Tọa đàm chuyên gia góp ý dự thảo Luật Thư viện

- Chủ Nhật, 05/04/2020, 13:27 - Chia sẻ
Sáng 12.7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức tọa đàm chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Thư viện. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa chủ trì tọa đàm

Theo các ý kiến tại tọa đàm, nhìn chung, so với phiên bản trước, dự thảo Luật Thư viện lần này đã có nhiều chỉnh sửa liên quan tới các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thẩm định và Đại biểu quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa một số chương, điều khoản cho phù hợp; văn phong ngắn gọn, rõ ràng phù hợp với ngôn ngữ văn bản pháp luật và đặc điểm nghề thư viện trong thời đại thông tin và môi trường khoa học công nghệ hiện đại. Dự thảo cũng đã đưa ra và làm rõ một số khái niệm mới như: Tài nguyên thông tin, thư viện số, quyền tiếp cận và khai thác thông tin, dịch vụ thông tin, số hóa tài liệu…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dự thảo Luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện và chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm tính khoa học và quy phạm pháp luật, như: các khái niệm được đưa ra chưa đầy đủ, thiếu một số khái niệm cơ bản đã được đề cập trong nội dung Luật... Việc giải thích từ ngữ cũng chưa khoa học và chưa tường minh về nội hàm khái niệm, dẫn tới các điều khoản cho điều tiết chung chung và không đầy đủ.


Các chuyên gia cho rằng, dự thảo cần tiếp tục hoàn thiện và chỉnh sửa bổ sung

Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước đối với phát triển sự nghiệp thư viện được trong dự thảo Luật cũng đang được liệt kê dàn trải và quá chi tiết, chưa bám sát thực tế và trùng lặp, đặc biệt chỉ nhằm đầu tư phát triển thư viện công cộng (điểm a khoản 1), đầu tư cho các loại hình thư viện khác (thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục…) chưa rõ... Theo các đại biểu, trong dự thảo Luật cần có các điều khoản khái quát chính sách nhà nước theo các mức độ ưu tiên và trọng điểm đối với các nội dung sau: Xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, trong đó bao gồm cả thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục và đào tạo chứ không thể chỉ là mạng lưới thư viện công cộng; đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật và hạ tầng mạng công nghệ thông tin; phát triển tài nguyên thông tin (trong đó gồm chính sách về liên thông thư viện và về tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học); Phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện hiện đại; phát triển nguồn nhân lực thông tin-thư viện; Xã hội hóa hoạt động thư viện (trong đó gồm chính sách đối với các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng)... Việc đầu tư phát triển thư viện không nên phụ thuộc vào tiêu chí sở hữu mà là hiệu quả hoạt động của thư viện trong đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp xã hội...


Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga góp ý nên bỏ xếp hạng thư viện, bởi có thể cản trở, hạn chế sự đầu tư cho các thư viện, đặc biệt là thư viện tỉnh

Các vấn đề phân loại, xếp hạng thư viện, tài chính, kinh phí cho hoạt động thư viện, xã hội hóa hoạt động thư viện... cũng được đưa ra bàn thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa ghi nhận ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia tại buổi làm việc. Đây sẽ là cơ sở để Ban thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8 tới.

Tin và ảnh: Ng. Phương