Thiếu chính sách thuận lợi cho hộ sản xuất, kinh doanh

- Thứ Ba, 12/05/2020, 16:17 - Chia sẻ
Tôi rất băn khoăn về Điều 87a dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định về doanh nghiệp nhà nước khi chúng ta thay đổi tiêu chí về doanh nghiệp theo hướng: Thay vì tỷ lệ 100% vốn nhà nước mới là doanh nghiệp nhà nước như trong luật hiên hành thì tới đây, theo dự thảo Luật, doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước trên 50%, từ 51% trở lên đã được coi là doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này nếu không được nghiên cứu kỹ sẽ gây ra rất nhiều tác động, đặc biệt liên quan đến hoạt động và hiệu quả của việc sản xuất kinh doanh bởi lẽ, doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ hình thành một loại hình tổ chức khác.

Chính vì vậy, theo tôi, cần phải có hành lang pháp lý quy định riêng cho loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước cùng với vốn của các thành phần kinh tế khác thì sẽ phù hợp hơn. Còn các doanh nghiệp có vốn nhà nước 100% sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh theo hệ thống luật định hiện nay. Việc chúng ta thay đổi theo hướng dự thảo Luật sẽ tạo nên một cơ cấu tổ chức điều hành rất cồng kềnh và phức tạp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như quá trình cổ phần hóa. Đây là một vấn đề cũng phải hết sức cân nhắc. Việc quy định là cần thiết nhưng phải xác định quy định ở mức độ nào? Theo tôi, ít nhất tỷ lệ vốn cũng phải bảo đảm được ở mức 75%. Đặc biệt với những doanh nghiệp liên quan đến các vùng miền núi, rất nhiều doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động công ích, tỷ lệ vốn nhà nước của doanh nghiệp đó phải chiếm một tỷ lệ chi phối tương đối cao mới có thể bảo đảm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình được.


Ảnh: Q. Khánh

Liên quan đến vấn đề hộ kinh doanh. Ở đây, quan điểm tranh luận có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp hay không? Để đưa hộ kinh doanh vào quy định như dự thảo Luật theo tôi là tương đối khó. Bởi lẽ hộ kinh doanh là một loại đối tượng rất rộng, lên đến 5 triệu hộ. Hơn nữa, dự thảo Luật cũng đang chủ yếu quy định về cơ chế quản lý hộ kinh doanh còn các cơ chế tạo điều kiện thúc đẩy cho các hộ sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn thì vẫn còn thiếu. Điều này cũng tương tự như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa qua, khi vừa được ban hành hứa hẹn sẽ tạo ra những cơ chế chính sách đột phá cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng trong thực tế vừa qua, các doanh nghiệp này lại chưa được hưởng lợi từ các cơ chế chính sách mới của Luật. Quá trình ban hành văn bản pháp luật rất chậm mà chính sách cũng không được thực hiện. Chính vì vậy, tình trạng của hộ kinh doanh cũng có thể gặp phải vấn đề tương tự.

Theo tôi, với hộ kinh doanh, nhóm chủ thể này quan tâm đến vấn đề lợi ích của họ khi được đưa vào trở thành một loại chủ thể được Luật Doanh nghiệp điều chỉnh. Có thuận lợi hơn hay không? Bản thân nhóm chủ thể này luôn muốn là làm những gì thuận lợi nhất, dễ dàng nhất. Khi hộ kinh doanh được đưa vào điều chỉnh, quản lý trong luật đi kèm với đó là chế độ thông tin, báo cáo, rất nhiều biện pháp được áp dụng... chắc chắn sẽ là những điều mà họ không mong muốn. 

Cách đây một vài năm, theo báo cáo, có những doanh nghiệp rất lớn. Một chuỗi bán bia rất lớn ở Hà Nội hàng năm nộp có 120 triệu đồng tiền thuế nhưng doanh thu hàng ngày của doanh nghiệp này có thể lên tới vài tỷ đồng. Đây chỉ là số tiền đóng thuế cho Nhà nước. Như vậy, có thể thấy, việc quản lý các hộ kinh doanh là hết sức cần thiết nhưng đưa vấn đề này vào luật như thế nào trong bối cảnh đặc điểm hộ kinh doanh ở nước ta rất khác so với các nước và nền quản lý của các nước cũng có nhiều điểm khác biệt, khi các quốc gia này đều đã đạt trình độ cao rồi, mọi chủ thể đều có tính tự giác. Chúng ta hiện nay có rất nhiều loại hình, từ người bán tạp hóa, tạp vụ dẫn đến thực tế mức độ giao dịch rất khác nhau, khối lượng hàng hóa trao đổi rất khác nhau. Phải căn cứ vào thực tiễn này, để ban hành những quy định phù hợp. Như vậy, quan điểm đầu tiên của tôi là cần phải đưa vào quy định. 

Về vấn đề đưa vào thế nào, tôi nghiêng về phương án Chính phủ nên sửa đổi những Nghị định trước đây đã ban hành để tăng cường việc quản lý đối với các hộ kinh doanh cho phù hợp. Trên cơ sở này, chúng ta có thể có thêm những biện pháp để tiến hành thí điểm ở một số địa phương liên quan đến vấn đề quản lý hộ kinh doanh trước khi tổng kết, đưa vào luật, hoặc xây dựng một luật riêng liên quan đến hộ kinh doanh. Vì đối tượng chịu sự điều chỉnh của đề xuất này rất lớn, 5 triệu hộ không phải là con số ít và có tính chất hoạt động không giống nhau.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn)
N. Bình ghi