VẬN ĐỘNG HÀNH LANG Ở MỸ

Thói quen chính trị được thể chế hóa

- Thứ Sáu, 21/06/2013, 08:46 - Chia sẻ
Vận động hành lang (lobby) là những hoạt động hậu trường thường thấy ở nhiều nước trên thế giới. Qua hoạt động này, những người vận động (là người chuyển tải quan điểm của một bộ phận dân cư trong xã hội) có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới những thành viên của cơ quan lập pháp, thuyết phục họ thực hiện hoặc không thực hiện hành vi lập pháp mới để đạt được kết quả mong muốn.

 Hoạt động vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ năm 1886  Tranh của Liborio Prosperi
Có thể nói, Mỹ là nơi có hoạt động vận động hành lang diễn ra sôi nổi nhất thế giới và vận động hành lang cũng được coi là một phần không thể thiếu của nền chính trị Mỹ (chủ yếu trong lĩnh vực chính trị, lập pháp). Xuất hiện từ khi nước Mỹ mới thành lập, lobby chính là một “thói quen chính trị trong việc hình thành các chính sách của Mỹ và thói quen này đã được luật pháp Mỹ quy định và bảo hộ.

Nước Mỹ đứng trước sự trái ngược: vừa phải thừa nhận tính đa dạng về lợi ích; vừa phải ngăn ngừa các nhóm lợi ích này thông qua hoạt động vận động hành lang có thể gây lũng đoạn chính sách. Một mặt, họ tạo ra hàng loạt luật và án lệ mới bảo vệ hệ thống chính trị và các đảng phái khỏi ảnh hưởng lobby về tài chính (tiền chi cho vận động hành lang tại Mỹ vào năm 2004 lên đến 2,1 tỷ USD). Mặt khác, họ thừa nhận và luật hóa các nhóm lợi ích, các công ty vận động hành lang như đã nói ở trên.

Đạo luật đầu tiên áp dụng cho hoạt động lobby ở Mỹ là Đạo luật vận động hành lang được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1946 (The Federal Regulation of Lobbying Act).

Nửa thế kỷ sau, ngày 19.12.1995, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành đạo luật về công khai hóa hoạt động lobby (Lobbying Disclosure Act of 1995) điều chỉnh các mối quan hệ trong hoạt động lobby cả trong và ngoài nước Mỹ và quy định: “bắt buộc những người hoạt động lobby phải đăng ký, công khai hóa các khách hàng, các tiếp xúc, các vấn đề lobby và số tiền công được chi trả…”. Luật này đã có những quy định hạn chế cho những người làm lobby. Chẳng hạn, luật cấm các thượng nghị sỹ và nhân viên văn phòng thượng viện không được nhận quà hoặc chiêu đãi đáng giá trên 100 USD mỗi người mỗi năm, cấm không được tham dự những chuyến đi giải trí do tư nhân đài thọ. Tuy nhiên, thể lệ về quà cáp và chiêu đãi cũng có tới 24 trường hợp ngoại lệ. Luật mới cũng buộc những người làm lobby mỗi năm phải báo cáo với nhà nước hai lần về số tiền họ nhận của các công ty, nhận để làm gì và thân chủ của họ là ai; và quy định rằng, bất cứ ai được trả tiền để vận động các nhà lập pháp và các quan chức chính phủ đều được coi là người làm lobby, nếu người ấy dùng ít nhất 20% thì giờ của mình để đại diện cho thân chủ trong thời gian sáu tháng. Luật cũng yêu cầu, cả những lobby không chuyên nghiệp và những người chỉ vận động với công nhân viên cấp dưới của Quốc hội hay nhà nước cũng phải đăng ký, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 50 nghìn USD.

Năm 2005, một cơn sốc chính trị nổ ra trong Quốc hội Mỹ khi Abramoff, nhà vận động hành lang có thế lực nhất của Mỹ bị kết tội trong một loạt scandal chính trị cao cấp. Tại tòa án, Abramoff đã nhận tội biển thủ, gian dối tài chính và mua chuộc chính khách. Tạp chí Time gọi ông ta là “người đã mua cả Washington”. Trung tâm điều tra độc lập Center for Responsive Politics cho biết đã điểm danh được hơn 300 nghị sỹ của cả hai đảng từng hưởng ân huệ từ Abramoff từ năm 1999. Sau vụ khủng hoảng này, hàng loạt các kiến nghị cải tổ luật về các nhóm lợi ích được đưa ra. Luật Lobby sửa đổi ngày 18.1.2006 quy định cấm các hình thức quà cáp “bồi dưỡng” cho các nghị sỹ có giá trị từ 20 USD trở lên, tặng vé máy bay, chiêu đãi các kỳ nghỉ, các chuyến đi thực tế của các nghị sỹ theo lời mời của các tổ chức, cá nhân, mời cơm thân mật…