Thúc đẩy tiếp cận tư pháp cho phụ nữ khuyết tật

- Thứ Sáu, 26/06/2020, 11:49 - Chia sẻ
Nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy các biện pháp bảo đảm quyền của phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số trong thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình” - 1 trong 14 sáng kiến về chủ đề bình đẳng giới và gia đình được Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF) tài trợ, sáng ngày 26.6, Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì sự phát triển Hòa nhập (IDEA) phối hợp với Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì tổ chức hội thảo: Bình đẳng giới theo công ước CEDAW và công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.
toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Giám đóc IDEA Nguyễn Hồng Oanh cho biết: phụ nữ và trẻ em khuyết tật thường là những nhóm bị gạt ra ngoài lề trong xã hội và phải đối mặt với nhiều thách thức về quyền. Họ không chỉ gặp những rào cản về giới, mà còn thê rào cản về tình trạng khuyết tật của mình. Họ ít được tiếp cận với những cơ hội phát triển cá nhân, có những hạn chế trong tiếp xúc xã hội, kinh tế, các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông... Chính vì thế, phụ nữ khuyết tật là một trong số các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật còn có nguy cơ gặp phải những rào cản phương hại đến sự tham gia hữu hiệu, trọng vẹn vào xã hội. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật càng có nguy cơ trở thành nạn nhận của mọi hình thức bạo lực giới do nhiều bất lợi và có nguy cơ bị phân biệt đối xử, đặc biệt là dễ bị bạo lực cao gấp 3 lần trong số các nạn nhân của hành vi bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái nói chung.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe những chia sẻ về tình hình bạo lực đối với người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật từ nhóm hội người khuyết tật và cùng thảo luận về pháp luật bình đẳng giới ở Việt Nam. Các đai biểu cho rằng, các rào cản tiếp cận tư pháp của phụ nữ khuyết tật và phụ nữ dân tộc thiểu số cần nhìn nhận từ 3 góc độ: rào cản do chính nhận thức và năng lực của phụ nữ trong việc thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; rào cản do nhận thức, năng lực và hành động của các cơ quan tư pháp trong khi thi hành các nhiệm vụ nhằm thực thi công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhóm phụ nữ yếu thế; rào cản do nhận thức và năng lực, ý thức trách nhiệm xã hội của các luật sư, các trợ giúp viên pháp lý trong khi thực hiện chức năng tư vấn hỗ trợ người dân, đặc biệt những người yếu thế về hiểu biết pháp luật và về cách sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.

Việc nhìn nhận, đánh giá đúng các rào cản với nguyên nhân sâu xa sẽ là cơ sở để đề xuất các giải pháp pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thúc đẩy tiếp cận tư pháp của phụ nữ ở Việt Nam theo hướng bình đẳng thực chất. 

Bảo Hân