Hà Tĩnh

Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi người có công

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 05:11 - Chia sẻ
Những năm qua, các chủ trương, chính sách pháp luật về ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và thể chế hóa. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời triển khai đồng bộ, nghiêm túc và trách nhiệm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hàng chục nghìn người có công với cách mạng trên địa bàn.

NGUYỄN TRÍ LẠC Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh

Không còn người có công thuộc hộ nghèo

Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 428.170 lượt hồ sơ người có công. Theo đó, có trên 43.000 người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên và hàng chục nghìn người hưởng trợ cấp một lần, cùng các chính sách khác với kinh phí mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, ngành LĐ, TB và XH đã tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, khiếu kiện kéo dài. Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, số hóa hồ sơ dữ liệu quản lý người có công, góp phần chấm dứt tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết chính sách. Đồng thời, xử lý nghiêm nhiều hạn chế, khuyết điểm theo kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Hội nghị Ban Chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh về triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Những năm qua, công tác chăm sóc người có công và thực hiện cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc. Đặc biệt, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27.7 hằng năm là dịp để cả hệ thống chính trị cùng tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng; đồng thời, nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được để kịp thời khắc phục, góp phần bảo đảm ổn định và ngày càng nâng cao đời sống của lớp người đã hy sinh xương máu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 151/2019/NQ- HĐND ngày 17.7.2019 của HĐND tỉnh về bổ sung một số chính sách giảm nghèo, Hà Tĩnh không còn người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo với mức thu nhập cao hơn chuẩn nghèo. Các cấp, các ngành và toàn xã hội đã chi trả hỗ trợ kịp thời cho 167.121/173.604 người (chiếm 96,27%) thuộc 3 nhóm đối tượng, gồm: Người có công, bảo trợ xã hội, thành viên thuộc hộ nghèo - cận nghèo với tổng kinh phí trên 193 tỷ đồng, trong đó có 37.482 người có công bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với số tiền trên 56 tỷ đồng.

Cùng với việc thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật ưu đãi người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa đến cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân bằng nhiều việc làm thiết thực. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được chú trọng, đến nay đã quy tập được 934 hài cốt liệt sĩ. Hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947- 27.7.2020), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận 9 hài cốt liệt sĩ, chuyên gia hy sinh tại Lào về an táng tại Nghĩa trang Nầm, huyện Hương Sơn.

Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp và toàn xã hội, bản thân thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình, là những nhân tố mới trong phát triển kinh tế, khoa học và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp    

Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, như: Nhận thức, vai trò, trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân đối với phong trào đền ơn đáp nghĩa chưa thật đầy đủ; công tác quản lý và thực hiện chế độ, chính sách qua các thời kỳ tại một số nơi còn xảy ra sai sót, tiêu cực; việc thực thi pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng còn nhiều bất cập trong quy trình thủ tục, hồ sơ, đối tượng, mức hưởng…

Thời gian tới, ngoài thực hiện hiệu quả các chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành, Hà Tĩnh đang tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm bảo đảm ổn định và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người có công trên địa bàn tỉnh. Đó là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thương binh - liệt sĩ và người có công. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định, nâng cao đời sống người có công, gia đình chính sách bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quản lý đồng bộ hồ sơ thực hiện chính sách người có công; chia sẻ khai thác hồ sơ quản lý đến chính quyền cơ sở; công khai, minh bạch thông tin, kết quả giải quyết các chế độ, chính sách.

Các địa phương, đơn vị cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống gia đình chính sách, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thân nhân người có công với cách mạng phù hợp với thực tế. Xây dựng Đề án, huy động nguồn lực duy tu, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn, nhất là ưu tiên đầu tư tại các xã sau sáp nhập; nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm (huyện Hương Sơn) thành Nghĩa trang Liệt sĩ Hữu nghĩa Việt Nam - Lào; đồng thời, tiếp tục nâng cấp các công trình phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng tại huyện Lộc Hà.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trước hết là của cấp ủy, chính quyền các cấp. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tạo động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát trển bền vững tỉnh nhà trong tình hình mới.