Thích ứng với hạn, mặn từ “mô hình thử nghiệm nước từ gió”

- Thứ Năm, 10/09/2020, 18:37 - Chia sẻ
Sáng 10.9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ ký kết các thỏa thuận thực hiện dự án "Mô hình thử nghiệm nước từ gió” sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ tại tỉnh Ninh Thuận.
Lễ ký kết các thỏa thuận thực hiện dự án "Mô hình thử nghiệm nước từ gió” sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ tại tỉnh Ninh Thuận

Các thỏa thuận được ký kết giữa Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT Ninh Thuận và Công ty SUL của Bỉ trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Đại sứ Paul Janssen, đại diện cho Chính phủ Bỉ tại Việt Nam.

“Mô hình thử nghiệm nước từ gió” - WBW (Water by wind) sử dụng công nghệ khử mặn được vận hành nhờ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vận dụng lợi thế tự nhiên, thân thiên với môi trường. Đây được xem là giải pháp thích ứng tình trạng hạn mặn, góp phần từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt do hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt tại nhiều tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

Dự án được thực hiện tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - nơi có 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có đến 50% là đất cát bạc màu và thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp – bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại lễ ký

Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, qua nhiều năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân, nông sản Việt Nam còn được xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia với kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 là hơn 40 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vùng trên cả nước, trong đó có Ninh Thuận. Do đó, việc hợp tác với các nước được coi là một trong những ưu tiên để ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, việc hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam và EU ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong đó Bỉ có vai trò quan trọng, đồng thời là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu nông sản sang EU.

Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Janssen cho biết, dự án “Mô hình thử nghiệm nước từ gió” nằm trong “Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững” được ký trong chuyến thăm chính thức Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mục tiêu của dự án là giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ tương lai của nông nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh buổi lễ

Theo Đại sứ Paul Janssen, dự án có điểm đặc thù là khử mặn của nước bằng điện gió nên không gây ảnh hưởng đến môi trường do sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo là điện gió. Dự án được thực hiện tại Ninh Thuận nơi Bỉ có nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nước. Đại sứ tin tưởng rằng hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ sẽ tiếp tục mang lại những dự án nông nghiệp bền vững, giúp tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu.  

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, tỉnh nhà là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn. Do đó, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời, biến những khó khăn thành tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Dự án “Mô hình thử nghiệm nước từ gió” được kỳ vọng mang lại lợi ích cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Chi An