Tín hiệu vui từ du lịch Bình Liêu

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 07:55 - Chia sẻ
Bình Liêu là huyện có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Với cách làm bài bản, dựa trên những giá trị về văn hóa, bản sắc riêng, cùng những đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, du lịch Bình Liêu đang ngày càng khởi sắc.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Du lịch Bình Liêu đang bước những bước đi bài bản, vững chắc. Điều này thể hiện ở việc gìn giữ, phát huy vốn văn hóa, hoàn thiện hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; đồng thời thu hút đầu tư phù hợp vào du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành "công nghiệp không khói" của địa phương.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện Khóa XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết đầu tiên về phát triển du lịch Bình Liêu giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này xác định rất rõ nét mục tiêu từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững gắn với việc bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Vốn là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, cộng với cách làm bài bản, dựa trên những giá trị về văn hóa, bản sắc riêng, cũng như đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, du lịch Bình Liêu đang ngày càng khởi sắc và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu năm 2015, huyện chỉ đón trên 33.000 lượt khách, thì đến năm 2019, tổng số khách du lịch đến địa bàn đạt trên 85.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ liên quan du lịch đạt trên 26 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện cũng đã phát triển được 18 cơ sở lưu trú với 197 phòng nghỉ phục vụ du khách. Trong đó, 8 cơ sở với 58 phòng được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch. Cùng với đó, hệ thống mô hình homestay gắn với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang mang lại kết quả hết sức khả quan.  

Vẻ đẹp Bình Liêu dưới ống kính flycam. (Ảnh: C.T)
Sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm

Từ đầu năm 2020 đến nay, đối mặt với khó khăn chung của du lịch cả nước bởi tác động của dịch Covid-19, hoạt động dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều. Toàn huyện chỉ đón được gần 5.000 lượt khách, doanh thu đạt 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bình Liêu có thế mạnh về du lịch mùa đông nên hoạt động du lịch trên địa bàn được dự đoán sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm.

Cùng với các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, huyện Bình Liêu đang tập trung triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch. Trong đó, công tác quảng bá, tuyên truyền điểm du lịch; tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực du lịch; mở rộng thị trường du lịch, kết nối với các thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước được huyện tập trung triển khai... Huyện cũng xây dựng các sản phẩm du lịch quy hoạch 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn...

Hướng đến du lịch phát triển bền vững, đồng thời, đưa hình ảnh Bình Liêu vươn xa hơn, huyện đang lựa chọn chuyên gia tư vấn xây dựng Dự án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, có di sản văn hóa về then - nghi lễ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm tại bản Lục Ngù, xã Húc Động; du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc Sán Chỉ qua kiến trúc, trang phục, phong tục, nghề làm miến dong, lễ hội truyền thống. Xây dựng Bản văn hóa dân tộc Tày tại Bản Cáu, xã Lục Hồn; nghiên cứu để xây dựng Bản văn hóa dân tộc Sán Chỉ gắn với cảnh quan Di tích danh thắng thác Khe Vằn, xã Húc Động; Bản văn hóa dân tộc Dao ở bản Sông Moóc, xã Đồng Văn... tạo sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Đặc biệt, tiến hành bàn bạc và thực hiện các bước chuẩn bị xây dựng khu thử nghiệm du lịch biên giới Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) theo thống nhất của hai bên khi điều kiện cho phép…
P. NAM