Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Thị xã Sơn Tây với nỗ lực không ngừng nghỉ

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:47 - Chia sẻ
Tính đến năm 2018, thị xã Sơn Tây đã có 6/6 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Sau những nỗ lực không ngừng, vừa qua, thị xã đã được Hội đồng Trung ương thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Hiện, thị xã đang tập trung hỗ trợ các xã nâng cao các tiêu chí NTM, hướng tới đồng bộ hạ tầng với 9 phường nội thị.

Vượt khó để hoàn thành mục tiêu

Thị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 42km về phía Tây Bắc với 15 đơn vị hành chính gồm 9 phường và 6 xã. Năm 2010, Sơn Tây bước vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư còn hạn chế; huy động xã hội hóa gặp nhiều trở ngại; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phải điều chỉnh…

Theo Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Huy Khánh, thời điểm ban đầu, cả 6 xã của Sơn Tây đều chưa có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển khu dân cư mới. Bên cạnh đó, hơn 50% đường trục xã, liên xã, trục thôn liên thôn, 62,52% đường ngõ xóm và 97,4% đường trục chính nội đồng chưa được nhựa hóa, bê tông hóa. Các tuyến kênh mương cấp 3, nội đồng hầu hết chưa được cứng hóa. Mức thu nhập bình quân mới chỉ đạt 16,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo gần 9%.

Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Ảnh: Tường Vy

Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra trong xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền thị xã Sơn Tây đã vào cuộc quyết liệt ngay từ những bước đi đầu tiên. Trong đó, thị xã chú trọng tuyên truyền, vận động, đề cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM ở tất cả các xã, nhờ đó đã huy động được sự đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ của nhân dân, doanh nghiệp và các đơn vị trên địa bàn.

Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Huy Khánh chia sẻ: Những ngày đầu, không phải nhận thức của tất cả người dân về NTM đều đã đầy đủ. Không ít nơi, người dân còn trông chờ vào ngân sách nhà nước. Thế nhưng, sau nhiều cuộc tuyên truyền, vận động bài bản ở nhiều địa phương trên địa bàn thị xã, người dân đã có những sáng kiến, cách làm hay, linh hoạt, giúp các tiêu chí NTM được hoàn thiện nhanh hơn. Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, Nhân dân thị xã đã tham gia 94.688 ngày công, hiến 3.440m2 đất thổ cư, 1.551m2 đất nông nghiệp để mở rộng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đóng góp hơn 4,8 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật để thực hiện các công trình theo tiêu chí NTM. Nhờ đó, diện mạo nông thôn thị xã ngày càng đổi thay rõ nét.

Đúng như lời Chủ tịch UBND thị xã, về Sơn Tây - Xứ Đoài mây trắng bây giờ, diện mạo nông thôn thực sự đã được “khoác áo mới”. Nổi bật trong bức tranh xây dựng NTM ở Sơn Tây đó là đầu tư cho hạ tầng ở các xã với mục tiêu thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đến nay, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn và các tuyến đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa; 14/18 trường học các cấp có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 70/70 thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao…

Cùng với đó, thị xã đã cũng thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho nông dân. Nhờ đó, đến hết năm 2019, thu nhập bình quân của thị xã Sơn Tây đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010.

Với những kết quả đã đạt được, vừa qua, thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng Trung ương thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Huy Khánh phấn khởi cho biết: Được công nhận hoàn thành xây dựng NTM sẽ tạo đà vững chắc cho cấp ủy, chính quyền các cấp của thị xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt là phát huy quyền, vai trò chủ thể của người dân trong các phong trào xây dựng NTM, huy động tối đa các nguồn lực trong Nhân dân với sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước để phục vụ lợi ích người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn

Xác định chương trình xây dựng NTM không có điểm dừng, với kết quả đạt được, thị xã Sơn Tây đã có kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, năm 2020, sẽ phấn đấu có một xã đạt chuẩn NTM nâng cao; giai đoạn 2021 – 2025, có thêm từ 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh đó, thị xã tập trung thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương, như: Gà mía Sơn Tây, mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông, tương và bánh gai Đường Lâm… gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 9,9%/năm; thu nhập bình quân đạt từ 52 triệu đồng/người/năm trở lên... Cuối năm 2020, xã Kim Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao.

Thị xã Sơn Tây được quy hoạch là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô, do đó luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương và thành phố Hà Nội trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đô thị và nông thôn. Giai đoạn 2015 - 2020, thị xã đã xây dựng 313 công trình với tổng số tiền hơn 2.501 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng 291 công trình, trong đó có những dự án lớn, trọng điểm như: Sân vận động Sơn Tây, Trường Trung học phổ thông Sơn Tây; chỉnh trang đồng bộ các tuyến phố nội thị; đầu tư xây dựng các xã đạt chuẩn NTM... Những công trình trên đã góp phần giúp diện mạo thị xã ngày càng xanh - sạch - đẹp và hiện đại.

Để hệ thống hạ tầng nông thôn trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, hướng đến đồng bộ với các phường nội thị, năm 2020, thị xã Sơn Tây tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 170 công trình xây dựng cơ bản, giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có nhiều công trình trọng điểm, như Trường Mầm non trung tâm tại các xã: Cổ Đông, Thanh Mỹ (giai đoạn 2); hệ thống rãnh thoát nước tại xã Thanh Mỹ; hệ thống đèn chiếu sáng tại các xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn...

Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Huy Khánh cho biết, trong kế hoạch dài hạn, Sơn Tây sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng các công trình giao thông khung, huyết mạch của thị xã. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục giao thông liên xã, liên thôn, xây dựng hệ thống thoát nước, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Đồng thời, tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển các không gian kiến trúc đô thị đặc trưng, tiêu biểu của thị xã, tạo dựng hình ảnh đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái theo Quy hoạch xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt. Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn và đô thị sẽ tạo điều kiện để thị xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp cải thiện toàn diện đời sống người dân.

Đào Cảnh