch Covid -19 này. Khi bạn bè thế giới nhìn Việt Nam ở một góc độ khác thì họ sẽ mong muốn được cống hiến sự hiểu biết của mình, những kinh nghiệm của mình, những tiến bộ về quản lý để giúp cho doanh nghiệp Việt Nam, cơ sở y tế phát triển hơn.

10:20 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Xin cảm ơn những chia sẻ rất cụ thể của bà. Đây cũng chính là một kinh nghiệm trong thay đổi tư duy kinh doanh của doanh nghiệp Việt, chủ động đổi mới không chờ sức ép hay ỷ lại vào chính sách cho gì, làm gì mới thay đổi. Nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp đi sau nhưng thực sự nỗ lực mở rộng và chiếm lĩnh thị trường khó tính này. Xin được hỏi một doanh nghiệp nữa.

10:21 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Là một doanh nghiệp có ngành hàng tương đối thuận lợi và có thể bổ sung các mặt hàng trong hiệp định EVFTA, đó là Công ty Mia Fruit là doanh nghiệp chuyên về trái cây chất lượng quốc tế. Thưa bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit, ngoài việc nhập khẩu trái cây, phân phối theo hệ thống đến khách hàng, được biết bà còn đang triển khai xây dựng bản đồ trái cây Việt Nam để quảng bá trái cây ra thị trường quốc tế. Xin bà cho biết rõ hơn về ý tưởng này?

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit

Thực ra ý tưởng thực hiện bản đồ trái cây Việt Nam không phải mới mẻ, cũng không phải là lần đầu tiên Mia Fruit thực hiện. Trong suốt 8 năm khi được tham gia những triển lãm và hội chợ trái cây quốc tế, Mia Fruit nhận ra rằng, việc quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam tới sân chơi quốc tế là vô cùng quan trọng, để cho những doanh nghiệp, đơn vị phân phối bán sỉ trên toàn thế giới nhìn nhận ra và hiểu được chất lượng, hình ảnh trái cây, nông sản của đất nước mình là cực kỳ quan trọng. Khi dự những hội chợ đó, tôi được đặt rất nhiều câu hỏi về trái cây Việt Nam hay các sản phẩm đặc hữu vùng miền của Việt Nam, họ rất quan tâm và mong muốn được tôi giới thiệu, bởi vì khi truy cập những trang dữ liệu đều chưa có những thông tin đầy đủ về trái cây Việt Nam

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit
Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit

Tôi cho rằng, việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu từng đặc hữu vùng miền, từng chỉ dẫn địa lý của từng địa phương là vô cùng quan trọng.

Bản đồ chúng tôi khi làm ra không phải bản đồ 2D, bản đồ trên giấy mà là bản đồ công nghệ, bản đồ số hóa, nên khi sử dụng bằng bất cứ phương tiện điện tử nào như máy tính, điện thoại,… chúng ta đều có thể truy cập được ngay để thấy được bức tranh toàn cảnh của Việt Nam như thế nào. Trên cơ sở đó, 63 tỉnh thành, mỗi một địa phương có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý gì, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu từ Bắc, Trung, Nam, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ,… đều được hiện ra. Mọi người sẽ thấy một bức tranh khái quát, Việt Nam có những loại trái cây rất ngon, mỗi người dân đều tự hào về sản phẩm trái cây của quê hương của mình. Tất cả những thông tin này chỉ cần truy cập bởi một cú nhấp click.

Đây là cơ sở rất quan trọng để chúng ta có những thông tin, hình ảnh, khái niệm để quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế. Đây là tâm huyết sau 8 năm làm xuất nhập khẩu trái cây chuyên nghiệp của công ty Mia Fruit và bản thân tôi.

Tôi mong muốn việc xây dựng bản đồ trái cây bằng hình thức số hóa sẽ là một cách để quảng bá hình ảnh trái cây tới người tiêu dùng nội địa và bạn bè quốc tế. Hy vọng, thời gian tới sẽ có những hội chợ triển lãm trái cây để chia sẻ thông tin rõ hơn, cho dù mùa dịch Covid-19 có kéo dài bao lâu mà bản đồ hoa quả đã hình thành, thì các bạn bè quốc tế dù ở đâu cũng có thể truy cập và biết được Việt Nam có những loại trái cây gì, đạt tiêu chuẩn như thế nào và tiến tới tìm hiểu sâu hơn. Từ bản đồ trái cây, các bước tiếp theo sẽ là bản đố Hợp tác xã, bản đồ Logistic để kết nối và hỗ trợ việc giao thương một cách tốt nhất.

Sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới

10:32 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Vâng! Thưa các vị khách mời! Có rất nhiều cách đánh giá khác nhau về doanh nghiệp “tự lớn” tự “nâng cấp” bắt kịp và mở ra triển vọng, năng lực khai thác thị trường tiềm năng, những cũng có nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo. Vây đâu là động lực để doanh nghiệp “tự lớn” đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Chúng ta xin chuyển sang chủ đề thứ hai cũng không kém phần “nóng”  là sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới.

10:33 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Điều này đồng nghĩa với việc đáp ứng tiêu chuẩn để có thể thâm nhập vào thị trường EU “ngay và luôn” khi hiệp định đã có hiệu lực sẽ khó khăn hơn rất nhiều lần, thưa bà Trần Uyên Phương, bà có thể chia sẻ khó khăn của Tân Hiệp Phát cũng như các doanh nghiệp Việt?

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát:

Đối với Tân Hiệp Phát, sản phẩm và chất lượng sản phẩm là sự sống còn của doanh nghiệp. Còn những hoạt động về marketing, về thương hiệu chỉ có giá trị khi sản phẩm đó đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và họ sẵn sàng đồng ý chi trả cho nhu cầu. Do vậy, để sản xuất được sản phẩm đáp ứng nhu cầu, từ 10 năm trước, chúng tôi đã tiếp cận công nghệ aseptic (công nghệ vô trùng) của châu Âu đã là công nghệ hàng đầu của thế giới. 

Chúng tôi xác định thị trường nội địa là thị trường mà chúng tôi phải bảo vệ, phải làm tốt nhất từ Việt Nam trước khi nói đến sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu ở các thị trường khác. Chúng tôi cũng đã chọn cạnh tranh chính là động lực để Tân Hiệp Phát đổi mới và phát triển. Đặc biệt, ngành hàng tiêu dùng là ngành có mức độ trung thành của người tiêu dùng rất thấp so với tất cả các ngành hàng khác. Bởi nhu cầu tiêu dùng nhanh, tức thời. Do đó, khi chọn ngành hàng thực phẩm, ngành thức uống, chúng tôi đã phải xác định người tiêu dùng thay đổi liên tục và đổi mới chính là một phần của chiến lược và cũng là tiêu chí của Tân Hiệp Phát.

Nói đến cạnh tranh là động lực, chúng ta phải chọn được những mặt hàng là điểm mạnh, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc thì mới mong hàng nội địa vươn ra được thế giới. Như hàng nông sản Việt Nam, bên cạnh chất lượng thì cần đáp ứng được nhu cầu và sản lượng lớn. Đó cũng là bài toán khó, đòi hỏi năng lực quản trị, đòi hỏi công nghệ mới thì mới có thể phục vụ được. Rất nhiều lần tôi đã hỗ trợ một số doanh nghiệp bạn bè ở thế giới về một số mặt hàng ở Việt Nam, nhưng đa số tôi đều gặp phải thách thức là họ đòi hỏi sản lượng khá cao, để đáp ứng được thì phải “gom” từ vài doanh nghiệp. Điều này sẽ khó có được chất lượng đồng đều và ổn định. 

Do đó, để đưa sản phẩm từ nội địa ra thế giới, phải hiểu người tiêu dùng, về hiểu ngành hàng, về công nghệ để tiếp thị… đó là những vấn đề mà Tân Hiệp Phát sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp để có thể đem những sản phẩm địa phương hoá của mình ra thế giới.

10:38 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Nguyễn Ngọc Huyền, bà đã tham khảo nhiều vùng sản xuất trái cây và xuất khẩu trái cây trên thế giới. Theo bà, để trái cây Việt ra thế giới, Nhà nước cần có hỗ trợ gì và doanh nghiệp phải nỗ lực ra sao cho hiệu quả? 

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit: Thật ra trong qua trình làm việc với nông sản trái cây tôi rất ấn tượng với Nhật Bản, khi làm việc tại đây tôi đã được đến tham quan những vùng trồng các doanh nghiệp địa phương từ quy trình sản xuất đóng gói cho tới tiếp cận khách hàng, từ đầu vào cho tới đầu ra. Không chỉ riêng ngành nông sản, mà bất cứ ngành nghề nào ở Nhật Bản đều có sự phối hợp rất nhịp nhàng từ 3 bên: Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp.

Nhà nước có vai trò hoạch định chính sách, hỗ trợ về vốn, công nghệ để nông dân tạo ra được những sản phẩm tốt nhất. Nông dân ở Nhật Bản chỉ cần tập trung vào chuyên môn bởi họ rất yên tâm vì được bảo hộ. Từ việc phân loại giống, trồng trọt, đóng gói, đấu giá sản phẩm, bán ra thị trường… đều là những mắt xích hết sức chặt chẽ và quyết định yếu tố thành công khi đưa ra thị trường.

Thật ra, sản phẩm nào cũng có phân khúc thị trường riêng nên việc hiểu sản phẩm và phân loại thị trường đúng thì sẽ giúp sản phẩm đến với đúng đối tượng. Điều này sẽ tránh được những tình trạng được mùa mất giá.

Có một điều mà tôi rất tâm đắc ở Nhật đó là tất cả các loại trái cây khi được các hợp tác xã thu hoạch đều được chuyển về Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản và sẽ được đi qua các dây chuyền kiểm định và phân loại về chất lượng, những loại quả xuất sắc nhất sẽ được để lại để đấu giá. Nhật Bản cũng tạo ra được tiêu chuẩn và thương hiệu cho hàng nội địa, hàng nội địa luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng người Nhật. 

Nông sản Việt muốn ra thế giới, ra “sân chơi lớn” EU cũng cần như vậy. Chúng ta phải có quy chuẩn về chất lượng và thương hiệu. Ngay bản thân tôi cũng ý thức được điều này, thành lập công ty từ 8 năm trước, khởi nghiệp từ con số 0. Sau 8 năm hoạt động và đặc biệt là qua mùa dịch Covid-19, chúng tôi thấy chúng tôi đang đi đúng hướng, bởi đây là ngành hàng thiết yếu, không bị đóng của trong mùa dịch. Chúng tôi có hệ thống bán hàng trên toàn quốc và không của hàng nào đóng cửa trong mùa dịch. Thứ hai là chúng tôi đầu tư vào công nghệ với hệ thống bán trái cây online đầu tiên tại Việt Nam, đã áp dụng thành công.

Có một bài học rút ra là doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ thì đều phải có tư duy và học hỏi, học hỏi từ chính những sai lầm của mình. Chúng ta phải luôn update, phải trưởng thành hơn bằng những trải nghiệm, bằng sự chia sẻ của những doanh nghiệp đi trước, của những chuyên gia, của các doanh nghiệp nước ngoài… là những kinh nghiệm vô cùng quý báu. 

10:51 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Lê Thị Thuý Nga, như bà kỳ vọng, sau EVFTA, sẽ mở ra nhiều cơ hội, mang thêm nhiều dịch vụ hữu ích khác nữa về với người dân Việt Nam để chăm sóc và điều trị sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, bà có lo ngại, những lợi thế của các doanh nghiệp EU trong lĩnh vực này khi vào thị trường Việt Nam sẽ khiến doanh nghiệp trong nước khó trụ vững. Đây có phải là vấn đề, là sức ép cạnh tranh và động lực cho doanh nghiệp thay đổi?

Bà Lê Thị Thuý Nga, Tổng giám đốc Trung tâm Y sinh học HelenCare:

Hiện HelenCare là đại diện cho 5 bệnh viện lớn trên thế giới và đồng thời là đơn vị chuyển giao độc quyền, chuyển giao công nghệ về y sinh học của Thụy Sỹ tại Việt Nam. Để được chuyển giao công nghệ, chúng tôi phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe, đòi hỏi tính chính xác rất cao, quy trình, kỷ luật… phải đảm bảo.

Đối với tôi, EVFTA mở ra cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cơ hội để lớn hơn. Thực tế, khi nói đến khái niệm về y sinh học hay y sinh học thay thế còn khá mới mẻ với nhiều người. Để tiếp cận và đưa dịch vụ đến với người dân, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp đều phải có sự thay đổi chính bản thân mình từ việc nâng cao trình độ y tá, bác sĩ, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tiếp nhận thêm nhiều phương pháp mới.

Nói về chuyện có lo ngại hay không, thì chính bản thân tôi nghĩ rằng khi mình chuẩn bị sẵn sàng thì không có gì phải lo ngại. Chúng tôi có “lợi thế sân nhà” là am hiểu về bản sắc, bản địa, thói quen tiêu dùng và sự tự hào của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt đối với lĩnh vực y sinh học thì chuyện tìm hiểu về thói quen ăn uống, thói quen sinh hoạt là rất quan trọng mà không dễ gì những doanh nghiệp mới vào Việt Nam đã tiếp cận được. Khi EVFTA mở cửa, ngành hàng oganic hoặc những sản phẩm từ sữa hạt sẽ mở ra cho đơn vị sản xuất trong nước, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn tốt hơn đối với những sản phẩm dinh dưỡng.

Nếu như thách thức lớn của Tân Hiệp Phát là sự “trung thành” của khách hàng rất ngắn thì đối với ngành chăm sóc sức khỏe cao cấp như chúng tôi, khó nhất là niềm tin của khách hàng. Do đó, chúng tôi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, niềm tin đến từ chất lượng sản phẩm, công nghệ tiên tiến. Đồng thời, phải có sự đối thoại giữa bệnh nhân và bác sĩ. Bởi lẽ, trong quá trình điều trị không chỉ tập trung điều trị về triệu chứng mà còn tập trung đến nguyên nhân của bệnh liên quan đến đời sống, dinh dưỡng, cảm xúc và những tác động xã hội quanh bệnh nhân thì mới có một giải pháp toàn diện. Đây là vấn đề tương đối mới mẻ đối với y học Việt Nam. Trước đây, tôi đưa khách hàng ra nước ngoài chữa bệnh để tiếp cận với y học tiên tiến thì bây giờ tôi hy vọng việc mở cửa sẽ giúp khách hàng có thể chữa trị ngay tại Việt Nam. Đây là sân chơi lớn và là cơ hội để cạnh tranh lành mạnh, cần thiết và chúng ta đã sẵn nội lực để đón đầu.

11:04 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Trước đây mỗi khi FTA mới được ký kết, chúng ta thường nhắc đến năng lực cạnh tranh khi sân chơi mới mở ra cơ hội. Vậy thưa TS Nguyễn Mạnh Tiến, ông nhận xét gì về việc cạnh tranh của doanh nghiệp sau EVFTA, doanh nghiệp lấy điểm tựa nào để cạnh tranh giành thị phần, hiệu quả kinh tế ở thị trường khó tính, chất lượng cao?

TS. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:

Ủy ban Đối ngoại cũng đang thực hiện chương trình giám sát về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung. Các FTA với những đối tác có nền sản xuất mang tính bổ sung với chúng ta, sau khi ký xong có tác dụng tích cực ngay, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh. Nhưng đối với các đối tác mang tính bổ sung thấp, thậm chí cạnh tranh với chúng ta thì nhập siêu của nước ta sẽ có xu thế tăng. 

Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế đó để nói rằng dựa vào cái gì để cạnh tranh và tồn tại. Đầu tiên, phải dựa vào nội lực là chính, sau đó mới là ngoại lực.

Về nội lực, đó chính là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử. Trong các yếu tố nội lực, yếu tố con người và thiên nhiên rất quan trọng, tạo ra những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Ví dụ về nông nghiệp có chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bản đồ trái cây riêng biệt của Việt Nam… Rõ ràng đấy là những sản phẩm riêng biệt của nước ta, và chỉ may chăng có những nước tương đồng về khí hậu mới có thể cạnh tranh với chúng ta. Nếu chúng ta làm tốt hơn nước họ thì đây là lợi thế. Trên cơ sở những nội lực đó, học cách làm từ các nước khác để tiêu chuẩn hóa nội địa, từ đó thành thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh những yếu tố trên, chúng ta phải tận dụng ngoại lực để hội nhập, ví dụ như công nghệ bảo quản, công nghệ làm đẹp… Mặc dù tận dụng nhưng sẽ tiến hành Việt Nam hóa nó để có sản phẩm riêng cho nước mình. Như vậy, điểm tựa chính vẫn là nội lực, còn hỗ trợ sẽ là ngoại lực. 

11:12 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam và EU có cơ cấu xuất khẩu bổ trợ cho nhau nhưng cũng có những lĩnh vực cạnh tranh. Liệu có xảy ra tình trạng có những ngành hàng cạnh tranh trực diện với nhau hay không và điều này tác động thế nào đến sự thay đổi của doanh nghiệp Việt?

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

EVFTA được coi là một trong những Hiệp định đầu tư thương mại toàn diện mà Liên minh châu Âu (EU) ký kết Việt Nam. Sau Singapore, đây là hiệp định thứ 2 EU ký kết trong khu vực ASEAN và được kỳ vọng sẽ tăng cường mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tác động cộng hưởng của Hiệp định này là rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp doanh nghiệp Việt, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của các nước, của chúng ta có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

EU hiện là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam và EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018.

Về xuất khẩu, hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn khiêm tốn. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà EU vẫn đang duy trì mức thuế quan cao như: dệt may, giày dép, nông sản...

Thực tế, cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, EVFTA cũng tạo điều kiện tốt để Việt Nam và từng nước thành viên mở ra những cơ hội hợp tác mới trên cơ sở lợi thế của từng nước, đưa hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên ngày càng thực chất và bền vững.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng đối với một số ngành hàng là thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giầy, thuỷ sản, nông sản (gạo, cà phê, hồ tiêu, chè…). Đây là những mặt hàng có thể được coi là thế mạnh của Việt Nam nhưng khi hội nhập EVFTA các ngành hàng này cũng vấp phải sự cạnh tranh của những sản phầm cùng lại từ các nước thành viên. 

Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới từ EVFTA. Các doanh nghiêp Việt sẽ phải lưu ý bảo đảm việc tuân thủ các quy định từ EVFTA. Trong đó có các yêu cầu bắt buộc về rào cản kỹ thuật, chất lượng lao động, chính sách thuế, môi trường… của EU. Các quy định này rất chặt chẽ, yêu cầu cao, do vậy, hàng hóa của Việt Nam phải hoàn thiện nhiều về chất lượng để có thể vượt qua các rào cản này. Ngoài ra, sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của EU cũng là thách thức. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực để doanh nghiệp Việt liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển.

Do đó, các bộ ngành tuyên truyền và bản thân mỗi doanh nghiệp cần tự thay đổi tư duy, trao dồi khả năng quản trị và hiểu biết về các quy định của EVFTA nhằm đáp ứng các tiêu chí xuất xứ, thuế… từ EVFTA. Tuy nhiên, cũng như sức ép cạnh tranh, đây vừa là thách thức cũng vừa là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu…

Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA, đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ.

Ngoài ra, để vượt qua được các rào cản về kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường các nước EU, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Một trong những việc các doanh nghiệp Việt cần làm ngay là nâng cao điều kiện sinh hoạt, ăn ở của người lao động song song với đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng cần coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Họ cũng cũng cần chủ động thay đổi tư duy trong bối cảnh mới.

Tôi tin tưởng rằng, EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho bất kỳ doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

11:22 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội nếu doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Như vậy, có thể hiểu rằng, yêu cầu thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm là bắt buộc tất yếu mà trực tiếp là  doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào đi trước đón đầu, thay đổi thì thắng, doanh nghiệp nào chậm trễ thì không có thị phần. Có phải như vây không, thưa ông Ngô Chung Khanh?

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương:

Tôi nghĩ đây là do góc nhìn của mỗi người. Bởi chúng  ta có Hiệp định thương mại từ năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong suốt gần 20 năm chúng ta tham gia đàm phán kinh tế, tốc độ tăng trưởng rất tốt,  xuất khẩu còn tốt hơn nữa, duy trì ở 2 con số, trong suốt thời gian đó, số lượng doanh nghiệp chủ yếu là gia công, chưa có tư duy lớn như Tân Hiệp Phát, Mia Fruit, HelenCare... nhưng chúng ta vẫn tăng trưởng. Nhiều người sẽ cho rằng tại sao tôi phải đổi mới khi chúng tôi vẫn tăng trưởng tốt? 

Đối với EVFTA, theo khảo sát của VCCI có khoảng 1,7% doanh nghiệp hiểu tương đối kỹ, đối với hiệp định CPTPP thì chỉ có 2%.  Mặc dù chỉ có 2% doanh nghiệp hiểu tương đối  kỹ về CPTPP nhưng năm 2019 chúng ta có thặng dư thương mại khủng khiếp với 2 nước mà chúng ta chưa quan hệ trước khi có CPTPP là Canada và Mexico là hơn 5 tỷ, chiếm 50% thặng dư thương mại của 2019. Như vậy, chỉ có 1,9% doanh nghiệp hiểu tương đối kỹ, cách làm vẫn như hiện nay mà thặng dư thương mại vẫn hơn 5 tỷ.

Quay lại con đường cao tốc, để đi từ Hải Phòng đến Hà Nội, tôi vẫn đi 5A bình thường, thậm chí tôi trả phí thấp hơn, bây giờ đi cao tốc 5B tôi phải trả phí cao hơn, có đáng không? Mấu chốt đó là cao tốc 5B giúp chúng rút ngắn khoảng cách, chúng ta đi tốt hơn, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn. Cho nên, nếu doanh nghiệp nào muốn FVFTA thực sự là của chúng ta, lợi thế thuộc về chúng ta thì việc nâng cấp tư duy, thay đổi cách làm là bắt buộc còn những doanh nghiệp nào “an phận thủ thường” thì họ sẽ nghĩ là không cần.

11:27 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Trong Hiệp định EVFTA, cam kết của EU với Việt Nam cao hơn các cam kết thuộc các hiệp định tự do gần đây mà hai bên đã tham gia. Thưa TS Nguyễn Đức Kiên, những cam kết này liệu có thực sự trở thành động lực để doanh nghiệp đổi mới, cải thiện công nghệ, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU hay nó chỉ nằm trên quy định và những kêu gọi chung chung?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Qua trao đổi của các doanh nghiệp và những người làm công tác vĩ mô có thể thấy chính sách là để doanh nghiệp tận dụng và các doanh nghiệp qua trao đổi ở đây cũng chứng minh một điều rằng họ đã tự tìm ra con đường để phát triển và tồn tại. Nhưng vấn đề ở đây là khi có Hiệp định này thì nguồn lực của những người làm chính sách vĩ mô, nội lực của các doanh nghiệp cộng hưởng với nhau để chúng ta có thể đi xa hơn, bền vững hơn.

Bắt đầu từ khi đàm phán CPTPP mà trước đấy là đàm phán TPP nhưng không thành thì chuyển thành CPTPP, đây là 2 hiệp định thương mại kiểu mới. Các nội dung cam kết trong các hiệp định, trong đó có EVFTA vừa là động lực, có tính chất chỉ đường cho các doanh nghiệp biết những tiêu chuẩn kỹ thuật khi gia nhập thị trường. Đây cũng là áp lực để các doanh nghiệp nội biết rằng nếu chúng ta không tự điểu chỉnh, nâng lên thì bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

Tổng kết 25 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, sau khi bình thường hoá quan hệ, chúng ta đã làm cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ tin tưởng doanh nghiệp Việt tham gia đầu tư để giúp doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành sản phẩm thuần Việt. Trên đà thành công ấy, chúng ta cũng mong muốn Hiệp định tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt được đi ra biển lớn, không để doanh nghiệp không có la bàn, không có bánh lái, hệ thống định vị.
Tôi có thể lấy một ví dụ sau đại dịch Covid-19, chúng ta sử dụng rất nhiều dịch vụ thanh toán điện tử thay thế tiền mặt. Phải kể đến ví điện tử MOMO, là ví do các kỹ sư hoàn toàn là người Việt tham gia xây dựng nên nhưng được rất nhiều doanh nghiệp đầu tư của Hoa Kỳ và nước ngoài ủng hộ. Đến bây giờ, ví MOMO đã có hơn 20 triệu khách hàng. Đây là một trong những cơ quan trung gian thanh toán có lượng khách hàng cao nhất Việt Nam. Khi ký hiệp định cũng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp phải cải thiện về cả kỹ thuật và nhân lực. Có những nhân lực đang là mấu chốt của doanh nghiệp nhưng khi chuyển đổi mô hình lại trở thành người không phù hợp nữa và phải ra đi. Đứng ở góc độ nào đấy, đây là áp lực nhưng cũng là động lực cho doanh nghiệp đổi mới.

Ở đây chúng tôi mong muốn có một tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động ngoài tổ chức công đoàn truyền thống. Tiếp tục có cải cách để đi vào từng vấn đề cuộc sống, bảo đảm quyền lợi người lao động. Nói như thế không phải chúng ta ủng hộ thêm một tổ chức đối trọng chủ doanh nghiệp mà chúng ta bảo vệ quyền lợi người lao động vì người lao động tồn tại doanh nghiệp mới tồn tại. Chúng ta sẽ chỉ tồn tại được nếu chúng ta là Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng vì trong tọa đàm hôm nay tất cả doanh nghiệp ở đây đều thấy được tính Việt Nam là tính nổi trội “ ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là quyết định”. Qua buổi toạ đàm hôm nay, từ các cơ quan thay mặt nhà nước đi đàm phán và các doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò từng bên trong Hiệp định.

Tăng tốc cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư

11:34 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa các vị khách mời, chúng ta đã bàn nhiều về chủ đề EVFTA và lực đẩy buộc doanh nghiệp tự “nâng cấp”  và sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới của doanh nghiệp. Nhưng vấn đề thể chế và môi trường đầu tư cần có bước đi tiếp theo thế nào? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cải cách thể chế và bao giờ có thể hoàn thiện cơ bản… Đây là những câu hội đặt ra cho người hoạch định chính sách, cho doanh nghiệp. 

11:35 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Ngô Chung Khanh, theo ông cần phải cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng?

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương:

Tôi cho rằng, để hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng cần phải có quyết tâm từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, riêng EVFTA, vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về thực thi EVFTA với lãnh đạo các bộ, ngành của các tỉnh thành. Nhưng có một điểm hơi “lấn cấn” khi triển khai thực hiện, đó là trước đó, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14.1.2019, Bộ Công thương được Chính phủ giao theo dõi thực thi, phải 8 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực chúng tôi mới có đầy đủ kế hoạch thực thi của các bộ, ngành các địa phương. Đến bây giờ, sau gần 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kể cả khi Thủ tướng có hội nghị quan trọng như vậy, thì kế hoạch thực hiện từ các nơi mà chúng tôi nhận được vẫn khá khiêm tốn. Điều đó cho thấy quyết tâm từ trên xuống dưới không đồng đều.

Thứ hai, khi chúng ta làm chính sách, Chính phủ của chúng ta là Chính phủ kiến tạo, tạo cái gì thuận lợi cho doanh nghiệp thì “tạo”, không cần tạo ra những rào cản cho doanh nghiệp. Có như vậy, thể chế mới thực sự có giá trị.

Thứ ba, chúng ta cần tuyên truyền. Bởi vì chúng ta chỉ ban hành mà chưa tuyên truyền kỹ cho mọi người hiểu dẫn đến hiệu quả thực thi chưa được như mong đợi.

Và cuối cùng, một vấn đề rất quan trọng đó là kết quả thực thi. Chúng ta phải có tâm lý là sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ từ góc độ cơ quan quản lý. Hiện nay khi có văn bản nào đó, có những điểm chưa phù hợp nhưng chúng ta dường như có tâm lý lo ngại việc sửa đổi. Điều này dẫn đến thời gian sửa đổi chậm trễ, từ đó gây ra những chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu văn bản chưa phù hợp thì chúng ta sẵn sàng lắng nghe và phải sửa càng sớm càng tốt. Có như vậy thì cải cách thể chế mới đảm bảo hiệu quả, các doanh nghiệp mới tận dụng được thuận lợi từ EVFTA.

11:41 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Xin mời ý kiến của PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này? Trách nhiệm chính thuộc cơ quan nào, thời gian tiến hành sẽ là bao lâu? Nếu chậm trễ thì sao?

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Tôi cho rằng, Việt Nam đã và đang làm tốt việc cải cách hành chính, hoàn thiện các chính sách giúp cộng đồng doanh nghiêp hội nhập và phát triển.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng, thời gian tới các bộ, ban ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh. Theo đó, sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như: Luật Đất đai, một số luật về thuế... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra.

Thêm vào đó cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Những cam kết mới cùng các hành động thiết thực sẽ tỷ lệ thuận với niềm tin của các nhà đầu tư… Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa việc giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc đối phó với những rào cản phi thuế quan, hoặc đàm phán lại với đối tác…. để họ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua rào cản.

Hơn thế, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế đối với những mặt hàng có thế mạnh, hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới…

11:47 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Bà kỳ vọng gì từ chính sách để trái cây Việt ra thị trường châu Âu, thưa bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit? Mia Fruit có chiến lược đầu tư gì để tham gia hiệu quả vào quá trình này?

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit:

Hiện tại, Việt Nam hiện có rất nhiều loại trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường châu Âu như: dứa, thanh long, chôm chôm… Những loại trái cây này đã đủ tiêu chuẩn, nhưng tôi kỳ vọng là phải làm nổi bật được những sản phẩm đó trên những quầy, kệ hàng tại thị trường châu Âu. Ngoài việc xuất khẩu các loại trái cây thô, trái cây tươi, cần đa dạng hóa sản phẩm từ những loại trái cây đó như: trái cây sấy khô, nước ép, hay những sản phẩm liên quan đến trái cây để tối đa hóa năng suất tiêu thụ.

Mỗi sản phẩm đến với thị trường châu Âu là đại diện cho những giọt mồ hôi, sức lao động của bà con nông dân. Về phía phía doanh nghiệp rất mong muốn được tham gia vào quá trình sản xuất để hỗ trợ, nâng cao chất lượng, từ chất lượng đó việc quảng bá hình ảnh mới có hiệu quả được.

Cùng với đó, phải tập trung vào nâng tầm chất lượng trái cây Việt Nam như cách mà Nhật Bản đã làm đó là đang đấu giá với trái cây của họ.

Tôi xin phép trích câu truyện về vườn nho của Nhật Bản:

Người nông dân Nhật Bản khi họ trồng một vườn nho, khi vườn nho đó ra khoảng 100 chùm thì họ sẽ bỏ đi 50 chùm và trong 50 chùm còn lại thì 70% lượng trái ở những trùm sẽ được họ tỉa, lọc bớt để 30% lượng trái còn lại có khoảng không gian đạt tới kích cỡ cực đại. Họ sẽ chăm sóc từng chùm nho như những em bé. Nhật Bản là một đất nước không có quá nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi, thiên tai rất nhiều, lại là một đất nước có dân số rất đông, vì vậy họ không đi theo việc tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng, mang tới hiệu quả rất cao. Đây là một trong những hướng đi rất khôn khéo để tận dụng thế mạnh của mình để đưa sản phẩm ra thế giới.

Về chiến lược đầu tư của Mia Fruit trong thời gian sắp tới, Bản đồ số hóa trái cây là tiền đề để bắt đầu giới thiệu hình ảnh trái cây Việt Nam ra quốc tế. Mong muốn sẽ được triển lãm tại hội trợ quốc tế tổ chức hàng năm tại HongKong, Singapore, Berlin Đức để giới thiệu với bạn bè quốc tế các loại trái cây đặc hữu theo vùng miền của Việt Nam.

Bước thứ hai là những loại trái cây đặc hữu vùng miền đó sẽ giới thiệu về cả khu vực trồng, kho bãi, các Cảng, sân bay nào để tập kết, xuất khẩu đi được để bạn bè quốc tế hình thành tư duy, hiểu rõ hơn, phá tan mọi rào cản trong trăn trở của họ là làm như thế nào xuất được trái cây qua nước họ vì họ đã biết khẩu vị của người dân châu Âu như thế nào.

Khẩu vị và thói quen tiêu dùng của nước bạn vô cùng quan trọng, như khẩu vị của người Việt Nam là thích những loại trái cây dòn, cứng nhưng ngọt.

Tại Nhật Bản, Thái Lan họ lại thích những loại trái cây mọng nước, đạt tới độ chín tới, chín trên cây và thuận tự nhiên, không sử dụng biện pháp gì để ép chín cả.

Những chùm nho mẫu đơn, hay nho rubi Nhật Bản có giá tới 11 triệu đồng một chùm, đó là minh chứng cho việc hãy tập trung vào chất lượng để từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ những sản phẩm đó, thay vì có thể bán 1kg nho bằng 10kg nho khác.

Trong suất 8 năm qua, tôi học được cách làm thương mại của các hiệp hội trái cây quốc tế, đó là cứ mỗi mùa trái cây sắp đến, họ sẽ đi khắp thế giới, họ sẽ liên lạc với đại sứ quán từng quốc gia, họ mời các doanh nghiệp đến và mời nông dân từ nước của họ qua để lấy phản hồi từ người tiêu dùng, tổ chức những buổi trao đổi với nhà nông để biết được khẩu vị của người tiêu dùng.

Ví dụ như tại châu Âu họ không thích ăn trái cây phải nhả hạt ra vì vậy mà chôm chôm hay nhãn, vải không được họ ưa chuộng. Vì vậy chúng ta sẽ tập trung những loại trái cây phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền khác nhau, theo văn hóa tiêu dùng, văn hóa ẩm thực, thói quen của người tiêu dùng.

Giai đoạn thứ 3 của bản đồ trái cây Việt Nam chính là có thể liên kết với các kênh thương mại điện tử trên thế giới để có thể bán trái cây Việt Nam không có biên giới, từ đó dễ dàng hóa việc chia sẻ dữ liệu, hình ảnh trái cây.

11:55 (27/08/2020)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thực tế doanh nghiệp trong mỗi ngành hàng chỉ quan tâm đến điều kiện tiêu chuẩn, mức thuế ưu đãi được hưởng trong ngành hàng của họ. Có thể mỗi mã ngành chỉ cần 1-3 trang giấy dữ liệu thông tin liên quan cũng trở thành cẩm nang quan trọng. Thưa TS Nguyễn Đức Kiên, ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp và cơ quan quản lý để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, giúp các doanh nghiệp có thể nâng cấp được và đảm bảo cho sự phát triển bền vững?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bắt tay thực hiện ngay khi Hiệp định đàm phán xong. Ngay từ đầu, chúng ta đã đi cùng những doanh nghiệp như dệt may, gỗ,… Tôi thấy, Hiệp hội Dệt may đã làm rất tốt việc tập huấn cho các doanh nghiệp và đã giải thích đến từng mặt hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp có thể tự mình hoặc nhà nước hỗ trợ, có thể đề nghị đến Bộ Công thương, các cán bộ rất sẵn sàng chia sẻ.

Bộ Công thương đã có nhiều buổi giải thích cho các địa phương, thông qua hiệp hội ngành nghề. Đây cũng là hỗ trợ của các cơ quan cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong các doanh nghiệp như: Tân Hiệp Phát, Helen Care,… có thể mở ra những cơ hội, các doanh nghiệp tự liên kết và hình thành sản phẩm mới mang đặc trưng Việt Nam. Mỗi một quốc gia có một chủ trương, chính sách, có thể khẳng định khả năng cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hiệp hội lớn.

Chính phủ đang chỉ đạo cơ quan ngoại giao phối hợp chặt chẽ trong việc mở rộng quy mô thị trường, bảo hộ cho người lao động khi tham gia thị trường mới. Là người Việt Nam, nhận lương Việt Nam thì khi sang nước ngoài làm việc thì bảo hiểm xã hội của họ trong thời gian đó được thực hiện như thế nào? Nếu doanh nghiệp liên kết với một cơ sở trực tiếp theo yêu cầu của doanh nghiệp thì bằng cấp đó chúng ta có công nhận với các nước trong EU hay không? Bởi, hiện tại khi Việt Nam cấp giấy chứng nhận bằng B2 thì một số nước không công nhận. Hy vọng qua những buổi tọa đàm như thế này, đó là cơ hội chúng tôi nghe thêm được tiếng nói của các doanh nghiệp để cả hai bên cùng nhìn nhận và “sửa lại” cho phù hợp.

Một lần nữa, rất mong có sự hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

Ảnh Duy Thông