Thu hút FDI: Còn nguyên 3 nhược điểm lớn

- Thứ Năm, 24/09/2020, 07:28 - Chia sẻ
Tập đoàn Pegatron của Đài Loan - 1 trong 5 nhà sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử hàng đầu thế giới, đã đề xuất đầu tư khoảng 1 tỷ USD tại nước ta. Bên cạnh ý kiến nhận định đây là tín hiệu đáng mừng, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, số vốn này mới ở tầm trung và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn còn nguyên 3 nhược điểm lớn.

Chưa thấy nhà đầu tư EU, Mỹ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho biết, tháng 3.2020, dự án đầu tiên của Tập đoàn Pegatron tại Việt Nam với vốn đầu tư 19 triệu USD đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Ngoài dự án này, đối tác sản xuất linh kiện, sản phẩm của Apple, Microsoft, Sony còn có ý định đầu tư tiếp dự án nhà máy thứ hai và thứ ba tại Việt Nam, với số vốn lần lượt 481 triệu USD và 500 triệu USD.

Ảnh minh họa

Ngoài Pegatron, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang vận động một số nhà đầu tư khác như Tập đoàn Universal Global Technology Co.Ltd (Đài Loan) đầu tư tại Việt Nam. Universal Global là thành viên của Tập đoàn công nghệ ASE Holding đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ, điện thoại, tai nghe để cung cấp cho Lenovo, Sony... Nếu quyết định đầu tư, Universal Global sẽ chi 200 triệu USD cho giai đoạn 1, sau đó nâng lên 400 triệu USD.

Ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương nhìn nhận, đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện bước đi đúng đắn trong thu hút FDI của nước ta. Nhiều “đại bàng” đến làm tổ, Việt Nam sẽ có tiền đề để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các thương hiệu hàng đầu thế giới. Qua đó, góp phần hình thành cụm linh kiện điện tử trong nước, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - mục tiêu quan trọng Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt ra. Ông cũng tin rằng, nếu từ giờ đến cuối năm, Việt Nam khống chế được Covid-19, cộng hưởng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, chắc chắn sẽ có những tập đoàn từ Mỹ, Nhật, châu Âu vào đầu tư. 

Không lạc quan như vậy, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, số vốn Tập đoàn Pegatron rót vào Việt Nam mới ở tầm trung. “Hiện nay chúng ta không lo về lượng, vì vốn FDI thực hiện hàng năm khoảng 21 - 22 tỷ USD nằm trong tầm tay. Vấn đề là chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội trong thu hút FDI như thế nào”.

Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong 8 tháng qua Việt Nam vẫn thu hút được 19,54 tỷ USD vốn FDI, bằng 86,3% so cùng kỳ năm 2019 nhưng “vẫn còn nguyên 3 nhược điểm lớn”, GS. Nguyễn Mại nhận xét.

Đầu tiên, chỉ có một vài dự án lớn, còn lại hầu như là những dự án rất nhỏ, nhiều dự án vốn chỉ từ 1 - 2 triệu USD. Điều này cho thấy các địa phương, khu công nghiệp không biết hoặc không lưu ý đến lựa chọn dự án và nhà đầu tư. Hai là, rất ít dự án đầu tư vào công nghệ hiện đại, kinh tế số, fintech, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại và giáo dục đào tạo. Ba là, Việt Nam vẫn chỉ thu hút được các nhà tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore chứ chưa nhìn thấy nhà đầu tư từ EU, Mỹ mặc dù chúng ta hy vọng EVFTA sẽ mở ra triển vọng thu hút dòng vốn này.

Phải có “chỉ dẫn” cho nhà đầu tư

Trong làn sóng đầu tư đang dịch chuyển hiện nay, Việt Nam tuy là một điểm sáng nhưng không phải là điểm đến duy nhất vì Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… đều tung ra các chính sách thu hút đầu tư rất hấp dẫn, khiến cuộc đua đón làn sóng đầu tư dịch chuyển thêm gay gắt. Để nắm bắt cơ hội và thuyết phục các nhà đầu tư chọn điểm đến Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh, phải chuẩn bị các điều kiện cơ bản về hạ tầng, đất đai, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, phải tháo rào cản, gỡ vướng mắc, nhất là trong quá trình làm thủ tục đầu tư.

Covid-19 khiến nước ta phải đóng đường bay quốc tế khiến việc thu hút FDI bị hạn chế do không thể trực tiếp đàm phán, ký kết được. Vì vậy, theo ông Mại, Chính phủ chỉ đạo phục hồi 6 đường bay quốc tế là rất cần thiết và cần nối lại các đường bay quốc tế khác. Thêm vào đó, đến nay hầu như chưa có địa phương nào đưa ra được danh mục các dự án mình muốn hướng tới để nhà đầu tư tham khảo. “Nếu không có chỉ dẫn, nhà đầu tư khó có thể tìm tới” ông Mại nói. Ngoài ra, sau khủng hoảng dịch bệnh, các tập đoàn lớn đều thay đổi chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa quan tâm đến chiến lược thay đổi của họ nên không thể biết được họ cần gì để có chính sách phù hợp. “Chúng ta cần phải chủ động hơn nữa mới mong nắm bắt được cơ hội thu hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia”, ông Mại nhấn mạnh.

Ông Mại cũng nhấn mạnh, cần nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu cho các ban quản lý cách chọn nhà đầu tư và dự án phù hợp với định hướng của Nghị quyết 50. Điều quan trọng nữa là phải cải cách nhanh hơn, đồng bộ hơn để tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh, cấp trên rất sốt sắng nhưng công chức cứ từ từ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, dù có thu hút được các tập đoàn lớn nhưng nếu chênh lệch trình độ sẽ khó tạo liên kết giữa khối nội với khối ngoại. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng nếu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

Tuệ Anh