Thấy gì từ động thái của FED?

- Thứ Tư, 23/09/2020, 06:24 - Chia sẻ
Tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0 - 0,25% nhằm chờ đợi những tín hiệu thị trường và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn kích thích phát triển kinh tế.

Mục tiêu ổn định thị trường...

Trong cuộc họp cuối cùng của FED, Chủ tịch FED Jerome Powell đã thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0%. Ông Powell cho rằng, mức lãi suất này sẽ được duy trì cho đến khi có dấu hiệu lạm phát tăng “vượt mức trung bình” 2%.

FED cho rằng, mức lãi suất gần 0% được duy trì từ hồi tháng 3 đến nay đã có tác dụng điều tiết hoạt động cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và các khoản tín dụng khác... giúp nền kinh tế tương đối ổn định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây áp lực.

Với chính sách lãi suất gần 0%, FED cam kết sử dụng toàn bộ công cụ tài chính để hỗ trợ kinh tế Mỹ trong giai đoạn đầy thách thức, bởi virus Corona đã và đang tạo ra những khó khăn rất lớn cho con người và nền kinh tế.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.
Nguồn: Washington Post

Theo đó, “lãi suất hiệu lực” được coi trọng, nhằm hiện thực hóa “lãi suất mục tiêu” mà FED công bố, thường là lãi suất ngắn hạn và lãi suất qua đêm. Mức lãi suất này được bảo vệ bằng việc mua và bán các loại trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1-3 tháng.

Với chính sách lãi suất gần 0% lần này, FED tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất - kinh doanh, đồng thời kích cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra tăng trưởng nóng, FED có thể nhanh chóng tăng lãi suất để giảm tổng cầu và kiềm chế mức lạm phát.

Với câu hỏi vì sao FED không muốn duy trì lãi suất (-) âm đến 0%, câu trả lời là, trong bối cảnh công cụ tài chính truyền thống được sử dụng để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế đã bị vô hiệu hóa, nếu không thận trọng sẽ rơi vào “bẫy thanh khoản” (liquidity trap).

Vì thế, trong cuộc suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, FED đã có sự sáng tạo trong việc ứng dụng các công cụ tài chính mới đa dạng và có quy mô lớn hơn nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Vì thế, khái niệm “lãi suất hiệu lực” do FED đưa ra được giới chuyên gia cho là phù hợp với vị thế của nền kinh tế số 1 thế giới.

Kích thích tăng trưởng

Trong thông báo chính sách mới, FED cho biết cơ quan này bắt đầu chuyển từ ổn định các thị trường tài chính sang kích thích nền kinh tế. Theo đó, FED sẽ duy trì chương trình mua trái phiếu hiện tại, ít nhất 120 tỷ USD/tháng nhằm bảo đảm các điều kiện tài chính “thuận lợi” trong tương lai.

Theo dự báo, tỷ lệ thất nghiệp cuối năm nay là khoảng 7,6%, thấp hơn mức 9,3% dự báo trước đó; tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 là 8,4%; lạm phát cũng được điều chỉnh tăng từ 0,8% lên 1,2%. Chủ tịch FED phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị rằng: “Những thay đổi nêu trên làm rõ cam kết mạnh mẽ của chúng tôi (FED) trong khung thời gian dài hơn”.

Đánh giá về thị trường lao động, qua khảo sát của chuyên gia Wall Street Journal cho thấy thị trường lao động đang phục hồi nhanh hơn dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 8,4% trong tháng 8 và sẽ giảm xuống 8,1% vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được khi làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19 tác động không quá nghiêm trọng.

FED cho biết thêm, hiện con số thất nghiệp vẫn là 11 triệu người, trong khi nhiều người đang làm việc trong các ngành cũng gặp khó khăn và cần thêm sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, vẫn cần có thêm sự cứu trợ tương tự như giai đoạn đầu đại dịch.

Theo đánh giá tổng quan của FED thì “hoạt động kinh tế Mỹ nhìn chung thấp hơn mức trước khi dịch bùng phát và con đường phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Cần một thời gian nữa để tăng trưởng và việc làm trở lại mức đầu năm”. Vì thế, sự hỗ trợ tài chính vẫn rất cần thiết.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã kêu gọi đảng Cộng hòa ủng hộ gói chi tiêu lớn hơn nhằm kích thích kinh tế chống đại dịch. Các thành viên của cả 2 đảng đều nhất trí rằng một dự luật kích thích mới là cần thiết để thúc đẩy tốc độ phục hồi và hỗ trợ hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn.

Chờ đợi tín hiệu khả quan

Theo Ủy ban Thị trường Mở (FOMC), lãi suất thấp có thể được duy trì ít nhất tới năm 2023, nếu lạm phát không thể vượt quá mức 2% trong thời gian này. Cũng theo dự báo, kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 3,7% trong năm nay, thấp hơn dự báo 6,5% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 và 2022 tiếp tục thay đổi lần lượt là từ 5% về 4% và 3,5% về 3% và năm 2023 sẽ là 2,5%.

Về hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ đang phải chật vật chống đỡ dịch bệnh, trong khi chính quyền các địa phương cũng phải đối mặt với tình trạng thất thu ngân sách nhưng nhu cầu chi tiêu lại tăng nhanh. Đó cũng là vấn đề lớn cần quan tâm.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 8,4%, giảm mạnh so với mức 14,7% ghi nhận trong tháng 4, thời điểm dịch lên tới đỉnh điểm tại Mỹ. FOMC dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 7,6% và giảm xuống còn 5,5% vào năm 2021. Trong khi đó, các số liệu điều chỉnh theo mùa do Cục Thống kê dân số Mỹ công bố hôm 16.9 cho thấy doanh số bán lẻ ở Mỹ đã chậm lại trong tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ tăng 0,6% trong tháng 8.

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ và cơ sở dịch vụ thực phẩm của Mỹ trong tháng 8 vừa qua đã đạt doanh thu 537 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với một tháng trước đó. Trong khi doanh số bán lẻ và nhà hàng chỉ tăng 0,6%, thấp hơn các mức tăng 0,9%, 8,6% và 18,3% của các tháng trước đó.

Phản ánh thực trạng và xu hướng phát triển của nền kinh tế Mỹ, FOMC đã lựa chọn những bước đi phù hợp, với việc toàn bộ thành viên FOMC đã bỏ phiếu cho phương án giữ lãi suất cận 0% đến hết năm 2022, trong khi chỉ có 4 thành viên có ý kiến nên tăng lãi suất vào năm 2023.

Tuy nhiên, sự chia rẽ sâu sắc đã xảy ra về quy mô và phạm vi của một gói kích thích kinh tế mới cũng là một lực cản. Trong khi đảng Dân chủ đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 2.000 tỷ USD, thì đảng Cộng hòa lại chỉ chấp nhận 1.000 tỷ USD vì lo ngại nợ công tăng cao. Giới phân tích cho rằng, rất có thể gói cứu trợ trị giá 1.500 tỷ USD sẽ được thông qua.

Giới phân tích cho rằng, quyết định giữ lãi suất ở mức gần 0% của FED vừa qua là có cơ sở để chuẩn bị cho bước chuyển quan trọng từ mục tiêu ổn định tài chính sang kích thích nền kinh tế phát triển sau đại dịch Covid-19. Dư luận đang kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan và quyết định sáng suốt của FED trong hội nghị ngày 10 - 11.12 tới.

Nguyễn Nhâm