Thủ tục phải thông thoáng

- Thứ Tư, 24/06/2020, 07:42 - Chia sẻ
Trong cuộc làm việc mới đây, Tổ Công tác của Thủ tướng đã đề xuất gỡ vướng cho một doanh nghiệp trong quá trình thông quan sau khi doanh nghiệp này phải chờ đợi tới 3 năm. Liệu doanh nghiệp có đủ sức lớn khi vẫn bị vướng bởi các thủ tục quá chặt?

Năm 2017, Công ty Cổ phần Xây dựng và Giao thông Vận tải Cần Thơ đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để nhập khẩu 41 xe ô tô khách 15 chỗ, mới 100% do Trung Quốc sản xuất. Công ty đã làm thủ tục và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, đồng thời đã nộp hơn 8,3 tỷ đồng tiền thuế các loại theo quy định. Tuy nhiên, đến nay lô hàng vẫn chưa được thông quan do không đáp ứng về quy định về cửa khẩu nhập theo Thông tư liên tịch số 25/2010 của liên Bộ Công thương - Giao thông Vận tải - Tài chính...

Qua buổi làm việc, các bộ, cơ quan xét thấy việc mặt hàng nhập khẩu là mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, Công ty đã thực hiện đầy đủ các quy định về mặt hàng nhập khẩu: Đã nộp đầy đủ thuế, thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn chất lượng và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu... đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu lô xe này, chưa nắm bắt đầy đủ quy định của pháp luật về cửa khẩu nhập khẩu. Do đó, các bộ, cơ quan đã đi đến thống nhất tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ, trước bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dịch bệnh Covid-19. Các bộ sẽ đề xuất phương án cụ thể về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này cho doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng cho ý kiến để các bộ triển khai thực hiện.

Không khó để thấy rằng, trong 3 năm qua, doanh nghiệp đã phải gánh hậu quả như thế nào khi lô hàng nhập về nhưng vẫn nằm im tại cửa khẩu. Chưa kể đến yếu tố trượt giá khi giá thành ô tô có xu hướng ngày càng giảm, ngoài ra doanh nghiệp còn phải gánh những chi phí phát sinh khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Câu chuyện thủ tục hành chính đang là một trong những rào cản vô hình đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Có những thủ tục hành chính không cần thiết đang “trói chân, trói tay” doanh nghiệp. Đó là lý do, có chủ doanh nghiệp đã từng than phiền, “thủ tục hành chính có lúc như ma trận, gỡ cái nọ thì vướng cái kia, doanh nghiệp không biết đường nào mà lần”. Câu chuyện một thỏi kẹo chocolate phải gánh tới 13 giấy phép trước kia là một ví dụ cho thấy, doanh nghiệp đã phải bỏ ra những chi phí không nhỏ cho việc tuân thủ các thủ tục hành chính không cần thiết.

Không thể phủ nhận những năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Điều này góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 cũng đã chỉ ra một số lĩnh vực có mức độ cải cách chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

Muốn giảm chi phí không chính thức, phải đơn giản các thủ tục hành chính. Khi thủ tục thông thoáng sẽ không còn cơ hội cho các cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa nhũng nhiễu, trục lợi. Doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí tuân thủ pháp luật không cần thiết. Tuy nhiên, việc cắt giảm thủ tục hành chính phải thực chất, không được để cho lợi ích nhóm chi phối, có như vậy mới chấm dứt tình trạng “cắt thủ tục này lại đẻ ra thủ tục kia”.

Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết. Không nằm ngoài mục đích này, Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín có nhiều điểm mới. Theo đó, Luật đã cắt giảm tới 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các thủ tục hành chính về chấp thuận chủ trương đầu tư với cá nhân hộ gia đình không cần thiết đã được bỏ. Luật đã bãi bỏ quy định, dự án đầu tư tư nhân có quy mô vốn trên 5.000 tỉ đồng phải do Thủ tướng chấp thuận chủ trương; đầu tư sân golf cũng được phân cấp cho chính quyền tỉnh…

Với những đổi mới, tháo gỡ thể chế này, sẽ tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19. Như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc từng chia sẻ: “Trong khó khăn, doanh nghiệp nói không xin tiền, chỉ xin cơ chế, tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng”. Do đó, không có lý do gì để tồn tại các thủ tục mà chỉ để “hành là chính”, gây khó cho doanh nghiệp.

 

 

 

Lê Hùng