Xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện luật

Tiếp cận đa chiều

- Thứ Bảy, 08/12/2018, 08:14 - Chia sẻ
Với mong muốn xây dựng được một bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện các luật nói chung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Viện Nghiên cứu lập pháp cùng thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Thực tiễn triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chọn làm cơ sở nghiên cứu, bởi đã có hiệu lực 4 năm - khoảng thời gian đủ trải nghiệm để giám sát và đánh giá.

Sáng qua, hội thảo “Xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện luật trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đã được tổ chức để Ban chủ nhiệm đề tài lắng nghe những góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Nhận diện tiết kiệm, lãng phí

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực thi hành từ 1.7.2014. Khoảng thời gian 4 năm qua theo cảm nhận của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến là “đủ thực tiễn trải nghiệm để giám sát, đánh giá việc thực hiện, qua đó làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các tiêu chí, giám sát việc thực hiện các luật nói chung”. 


Toàn cảnh hội thảo  Ảnh: Quang Khánh

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế – Ngân sách Đặng Văn Thanh cho rằng, quá trình thực hiện luật này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong thực hiện cơ chế khoán chi, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước. Các bộ, ngành đã ban hành mới và bổ sung các  quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Mặc dù vậy, tình trạng lãng phí tài sản, tiền vốn, lãng phí thời gian, công sức và các nguồn lực của dân của nước vẫn diễn ra khá phổ biến. Do đó, ông Thanh cho rằng: “Rất cần nhận dạng, đo lường và kiểm soát tình hình thực hành tiết kiệm, tình trạng lãng phí trong nền kinh tế và trong đời sống kinh tế - xã hội. Cần hình thành các tiêu chí cần thiết để xác định mang tính định lượng mức độ tiết kiệm và lãng phí của các hoạt động, việc làm”.

Trên tinh thần này, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế - Ngân sách Đặng Văn Thanh đã chỉ ra các hình thức, biểu hiện của lãng phí trong nhiều lĩnh vực như ngân sách nhà nước, ngân quỹ quốc gia; đầu tư xây dựng cơ bản; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp… Cụ thể, các biểu hiện của lãng phí ngân sách, ngân quỹ có thể là thất thu ngân sách, điều tiết sai giữa ngân sách các cấp do vô tình hoặc cố ý, hoặc là phân bổ ngân sách không đúng mục tiêu, sử dụng sai kinh phí ngân sách… “Thực tế là, 6 tháng đầu năm nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và yêu cầu xử lý tài chính hơn 22,6 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu và giảm chi cho ngân sách lần lượt là 12,6 nghìn tỷ đồng và 8,6 nghìn tỷ đồng”, ông cho biết thêm.

Cũng nhìn từ khía cạnh quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, TS. Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn, định mức với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cần thiết, quan trọng, không thể thiếu. Bởi nó là cơ sở để định hướng cho việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí; là điểm tựa, căn cứ để tổ chức thực hiện; là thước đo để giám sát, đánh giá. Tuy vậy, hiện chưa có tiêu chí đánh giá việc phân bổ, sử dụng ngân sách theo kết quả đầu ra. Nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách chưa cụ thể. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, lạc hậu, không còn phù hợp thực tế.

Theo TS. Hoàng Quang Hàm, việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, sử dụng ngân sách có 3 nội dung cần giám sát. Đó là việc xây dựng, ban hành; triển khai thực hiện; cập nhật, sửa đổi, hoàn thiện. Từng nội dung sẽ có các tiêu chí giám sát khác nhau. Theo đó,  giám sát việc xây dựng, ban hành có 4 tiêu chí: tính đầy đủ của hệ thống cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, sử dụng ngân sách; tính hợp lý; tính khoa học và tính phù hợp của tiêu chuẩn, định mức. Các tiêu chí giám sát việc triển khai thực hiện gồm: tính tuân thủ; tính hợp lý của các giải pháp tổ chức thực hiện và tiêu chí về việc kiểm tra, giám sát. Giám sát việc cập nhật, sửa đổi, hoàn thiện các tiêu chí về mức độ kiểm tra, đánh giá và tiêu chí về việc khắc phục các bất cập.

Một góc nhìn khác

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại có một góc nhìn khác, tương đồng với nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến.

Ông Luyến cho rằng nên giám sát, đánh giá việc triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên nhiều phương diện. Đầu tiên là công tác phổ biến, giáo dục Luật. Nếu không làm tốt công đoạn này thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân không biết, theo đó sẽ không thực hiện luật tốt được. Tiếp theo là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí.Bên cạnh đó, cần đánh giá, giám sát việc tổ chức áp dụng Luật trong thực tiễn, xem xét các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng luật và xem xét Luật này được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện như thế nào? Đồng thời, cần tổng kết đánh giá xem Luật đi vào đời sống như thế nào; những kết quả thu được, những hạn chế, bất cập….

Từ đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất 5 tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện các luật nói chung. Đối với tiêu chí giám sát, đánh giá việc phổ biến, giáo dục luật, cần làm rõ các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục luật có bảo đảm chất lượng không? Về tiêu chí giám sát, đánh giá việc ban hành văn bản quy định chi tiết, cần xem xét các  văn bản quy định chi tiết có được kịp thời ban hành để có hiệu lực cùng với luật không, nội dung có phù hợp với luật không? Trong tiêu chí giám sát, đánh giá việc tổ chức áp dụng luật, nên tập trung làm rõ trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành, áp dụng luật trên thực tế; xem xét luật đi vào đời sống như thế nào? Đối với tiêu chí giám sát, đánh giá ý thức của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện luật, cần xem xét nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân. Cuối cùng, ở tiêu chí giám sát, đánh giá về hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện luật, cần đánh giá tác động của chính sách để xem xét lợi ích (quản lý nhà nước, xã hội, kinh phí…) thu được trên thực tiễn so với chi phí (nhân lực, kinh phí và các chi phí khác) bỏ ra để thấy được hiệu quả, hiệu lực của luật.

Hồng Loan