Thế kỷ Á - Âu bắt đầu

- Thứ Năm, 10/09/2020, 06:13 - Chia sẻ
Nỗi ám ảnh của Mỹ về chiến lược toàn cầu khiến quốc gia này xao nhãng những vấn đề nội bộ và thiệt hại đầu tiên là đồng USD. Trong khi đó, Á - Âu nổi lên như một thế lực đáng gờm và bắt đầu một thế kỷ mới.

Tiềm năng rộng mở

Theo Asia Times, năm 1977, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ lúc bấy giờ là ông Zbigniew Brzezinski đã viết: “Âu - Á là siêu lục địa theo trục… Điều đặt ra là không có nhân vật thách thức Á - Âu nào xuất hiện, có khả năng thống trị Âu - Á và thách thức cả Mỹ”. Zbigniew Brzezinski từng là nhà tư vấn chiến lược cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cuối những năm 1970, đồng thời là học giả nước ngoài (Ba Lan) có ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề toàn cầu, cả trước và sau khi công tác tại Nhà Trắng.

Ngày nay, các nhà chiến lược địa lý của Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi ý tưởng này. Nhưng nếu không có nhân vật thách thức Á - Âu duy nhất thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu thương mại và đầu tư giữa một số trung tâm quyền lực nằm giữa bờ Đại Tây dương của châu Âu và Tây Thái Bình dương phát triển cho đến lúc lớn hơn đáng kể so với tổng hoạt động kinh tế của Mỹ?

Nguồn: ITN

Mặc dù có chút khác biệt trong dữ liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nguồn khác cung cấp, nhưng vào năm 2019, Mỹ chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu trên cơ sở danh nghĩa (USD), nhưng chỉ chiếm 15% dựa trên sức mua tương đương (PPP).

Trong khi đó, Âu - Á chiếm hơn 55% GDP toàn cầu trên cơ sở danh nghĩa và gần 60% trên cơ sở PPP. Trên cơ sở danh nghĩa, các thành phần lớn nhất của nền kinh tế Á - Âu là EU 21%, Trung Quốc 16%, Nhật Bản 6%, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 4% và Ấn Độ 3%. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và ASEAN cộng lại chiếm 12%. Trên cơ sở PPP, các con số tương ứng là EU 13%, Trung Quốc 20%, Nhật Bản 4%, ASEAN 6% và Ấn Độ 8%. Các nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á kết hợp chiếm 13%.

Điều này cho thấy Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN là những cơ hội thị trường lớn nhất, với tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất trên danh nghĩa nếu đồng USD giảm giá. Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN cũng chiếm khoảng 45% dân số toàn cầu so với tỷ lệ ít hơn 5% của Mỹ. Còn nếu cộng lại, toàn bộ khu vực Á - Âu chiếm hơn 60%. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng lớn hơn đáng kể trên cơ sở PPP so với trên cơ sở danh nghĩa. Vào năm 2019, nền kinh tế Nga có quy mô bằng khoảng 2/5 quy mô của Đức trên cơ sở danh nghĩa, nhưng cùng quy mô trên cơ sở PPP. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bằng 1/5 quy mô của Đức trên cơ sở danh nghĩa, nhưng lớn hơn một nửa trên cơ sở PPP.

Tất nhiên, Mỹ cũng là một phần của thị trường lớn hơn - USMCA (Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada), trước đây được gọi là NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ). Nhưng thực tế đó không thay đổi được sự mất cân bằng cơ bản với Âu - Á. Ba quốc gia ở Bắc Mỹ chiếm khoảng 28% GDP toàn cầu trên cơ sở danh nghĩa, 20% trên cơ sở PPP và 6,5% dân số toàn cầu. Nhưng Brazil, một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực Mỹ Latin lại trao đổi thương mại với khu vực Á - Âu nhiều gấp 2,5 lần so với USMCA.

Khả năng kết nối nội bộ

Vào đầu tháng 6, chuyến tàu chở hàng đầu tiên đi Tiburg, Hà Lan đã khởi hành từ Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hiện có 20 tuyến đường sắt nối Hợp Phì và châu Âu. Theo Tân Hoa xã, tính đến nay, hơn 200 chuyến tàu đã khởi hành từ Hợp Phì trên các tuyến đường này. Kể từ khi tuyến đường đến Duisburg, Đức, được hoàn thành năm 2011, các chuyến tàu hàng đã kết nối khoảng 60 thành phố ở đất nước "Gấu trúc" với 50 thành phố ở 15 quốc gia châu Âu, vươn tới tận London và Madrid. Vào tháng 5, hơn 1.000 chuyến tàu hàng đã đi lại giữa Trung Quốc và lục địa già, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với khối lượng hàng hóa tăng gần 50%, Âu - Á đang được kết nối nội bộ mà không có sự tham gia của Mỹ. Các chuyến tàu chở hàng thay thế việc vận chuyển hàng không, đường biển và đường bộ bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, nhưng điều này chỉ thúc đẩy xu hướng dài hạn.

Giảm tiếp xúc với đồng USD

Lý do duy nhất để tiến hành thương mại hoặc đầu tư trong khu vực Á - Âu bằng đồng USD là tính thuận tiện, nhưng các nhà lãnh đạo “có tư tưởng trừng phạt” của Mỹ đã khiến tình hình trở nên kém thuận lợi hơn trong vài năm qua.

Vì lý do này hay lý do khác, chính quyền Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ Á - Âu. Các mục tiêu của Mỹ bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar, Iran, Pakistan, Syria, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Nga, Ukraine, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.

Vì vậy, đã bắt đầu có phản ứng. Đầu năm nay, các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan) đã quyết định chuyển thương mại và đầu tư lẫn nhau từ đồng USD sang đồng tiền quốc gia của họ. 5 năm qua, tỷ trọng giao dịch giữa Trung Quốc và Nga vốn thống trị bằng đồng USD đã giảm từ khoảng 90% xuống dưới 50%.

Đồng euro đã bắt kịp USD trong thương mại Nga - EU và có vẻ sẽ vượt qua đồng bạc xanh trong tương lai gần. Ấn Độ và Nga đang tăng cường giao dịch bằng tiền tệ của mình, Giao dịch Ấn Độ và Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng tương tự. Kể từ tháng 9 năm ngoái, tập đoàn Rosneft, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga, đã định giá các hợp đồng mới bằng đồng euro.

Khi Mỹ không còn là động lực tăng trưởng toàn cầu

Cho đến gần đây, Mỹ vẫn được coi là cơ hội phát triển cho phần còn lại của thế giới. Hiện tại, xứ sở cờ hoa đã chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ và tích cực can thiệp vào nền kinh tế của các đồng minh, đối thủ cũng như phe trung lập. Với nhiều nhà quan sát, đây là mối đe dọa đối với sự phát triển của nhiều quốc gia khác.

Vì vậy, khu vực Á - Âu và phần còn lại của thế giới đang học cách không phụ thuộc vào Mỹ. Thương mại của EU với phần còn lại của Á - Âu, gần một nửa trong số đó với Trung Quốc, nhiều hơn hai lần thương mại với Mỹ. Thương mại của Ấn Độ với phần còn lại của Á -  Âu, chưa đến 1/4 trong số đó là với Trung Quốc, lớn gấp 5 lần thương mại của nước này với Mỹ. Ngoài ra, chỉ riêng thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc đã gấp 1,4 lần thương mại của đất nước "Mặt trời mọc" với Mỹ. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc lớn hơn 80% so với xuất khẩu sang Mỹ. Và danh sách vẫn tiếp tục kéo dài.

Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, Mỹ sẽ không trở lại như động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, xứ sở cờ hoa đang áp dụng các chính sách thay thế nhập khẩu theo chủ nghĩa trọng thương, từng làm nên sự thần kỳ cho các nền kinh tế Đông Á. Trong khi đó, Nhật Bản và Đức nhấn mạnh đến nền thương mại tự do. 

Theo một số nhà phân tích, chính sách của Washington không phải là lầm lạc ngắn hạn. Có thể mất một thế hệ để Mỹ điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế và xã hội, xây dựng lại cơ sở công nghiệp cũng như cải cách hệ thống giáo dục của mình.

Khu vực Á - Âu không phải là một khối đúc liền, cũng không phải là khối chống Mỹ, nhưng nó lớn hơn nhiều về kinh tế, lại còn sở hữu dân số và số người được giáo dục tốt hơn. Thực tế, Á - Âu đang bắt kịp số lượng công nghệ ngày càng giảm mà Mỹ vẫn dẫn đầu. Và khi đất nước "Nữ thần tự do" bận sắp xếp trật tự ngôi nhà của mình, Thế kỷ Á - Âu đã bắt đầu.

Ngọc Minh