Khuyến công Quảng Bình

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

- Thứ Ba, 19/05/2020, 08:24 - Chia sẻ
Với hơn 42,3 tỷ đồng kinh phí khuyến công, trong giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho 1.920 người; phối hợp xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới; hỗ trợ 222 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới, mở rộng sản xuất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động với thu nhập 3 - 6 triệu đồng/người/tháng...

Động lực của các cơ sở công nghiệp nông thôn

Công ty TNHH Đức Đạt, chuyên sản xuất kính cường lực, là doanh nghiệp đầu tiên ở Quảng Bình ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất với 100% dây chuyền, thiết bị được điều khiển hoàn toàn tự động thông qua màn hình tinh thể lỏng và máy tính công nghiệp. Năm 2019, thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã hỗ trợ Công ty Đức Đạt xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất kính an toàn và tiết kiệm năng lượng; đồng thời hỗ trợ 1 tỷ đồng để doanh nghiệp này lắp đặt máy móc thiết bị, vận hành chạy thử, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường...

Giám đốc Công ty TNHH Đức Đạt Hoàng Đình Sang cho biết, nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Khuyến công quốc gia giúp ích rất lớn cho doanh nghiệp trong việc giải quyết vốn ban đầu, tạo động lực, sự yên tâm để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, nâng cấp thiết bị, máy móc. “Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, chúng tôi đã sản xuất ổn định trở lại, bảo đảm cung ứng kính xây dựng cho thị trường Quảng Bình và các tỉnh Bắc Trung Bộ”, ông Sang nói.

Tương tự, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình cũng hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi để thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chả cá surimi xuất khẩu. Với tổng mức đầu tư 22,7 tỷ đồng, sau khi đi vào hoạt động, công ty sẽ sản xuất 3.500 - 4.000 tấn chả cá các loại/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 130 lao động với mức lương tối thiểu 5,4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với nguồn nguyên liệu đầu vào 12 nghìn tấn cá các loại/năm, công ty đã góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm thủy sản, tạo động lực để bà con ngư dân vươn khơi bám biển.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình Lê Mậu Khánh cho biết, trong chương trình khuyến công giai đoạn 2014 - 2020, Quảng Bình ưu tiên xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới. Kết quả, đã hỗ trợ xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật, qua đó thu hút và giải quyết việc làm cho 1.023 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ 222 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới, mở rộng sản xuất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động nông thôn với thu nhập bình quân 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Chương trình khuyến công quốc gia tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2020 có tổng kinh phí 42,3 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 12,6 tỷ đồng, địa phương hỗ trợ 29,7 tỷ đồng. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình Phan Hoài Nam, hỗ trợ thiết thực từ chương trình khuyến công đã trở thành động lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Quảng Bình triển khai hiệu quả nguồn vốn từ khuyến công 
Nguồn: Báo Công thương

Tạo đà phát triển

Tuy vậy, lĩnh vực khuyến công và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn thiếu sự đồng bộ. Việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo nghề, du nhập phát triển các ngành nghề mới hiệu quả còn hạn chế, khó duy trì và phát triển nghề…

Để khắc phục những hạn chế này và tạo đà phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tốc độ phát triển công nghệ thông tin, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin trên cơ sở khôi phục, phát triển những ngành nghề truyền thống; ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường; đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với đó, các cấp, ngành trong tỉnh phải huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình Phan Văn Thường nhấn mạnh, một số chỉ tiêu cơ bản địa phương phấn đấu đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, đào tạo nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới cho 3.000 - 3.500 lao động các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ cho khoảng 600 cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về nâng cao năng lực quản lý, tập huấn, hội thảo chuyên đề; hỗ trợ xây dựng 20 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 200 - 300 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất sản phẩm; hỗ trợ 1.500 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương kết nối cung cầu trong nước và ngoài nước; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 5 cụm công nghiệp; hỗ trợ 15 cơ sở xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm.

Hạnh Nhung