Thực chất và hiệu quả

- Thứ Năm, 08/11/2018, 09:09 - Chia sẻ
Trước đòi hỏi của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung, xây dựng Thủ đô văn minh nói riêng, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Hà Nội coi trọng. Theo đó, hoạt động này đã được các cấp, ngành của Thủ đô triển khai thực chất với nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Hoạt động hướng về cơ sở

Để khắc phục tính hình thức trong tuyên truyền PBGDPL, thời gian qua, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội, các sở, ngành, Hội đồng phối hợp PBGDPL quận, huyện, thị xã đã tăng cường tập huấn các văn bản pháp luật mới được ban hành cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên pháp luật xã, phường, thị trấn; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL nhằm định hướng và tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn...

Đến nay, công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực và hướng về cơ sở. Các hoạt động tuyên truyền PBGDPL đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của thành phố. Trong đó, kết quả nổi bật là đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới PBGDPL như: Tuyên truyền trên truyền hình Trung ương, triển khai sâu rộng các hình thức thi tìm hiểu pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Tài liệu biên soạn phát hành, ngày càng chú trọng nội dung tích cực vừa tuyên truyền pháp luật với kỹ năng sống, kết hợp nhiều nội dung nhân dân quan tâm, thiết thực đối với đời sống hằng ngày, như tuyên truyền, phổ biến về “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị năm 2018”; “Cải cách thủ tục hành chính, trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông”; “Công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ”; “An toàn thực phẩm”; “Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”...

Hoạt động PBGDPL của các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, UBND các quận huyện thị xã đã đi vào nền nếp, thực chất, thực hiện được vai trò liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác này. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, tạo thành một phong trào tìm hiểu pháp luật mang tính chất vừa sâu, vừa rộng trên địa bàn Thủ đô. Đơn cử, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tại quận Bắc Từ Liêm; mô hình câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” đã được triển khai thí điểm tại một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố như: phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), xã Kim Chung (huyện Đông Anh), xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất), xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng)... bước đầu đã cho hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế những vi phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hoạt động PBGDPL trên địa bàn thành phố đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, trong đó phải kể đến ý thức tuân thủ pháp luật về phòng chống cháy nổ; ý thức chấp hành thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, quy tắc ứng xử nơi công cộng của cán bộ, công chức viên chức và người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam trên địa bàn Thủ đô đã đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật  thực sự đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý và trở thành ngày Hội Pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn thành phố.


Học sinh được trang bị kiến thức pháp luật thông qua các cuộc thi

Để người dân hiểu, biết và tránh vi phạm

Nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội sẽ đề xuất thành phố khen thưởng 18 tập thể, 31 cá nhân trong 5 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật, cùng với việc trao giải thưởng cho 23 tập thể và 109 cá nhân đạt giải cuộc thi Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại Hội nghị giao ban báo chí chuyên đề về PBGDPL do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết: Theo đánh giá của nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và người dân Hà Nội đang từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, qua kiểm tra hoạt động PBGDPL cho thấy, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương chưa dành sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng cho công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung cũng như các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nói riêng.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ công chức và người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật để phòng tránh vi phạm, chỉ khi vi phạm quy định mới tìm hiểu pháp luật; báo cáo viên pháp luật phần lớn do kiêm nhiệm, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế, chậm đổi mới cách thức tuyên truyền, PBGDPL; chưa thực sự tích cực tham gia phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL ở nhiều huyện ngoại thành còn hạn chế; một số mô hình tuyên truyền pháp luật như tủ sách pháp luật, loa truyền thanh ở phường hoạt động còn hình thức, chưa hiệu quả...

Để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tập trung đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, PBGDPL, chú trọng nội dung tuyên truyền theo từng chuyên đề pháp luật cụ thể, phù hợp với từng thời điểm. Bên cạnh đó, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; quan tâm xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiện, có uy tín, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục; tăng cường tuyên truyền PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng theo xu hướng hiện đại. Ngoài ra, sẽ thí điểm một số mô hình PBGDPL mới...

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho rằng: Công tác PBGDPL nếu được thực hiện tốt, được người dân tiếp nhận và chuyển hóa thành hành động thì giá trị mang lại sẽ là một xã hội trật tự, an ninh được bảo đảm. Ngược lại, nếu công tác này không tốt, giá trị xã hội sẽ bị đảo lộn, an ninh trật tự bị ảnh hưởng. Vì vậy, để kiến thức pháp luật đến với người dân, mọi thành phần cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều am hiểu kiến thức pháp luật, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức PBGDPL, bám sát nhu cầu xã hội, đối tượng tuyên truyền.

Bài và ảnh: Bảo Hân