THÀNH CÔNG VÀ THÁCH THỨC CỦA CÔNG TÁC DÂN SỐ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 16:55 - Chia sẻ

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1.4.2019, quy mô dân số thành phố Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh) là 8.993.082 người, chiếm tỷ trọng 9,3% dân số cả nước. Công tác dân số của TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành công cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số. Từ năm 2009 đến nay, bình quân tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của TP Hồ Chí Minh là 0,9%. Tổng tỷ suất sinh hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế, năm 2019 tổng tỷ suất sinh ghi nhận là 1,39 con/phụ nữ; TP Hồ Chí Minh hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Tỷ số giới tính khi sinh của TP Hồ Chí Minh ở mức hợp lý, 105,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Thành phố hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội. Tuổi thọ trung bình của người dân TP Hồ Chí Minh cao hơn 3 tuổi so với mức bình quân của cả nước (76,6 tuổi và 73,6 tuổi). Tỷ lệ bà mẹ đang mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,2% và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh đạt 83,6%. Để đạt được những thành công trên, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và đầu tư nguồn lực để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về dân số trên địa bàn. 

Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác dân số của TP Hồ Chí Minh cũng có những thách thức mới. Đó là:

Mức sinh thấp đã tác động đến các biến dân số khác theo chiều hướng không tích cực. Quy mô hộ bình quân tại TP Hồ Chí Minh là 3,51 người/ hộ, trong đó có trên 66% số hộ có từ 2-4 người. Cơ cấu hộ từ 1-3 người có xu hướng tăng và trong năm 2019 chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 54%. Cũng trong giai đoạn 2009-2019, quy mô hộ gia đình chỉ có 1 người tăng cao nhất, từ tỉ trọng 7,42% năm 2009 đã tăng lên đến 12,47% năm 2019. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. 

Thành phố vẫn đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số, chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của TP Hồ Chí Minh là 49,4% cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8%. Già hóa dân số tại TP Hồ Chí Minh chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.

TP Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất và có mật độ dân số cao nhất nước, trên 4.292 người/km2; quận 11 của TP Hồ Chí Minh chưa phải là quận đông dân nhất nhưng phường 5 của quận có mật độ dân số lên tới 31.126 người, phường 9 của quận là 9.420 người/km2. Dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông. Tỷ lệ tăng dân số bình quân 2009-2019 là 2,28%/ năm nhưng bình quân hàng năm tỷ lệ tăng cơ học là 1,4%. Phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh; các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh là những áp lực khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dân số. 

Để giải quyết những thách thức trên và một trong những thách thức mà TP Hồ Chí Minh cần phải đặc biệt quan tâm giải quyết đó là phấn đấu tăng mức sinh, phấn đấu bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hai con. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cần bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.