Pháp luật các nước về hạn chế quyền con người để bảo đảm trật tự công cộng

Tòa án - “người gác đền”

- Chủ Nhật, 05/04/2020, 07:42 - Chia sẻ
Theo Luật Nhân quyền quốc tế, bất cứ biện pháp nào mà các quốc gia dự định áp dụng nhằm hạn chế bất cứ quyền con người nào đều cần phải tuân thủ các điều kiện sau đây nhằm bảo đảm rằng việc hạn chế như vậy là phù hợp:

Thứ nhất, việc giới hạn quyền phải được quy định rõ ràng trong luật. Không chỉ vậy, những quy định của luật đặt ra giới hạn đối với việc thực hiện quyền cần phải: Công khai với người dân và có chỉ dẫn thích hợp để mọi người có thể hiểu sự hạn chế luật định đối với các quyền của họ; quy định về giới hạn quyền trong luật phải chính xác, rõ ràng để người dân có thể hiểu rõ và tự điều chỉnh hành vi của họ; có những biện pháp thích hợp để phòng ngừa việc lạm dụng quy định giới hạn quyền, hoặc tùy tiện đặt ra các giới hạn mới.


Một loạt các cửa hàng ở bang Victoria, Australia bị buộc phải đóng cửa do lệnh phong tỏa

Thứ hai, giới hạn đặt ra không được trái với bản chất của các quyền bị giới hạn. Yêu cầu này nhằm bảo đảm những giới hạn đặt ra không làm tổn hại đến khả năng của các cá nhân có liên quan trong việc thụ hưởng quyền đó. Việc giới hạn quyền phải nhằm những mục đích chính đáng/hợp pháp; biện pháp hạn chế phải hợp lý, cần thiết và tương xứng.

Thứ ba, chỉ được đặt ra một giới hạn quyền nếu điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ và nhằm mục đích thúc đẩy phúc lợi chung của cộng đồng hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn của cộng đồng, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội hoặc quyền tự do của người khác.

Pháp luật của các quốc gia châu Âu đòi hỏi các hạn chế quyền, tự do cơ bản của con người phải chịu sự kiểm tra về tính tương xứng. Theo đó, tòa án đánh giá các biện pháp hạn chế quyền có thực sự cần thiết, phù hợp và tương xứng với mục đích của việc hạn chế hay không. Điều này nhằm hạn chế sự tùy tiện của cơ quan công quyền trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền, bảo đảm cho các quyền, tự do cơ bản của người dân được tuân thủ trên thực tế.

Tòa án được xem là chốt chặn trong bảo vệ quyền con người. Trong đó, tòa án hành chính có vai trò quan trọng trong kiểm soát các biện pháp hạn chế quyền con người mà công quyền sử dụng, đánh giá biện pháp hạn chế quyền do chính quyền đưa ra có thực vì lợi ích bảo đảm trật tự công cộng hay không. Bởi vì trên thực tế, các hành vi hạn chế quyền, tự do cơ bản là do cơ quan hành chính tiến hành, thông qua một quyết định hành chính. Tòa án hành chính được xem như “người gác đền”, bảo đảm cho việc hạn chế quyền con người tuân thủ đúng các nguyên tắc pháp luật liên quan.

TS. Nguyễn Văn Quân