Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Tư, 23/09/2020, 23:35 - Chia sẻ
Chiều 23.9, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021.

Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, ở ĐBSCL đã xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Do ảnh hưởng của lượng mưa trên lưu vực sông Mekong, nguồn nước về vùng đang bị thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao đến nghiêm trọng trong mùa khô năm 2020 - 2021. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc.
Ảnh: Thống Nhất

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021, dự kiến có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021 chủ yếu ở các tỉnh ven biển. Tổng diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2020 - 2021 có nguy cơ bị ảnh hưởng chiếm khoảng 5,3 - 6,1% của vùng. Hạn mặn có thể làm ảnh hưởng đến tổng diện tích khoảng từ 14 - 23% diện tích cây ăn quả toàn vùng. Dự kiến có khoảng 70.600 hộ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. 
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020, hạn mặn ở khu vực ĐBSCL nặng nề hơn so với 2019. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần những biện pháp phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.
Nhìn lại kết quả công tác chống hạn mặn của năm 2019, Thủ tướng cho rằng mặc dù trong bối cảnh tác động nặng nề nhưng nông nghiệp vẫn được mùa. Vụ Đông Xuân 2019 - 2020 được đánh giá là rất thành công, vừa được mùa, vừa được giá. Sản lượng lương thực của nước ta vẫn bảo đảm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đời sống của người nông dân được nâng lên.

Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu cần nâng cao nhận thức về hạn hán, xâm nhập mặn bởi đây là vấn đề “không thể tránh”, cần “sống chung”. Đây là nguy cơ nhưng cũng sẽ xuất hiện thời cơ nếu thích nghi và vận dụng tốt cơ hội. Do đó, cần sống, sinh hoạt, thích nghi với môi trường mới, Thủ tướng nói và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan cần nâng cao nhận thức về vấn đề này. Kiên quyết không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Thủ tướng đề nghị tập trung làm tốt công tác truyền thông đến từng gia đình; thông tin chính xác, đầy đủ đến người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn là hiện hữu ở ĐBSCL trong mùa khô để người dân chủ động có các biện pháp ứng phó phù hợp. Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cũng phải phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính” như phòng, chống thiên tai nói chung. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. 
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chỉ thực hiện gieo xạ lúa ở những nơi bảo đảm về nguồn nước tưới để tránh thiệt hại...
Về một số nhiệm vụ lâu dài, Thủ tướng đề nghị cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là về khoa học và công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới… trong phòng, chống xâm nhập mặn. Rà soát phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL, nhất là tại khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau để đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư, huy động các nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện...

Theo TTXVN