Tiếng nói riêng trong nghệ thuật điêu khắc Việt

- Thứ Hai, 21/09/2020, 05:43 - Chia sẻ
10 năm, 6 triển lãm, nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn đã để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập, kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Điểm nhấn sau một thập kỷ hoạt động của nhóm chính là định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam.

Định hình phong cách

Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, sau Đổi mới, trong khi hội họa đã đạt được những thành tựu nhất định, trở thành bộ mặt của nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài và đã có thị trường non trẻ, thì điêu khắc vẫn chỉ với vài ba tác giả có tên tuổi trong làm tượng đài. Tuy vậy, điêu khắc vẫn thể hiện những khát vọng mạnh mẽ. Không phải đến năm 2010 nhóm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn mới có ý tưởng thành lập, mà từ 10 năm trước đó đã có những yêu cầu cần thiết cho sự hình thành nhóm. Sự xuất hiện nhóm cùng việc thay đổi phương pháp sáng tác, không phụ thuộc vào hình thể con người và vật liệu truyền thống, thực sự trở thành bước ngoặt của nghệ thuật đương đại Việt Nam, “tạo ra các tác giả, qua các triển lãm, và những tác phẩm độc lập có giá trị về thẩm mỹ, học thuật”.

Các tác phẩm thể hiện sự tự do trong ý tưởng và ngôn ngữ thể hiện của nghệ sĩ

Có thể nói, so với thế hệ đầu tiên Đào Châu Hải, Bùi Hải Sơn, hay đến Nguyễn Hải, Đinh Công Thành... các thế hệ sau này có điều kiện vật chất tốt hơn hẳn. Họ cũng định hình được phong cách, tạo được những câu chuyện riêng, đặc biệt thế hệ sinh năm 1980 - 1990. Theo nhà điêu khắc trẻ Vũ Bình Minh, mỗi triển lãm là cơ hội để nghệ sĩ đưa ra những câu chuyện, qua đó công chúng có thể tìm thấy sự mới mẻ, đa dạng và sức làm việc, thể hiện góc nhìn của nghệ sĩ với xã hội đương đại.

Qua các triển lãm, càng về sau này, số lượng tác phẩm tham gia ngày một phong phú hơn cùng khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng đa dạng hơn, với kim loại, gỗ, đá, gốm, composite, sợi thủy tinh… Các tác phẩm chứa đựng suy tư và chiêm nghiệm của nghệ sĩ về đời sống. Từ những vấn đề phổ quát như tự do, thời gian, chuyển động, thiên nhiên… cho tới những câu chuyện cụ thể của người đương thời, ký ức tuổi thơ, sự cô đơn cùng những khao khát, phản ánh phần nào diễn biến đa dạng, nhiều chiều của điêu khắc Việt Nam đương đại.

Triển lãm lần thứ 6 đang diễn ra Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội, quy tụ số lượng tác giả - tác phẩm đông đảo nhất kể từ trước đến nay, với 32 nhà điêu khắc, 63 tác phẩm. Nhà điêu khắc Kù Kao Khải, từng được biết đến với những tác phẩm về cá, biển đảo và chủ quyền quốc gia trong các triển lãm trước, đã phóng khoáng, tự do hơn khi thể hiện “Bố mẹ tôi, cái xẻng và củ su hào”, “Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây bắp cải”...

Hay thế mạnh sáng tác trên chất liệu kim loại, được tạo hình với kỹ thuật gò và hàn điện của nhà điêu khắc Trần Văn An được nhận xét, có sự tiếp nối dòng chảy truyền thống của người Việt trong chế tác đồ kim khí, đến đây là sự phát triển của loạt sáng tác điêu khắc gỗ “Mục ruỗng”. Thái Nhật Minh từng trung thành với đề tài con giáp, những con chim từ chất liệu bột giấy, que đồng và acrylic, đã gây tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật bởi khai thác ngôn ngữ điêu khắc ở nhiều khía cạnh khác nhau, đã làm mới ngôn ngữ của mình trong tác phẩm sắt hàn “Vẫy vùng”...

Những gương mặt trẻ như Phan Phương, Vũ Quang, Vũ Quang Sáng, Phạm Bảo Sơn, Trần Đức Sỹ, Đặng Đức Thành, Nguyễn Kiến Thức, Phạm Đình Tiến, Nguyễn Huy Tính, Đinh Duy Tôn, Trần Trọng Tri... được nhiều nhà phê bình nhận xét, dù mới tham gia trưng bày tác phẩm lần đầu nhưng sáng tác của họ đã cho thấy sự khác biệt về hình khối và những ý tưởng mới mẻ.

Tự tin bước ra thế giới

Sau 6 kỳ triển lãm, nội dung, đề tài tác phẩm của nhóm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn được nhận xét không còn bị bó hẹp ở vài ba hình tượng dễ tưởng tượng mà mở rộng ra nhiều vấn đề. Điều đặc biệt hơn, không có bất kỳ giới hạn nào về ngôn ngữ và kích thước tác phẩm, tất cả phụ thuộc vào trí tưởng tượng, mong muốn thể hiện tự do cá nhân, đã tạo tiền đề, điều kiện để các nhà điêu khắc tìm con đường riêng cho mình ở các sân chơi quốc tế.

Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh với 3 lần tham gia trưng bày tác phẩm tại Hàn Quốc vào năm 2005, 2007 và 2008, từ chỗ bất ngờ đã tự tin hơn và vui mừng đón nhận cơ hội. Ông cho biết, “qua những chuyến giao lưu nghệ thuật, chúng tôi học được nhiều điều về tổ chức trại sáng tác, cách thức bảo quản, trưng bày tác phẩm, trang bị, sử dụng máy móc...”.

Còn nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, trong một chuyến tham gia trại sáng tác tại Hàn Quốc, đã được dịp phô trương tác phẩm kích thước lớn đầu tiên của mình. Sau này, khi thực hiện những công trình trong nước, anh mạnh dạn hơn với các tác phẩm kích thước lớn. “Qua các trại sáng tác quốc tế, cá nhân tôi đánh giá, nếu vẫn tổ chức theo cách như chúng ta làm lâu nay, như nhóm điêu khắc các tỉnh thường làm, sẽ không mang đến điểm mới, không có dấu ấn đặc biệt. Các điều kiện về thời gian sáng tác, không gian trưng bày, chất liệu và công nghệ là những yếu tố tiên quyết cho nghệ sĩ tự do bày tỏ tài năng và nghệ thuật của mình”.   

Vũ Bình Minh vừa tham gia trưng bày tác phẩm tại một sa mạc ở Trung Quốc trong dự án quy tụ khá nhiều nghệ sĩ điêu khắc thế giới. “Vẫn xuyên suốt theo chủ đề mây và mưa, điều lớn nhất tôi nhận được là bạn bè quốc tế chấp nhận ngôn ngữ khá kén chọn của tôi, đó là thép gai xây dựng, chất liệu rất ít nghệ sĩ sử dụng. Tôi nghĩ đây là thành công bước đầu của thế hệ điêu khắc trẻ chúng tôi, khi dám thể hiện những gì mới lạ trong ngôn ngữ sáng tác của mình...".

Những cuộc giao lưu quốc tế của các nghệ sĩ mặc dù còn hạn chế và mang tính cá nhân nhiều hơn, song theo nhận định của nhà nghiên cứu phê bình Vũ Huy Thông, “đã để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam”. Nhóm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn, với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong, là những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng trên hết, điểm nhấn sau một thập kỷ hoạt động của họ chính là định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam.

Hương Sen