Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 17:27 - Chia sẻ
Sáng 18.9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Thường trực Ủy ban tổ chức Phiên họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023 thuộc lĩnh vực lao động - người có công và xã hội.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2020 và ước thực hiện năm 2020, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề nghị gói hỗ trợ an sinh xã hội ước khoảng 62.000 tỷ đồng. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24.4.2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp  

Báo cáo cũng nêu rõ trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 duy trì được là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tới tháng 9 Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng phát biểu  

Về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực, đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong những tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều cho học sinh, sinh viên nghỉ đề phòng, chống dịch Covid-19; các hoạt động tập trung đông người như truyền thông, hội thảo, hội nghị phải tạm dừng. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo; các nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án, trong đó có Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và công tác chuẩn bị tuyển sinh… vẫn được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trình bày báo cáo  

Trong 9 tháng đầu năm, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ tập trung công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và tiếp nhận hồ sơ qua kênh tuyển sinh online...

Tuy nhiên, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo; chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương. Công tác phân luồng, định hướng giáo dục từ hệ thống giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tuyển mới giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh...

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, toàn ngành tập trung cho các gói an sinh xã hội cũng như bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao trong bảo vệ quyền lợi, ưu đãi và trợ cấp cho nhân dân. Cơ bản nhất trí với các kết quả và một số tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo, các đại biểu đề nghị làm rõ các giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc về giáo dục và đào tạo trong thời điểm bệnh dịch Covid-19 và bối cảnh hội nhập khi tham gia các Hiệp định thương mại mới hiện nay...

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu một số tồn tại công tác xây dựng pháp luật, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội chưa đồng bộ. Đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có giải pháp kết nối cung cầu thị trường lao động để đáp ứng xu hướng hội nhập...

Tại Phiên họp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nghe báo cáo về dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025 thuộc lĩnh vực Lao động - Người có công và Xã hội; kết quả thực hiện lời hứa về các nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII.

Hồ Long