Tính kỹ trước khi vay

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:15 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 một lần nữa chất thêm áp lực lên ngân sách nhà nước vốn đã rất eo hẹp và thường xuyên thâm hụt.

Tính chung 8 tháng, thu ngân sách đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó chi ngân sách lại tăng 8,2%, đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán. Như vậy, từ đầu năm đến nay ngân sách đã thâm hụt thêm 93 nghìn tỷ đồng. Tình hình có thể trầm trọng hơn trong những tháng tới bởi ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều khả năng còn kéo dài.

Trước thực tế này, Thủ tướng vừa có chủ trương tăng tỷ lệ vay vốn trên GDP để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và hỗ trợ nền kinh tế, ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19.

Tăng vay nợ để vượt qua khủng hoảng Covid-19 gây ra là cách nhiều quốc gia đang làm. Nước Mỹ, chỉ trong quý II.2020 đã phải vay thêm 3.000 tỷ USD. Cũng vì gánh nặng nợ công tăng mạnh do các gói hỗ trợ tài khóa cho phòng, chống dịch Covid-19 mà 7 tháng đầu năm nay, có 40 quốc gia bị hạ mức tín nhiệm an toàn tài chính. Sẽ không ngoa nếu nói rằng nợ công chính là một trong những “di sản” của Covid-19.

Ở thời điểm hiện tại, áp lực gánh nặng nợ công của nước ta đã giảm nhiều so với vài năm trước. Tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã về mức 55% cuối năm 2019, trong khi trần Quốc hội cho phép là 65% GDP. Tùy vào kết quả tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính dự kiến nợ công có thể nhích lên 57 - 58% GDP vào cuối năm nay.

Điều này có nghĩa Chính phủ còn dư địa để đi vay, nhưng chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách sẽ gặp áp lực lớn. Hơn nữa, vay từ nguồn nào là thách thức không nhỏ.

Vay vốn ODA ưu đãi thì mất nhiều thời gian. Thông thường, thời gian chuẩn bị thủ tục cần đến 2 - 3 năm. Huy động vốn vay nước ngoài để hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách tuy nhanh hơn nhưng các khoản vay này quy mô nhỏ, lại kèm theo ràng buộc chính sách.

Vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ không đơn giản bởi khả năng hấp thụ vốn của thị trường này vẫn còn hạn chế. Kế hoạch năm nay huy động khoảng 310 nghìn tỷ đồng qua trái phiếu Chính phủ. Nếu phát hành thêm khối lượng lớn sẽ dẫn đến nguy cơ gây áp lực gia tăng chi phí vay vốn của Chính phủ, hoặc dẫn đến rủi ro tái cấp vốn trong những năm sau trong trường hợp Chính phủ phải phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao.

Nợ công là chỉ tiêu quan trọng, đánh giá tín nhiệm an toàn tài chính của một quốc gia. Mặc dù hệ số tín nhiệm của Việt Nam đã được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Standard & Poor's, Moody's và Fitch Group) tiếp tục giữ nguyên nhưng không ai đoán được kỳ xếp hạng tới đây sẽ thế nào. Việc bị hạ bậc tín nhiệm quốc gia gắn với nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn làm tăng chi phí vay vốn của toàn bộ nền kinh tế.

Tất cả những yếu tố kể trên hàm ý rằng, trước khi quyết định vay, kể cả những khoản vay nhằm hỗ trợ Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần thẩm định, lựa chọn kỹ về tính hiệu quả, so sánh chi phí - lợi ích nhằm bảo đảm khả năng trả nợ trong trung, dài hạn. Dù thế nào, cũng phải tìm tất cả các cách tránh để tình hình nguy cấp của dịch Covid-19 dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ công.

Hà Lan