Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế

Thống nhất quản lý công tác đối ngoại

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 07:53 - Chia sẻ
Nhằm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế dành hẳn một chương (Chương VI) quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các đơn vị trực thuộc 

Pháp lệnh số 33/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Điều 29). Nhưng chưa quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc ký kết, tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế của các cơ quan này cũng như ký kết, tổ chức thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc.

Nhằm mở rộng phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với chủ trương, nhu cầu và thực tiễn hợp tác quốc tế hiện nay, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế bổ sung một chương quy định về việc ký kết và thực hiện văn bản hợp tác quốc tế cụ thể của các đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh. Vì vậy, cần thiết phải quy định rõ cơ quan nhà nước ở trung ương, chính quyền ở địa phương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc ở cấp dưới trên cơ sở đáp ứng yêu cầu và hiệu quả đối ngoại, quản lý nhà nước theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ và trong phạm vi ngân sách nhà nước được giao, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai các văn bản pháp luật về ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, dự thảo Luật quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với hoạt động hợp tác quốc tế của mình và các đơn vị trực thuộc, bảo đảm thực hiện thống nhất quản lý đối ngoại, phù hợp với quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về công tác thỏa thuận quốc tế.

Dự thảo Luật còn bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh về quản lý công tác thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, đơn vị hành chính phụ trách và công tác ký kết và thực hiện văn bản hợp tác quốc tế cụ thể của các đơn vị trực thuộc. Tại chương quy định về việc ký kết và thực hiện văn bản hợp tác quốc tế cụ thể của đơn vị trực thuộc, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc đơn vị trực thuộc được ký kết văn bản hợp tác quốc tế trong khuôn khổ và để thực hiện các điều ước quốc tế giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; cũng như các thỏa thuận quốc tế mà cơ quan chủ quản đã ký kết với đối tác nước ngoài.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định áp dụng các nguyên tắc, trình tự, thủ tục ký kết văn bản hợp tác quốc tế cụ thể nhân danh đơn vị trực thuộc của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh. Theo đó, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm xin ý kiến đơn vị đầu mối về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế nói riêng hoặc đơn vị đầu mối về công tác đối ngoại nói chung của cơ quan chủ quản; lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao khi có vấn đề phức tạp, nhạy cảm; lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với các vấn đề, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về đối ngoại, an ninh, quốc phòng và cơ quan có liên quan đến nội dung hợp tác và được người đứng đầu cơ quan chủ quản cho phép ký kết.

Các ĐBQH đánh giá, quy định như trong dự thảo Luật góp phần tạo khung pháp lý để các đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan cấp tỉnh thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế.

Một số ĐBQH cho rằng, còn một số điều quy định về thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhưng chưa quy định về trình tự, thủ tục. Nêu vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) cho biết, tại Điều 26 dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức, nhằm thống nhất với các điều khoản về thẩm quyền ký kết của các cơ quan chính quyền các cấp. Theo ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), Khoản 1, Điều 13 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội. Điều 14 quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, các cơ quan Quốc hội nhưng nội dung của điều này cũng chỉ đề cập đến các cơ quan của Quốc hội mà chưa quy định trình tự, thủ tục ký kết. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát và bổ sung vào dự thảo Luật để có cơ sở thực hiện, bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, thống nhất giữa các chủ thể. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đề nghị, dự thảo Luật cần giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế cũng như công tác tổ chức thực hiện, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ của hệ thống pháp luật.

Quy định cụ thể hành vi bị cấm

Thời gian qua, tồn tại một số trường hợp ký kết thỏa thuận quốc tế chưa tuân thủ đúng Pháp lệnh như: một số trường hợp dự thảo thỏa thuận quốc tế quy định trái với Pháp lệnh vi phạm nguyên tắc thỏa thuận quốc tế, chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ký kết thỏa thuận quốc tế, làm phát sinh nghĩa vụ đối với Nhà nước, Chính phủ; chưa thực hiện đúng quy định về thủ tục, hồ sơ, thời gian lấy ý kiến quá gấp; nhiều trường hợp không gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao sau khi ký…

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành liên quan đến công tác thỏa thuận quốc tế chưa giải quyết được vấn đề này. Điều 31, Pháp lệnh năm 2007 quy định về xử lý vi phạm trong công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh này bị xử lý theo quy định của pháp luật". Trên thực tế, căn cứ quy định tại Nghị định số 17/2014/NĐ-CP ngày 11.3.2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngoại giao và Thông tư 06/2016/TT-BNG hướng dẫn nội dung thanh tra chuyên ngành về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; công tác tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Naṁ; công tác lãnh sự, lễ tân ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, hàng năm, Bộ Ngoại giao đều tổ chức đoàn thanh tra chuyên ngành đến các địa phương bao gồm cả nội dung thanh tra về việc tuân thủ các quy định pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và có phát hiện tình trạng chưa thực hiện đúng các quy định của Pháp lệnh năm 2007. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc xử lý vi phạm pháp luật về công tác thỏa thuận quốc tế.

Do đó, dự thảo Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm về công tác thỏa thuận quốc tế, văn bản hợp tác quốc tế; bổ sung quy định cụ thể hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về công tác thỏa thuận quốc tế sẽ áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định của pháp luật chuyên ngành. Điều 51 dự thảo Luật quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tán thành với dự thảo Luật, các ĐBQH cho rằng, việc quy định rõ các hành vi bị cấm nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về công tác thỏa thuận quốc tế và công tác ký kết, thực hiện văn bản hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc; giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Tuy nhiên, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị, bỏ hẳn Điều 51 của dự thảo Luật với lý do không cần thiết, vì theo khoản 3, Điều 8, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: "không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới".

Nhật An