Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:05 - Chia sẻ
70 năm cầm bút với thành quả là số lượng tác phẩm đồ sộ, văn chương Tô Hoài vượt qua thời gian, thu hút các thế hệ độc giả xưa và nay. Tác phẩm của ông để lại ấn tượng trong ký ức nhiều người từ thời thơ ấu đến hết cuộc đời, đó là điều mà không phải nhà văn nào cũng làm được.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, sáng 25.9, tại Hà Nội, NXB Kim Đồng tổ chức tọa đàm “Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi”, thu hút sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, các nhà sư phạm, bạn đọc... khắp mọi miền đất nước.

Tác giả không lạc mốt

Theo nhiều nhà nghiên cứu, với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, nhà văn Tô Hoài đã để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, trong đó có khoảng 60 tác phẩm dành cho thiếu nhi. Với nhiều đóng góp đặc sắc trên bốn mảng đề tài lớn: Vùng quê ngoại thành Hà Nội - hiện tại và lịch sử; miền núi Tây Bắc và Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến; sáng tác cho thiếu nhi; chân dung và hồi ức, có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau và đó là lý do mà những người yêu văn chương luôn luôn nhắc nhớ, tìm đọc tác phẩm của ông.

“Lực lưỡng và liên tục cho đến tuổi già. Gắn bó, lôi cuốn được người đọc cho đến già” - là nhận định của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phong Lê, người ngót 50 năm đọc Tô Hoài, từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” ở lứa tuổi nhi đồng, cho tới “Mường Giơn”, “Vợ chồng A Phủ”, “Đảo hoang”, “Nhà Chử”... ở tuổi trưởng thành; và tiếp tục chờ đợi, đón đọc “Truyện Tây Bắc”, “Mười năm”, “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, “Những gương mặt”, “Cát bụi chân ai”... GS. Phong Lê cho biết, tác phẩm của Tô Hoài “thuộc trong số không nhiều cuốn của một vài tác giả hiện đại mà tôi luôn có nhu cầu đọc đi đọc lại. Đọc lại để mà hưởng cái thú chiêm nghiệm một ý tưởng, một triết lý sống hoặc để nghe một giọng điệu riêng, một cách nói riêng. Ở đây là Tô Hoài, một Tô Hoài không lẫn với ai...”.

Văn chương của Tô Hoài được nhiều thế hệ nhớ đến còn bởi tác phẩm của ông xuất hiện nhiều lần ở nhiều khối lớp, cấp học. Theo nhà nghiên cứu Bùi Thanh Truyền: “Vị thế trang trọng của Tô Hoài trong sách Tiếng Việt, Ngữ văn có cơ sở khách quan, xác tín của nó. Trước hết, văn ông đạt đến sự chuẩn mực về ngôn ngữ dân tộc. Như một thợ luyện đan ngôn từ, một phù thủy chữ, tiếng Việt qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ này, trở nên sang cả, phổ dụng hơn. Đó chính là yếu tính khiến tác giả không hề lạc mốt, lỗi thời... Những bài học giàu tính nhân văn, còn mãi với người đọc qua bao thời đoạn đời người trong sáng tác của Tô Hoài cũng là nhân tố quan trọng để nhà văn hiện diện nhiều ở nhà trường phổ thông, đại học”.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài, người ta thấy ngốt vì sức làm việc dẻo dai cần mẫn của ông. Thật lạ, Tô Hoài làm đủ thứ việc, từ tổ trưởng dân phố đến phụ trách một tờ báo, từ việc đi thực tế đến việc lãnh đạo Hội Văn nghệ... Toàn những việc mà nhà văn nào cũng thấy ngại vì thấy nó rất dễ làm lười đi cái nghiệp viết lách. Vậy mà ông vẫn cứ viết đều. Hơn thế, viết hay. Không hiểu ông đã làm đầy bồ chữ của mình từ bao giờ để có được sự trường sức đáng nể ấy...

Ấn bản "Dế mèn phiêu lưu ký" được ra mắt độc giả  

Ảnh: Ng.Phương 

Mở lối cho văn học thiếu nhi Việt Nam

Để lại dấu ấn rực rỡ trên nhiều mảng sáng tác, tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, lĩnh vực mà mỗi khi nhắc đến Tô Hoài không thể không nhắc đến là những truyện ông viết cho con trẻ. Thực ra, chỉ cần nêu ra những tên sách về đề tài này, Tô Hoài đã đủ tồn tại với tư cách là một tác giả đáng nể. Ngoài “Dế Mèn phiêu lưu ký”, lứa tuổi thiếu nhi còn say mê “Chim chích lạc rừng”, “Đàn chim gáy”, “Con mèo lười”, “Chuyện ông Gióng”...

Nhà văn cũng chính là người tiên phong khai đường mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông là một trong những thành viên tham gia sáng lập NXB Kim Đồng, nhà xuất bản thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, với tác phẩm của mình, đặc biệt là “Dế Mèn phiêu lưu ký”, Tô Hoài đã “khai sinh” ra thể loại truyện đồng thoại nói chung, kiểu truyện đồng thoại về loài vật phiêu lưu nói riêng. Đặc biệt, tác phẩm của ông cũng được coi là đỉnh cao của thể loại này, không chỉ đem lại hứng thú cho trẻ, mà còn có ảnh hưởng lớn tới những người cầm bút như Nguyễn Kiên, Vũ Tú Nam...

Đến nay, dù có rất nhiều cây viết cho trẻ em, nhiều ấn phẩm hay của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, nhưng các tác phẩm của Tô Hoài, trong đó nổi bật là “Dế Mèn phiêu lưu ký” sau gần 80 năm ra đời, vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn. Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng, phiên bản cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” truyện chữ in đen trắng có minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long đang dẫn đầu với 87 lần tái bản, trung bình mỗi năm in 10.000 bản. “Dế Mèn phiêu lưu ký” đến nay đã được dịch và xuất bản ở 30 nước. Trong 10 năm trở lại đây, NXB Kim Đồng đã bán bản quyền cho các đối tác ở Thụy Điển, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Dịp này, NXB Kim Đồng cho ra mắt 12 ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký”, như tác phẩm song ngữ, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân; “Dế Mèn phiêu lưu ký” bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long; tác phẩm do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa; truyện tranh hiện đại chuyển thể từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” có tên “Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu” của họa sĩ Linh Rab; hai ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” từng xuất bản tại Thụy Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa...

“Hy vọng với các phiên bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” khác nhau, chúng tôi sẽ đưa đi giới thiệu ở các hội sách quốc tế, tiếp tục đưa tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đến với thiếu nhi trong nước và thế giới” - bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết.

Ngọc Phương