Tháng 7 tri ân

Bài 1: “Lũy đá bất tử”- nơi địa đầu Tổ quốc

- Thứ Hai, 27/07/2020, 05:12 - Chia sẻ
Vượt qua quãng đường dài quanh co hơn 300km, Đoàn công tác cũng đã đặt chân đến với Hà Giang - vùng đất biên cương nơi địa đầu của Tổ quốc. Trong ánh nắng vàng rực, lá quốc kỳ đỏ tươi căng mình đầy kiêu hãnh giữa bốn bề núi non trùng điệp, kỳ vĩ… như muốn kể cho chúng tôi nghe về lịch sử bi hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.

Dẫu không phải sống dưới thời mưa bom bão đạn, nhưng những thế hệ chúng tôi hiểu rằng: Lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc không chỉ được thêu dệt bằng hoa gấm mà bằng cả xương máu của “lớp cha trước, lớp con sau”. Để rồi, những ngày tháng 7 này, khi cả nước hướng về kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Đoàn công tác của Báo Đại biểu Nhân dân lại có chuyến hành trình tri ân đến những vùng đất chứa đựng trong mình ký ức, lát cắt về những trang lịch sử khốc liệt bi hùng như: Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Đồng đội ơi…

“Sống bám đá đánh giặc. Chết hóa đá bất tử. Thành lũy đôi mươi, bờ cõi non sông đời đời…”. Câu chuyện lịch sử về vùng đất Vị Xuyên của anh cán bộ tỉnh Hà Giang cứ khẽ khàng đi vào tâm can chúng tôi, khiến quãng đường chênh vênh, dưới cái nắng bỏng rát gần 40 độ của những ngày trung tuần tháng 7 như dịu lại. Điểm đầu tiên Đoàn chúng tôi dừng chân chính là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên - “ngôi nhà chung” của hơn 1.800 liệt sỹ và 1 mộ tập thể chưa biết tên. Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, Đoàn đã dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả tuổi thanh xuân để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.

Ông Mai Đức Ngời, cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên
Nguồn: TTXVN

Có lẽ, chỉ khi đặt chân đến với Vị Xuyên, chúng tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của hàng loạt địa danh nghe qua đã thấy “rùng rợn”: “Ngã ba cửa tử”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”... Và, không thể nào ngăn được dòng nước mắt khi đọc được những dòng dòng tâm sự trong lá thư chưa kịp gửi về cho mẹ của chiến sỹ, liệt sỹ Trần Trung Thực, hy sinh ngày 14.1.1985 tại mặt trận Vị Xuyên: “Mẹ yêu quý của con!… Với con, bốn Xuân rồi con không được về, Xuân này là thứ năm rồi mẹ ạ, cuộc chiến còn dài còn gian khổ ác liệt và hy sinh. Con cũng quyết tâm bước tiếp cho trọn tới đích…”. Hay, lời thề khắc trên báng súng của liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”

Ánh nắng gay gắt, những vạt mây như bị xua đi chỉ để lại bầu trời xanh ngắt. Lẫn trong màn khói trầm hương, chúng tôi được chứng kiến cuộc hạnh ngộ xúc động của những người lính Vị Xuyên năm xưa. Đối với họ, tháng 7 về như một lời hẹn ước thiêng liêng, dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ trở về Vị Xuyên sum họp với đồng đội. Những người lính tóc đã ngả màu sương, nhẹ nhàng trầm lặng bước đi giữa hàng bia mộ. Lúc này, không khí im ắng bị xé tan bởi lời hát thổn thức được cất lên từ một đoàn cựu chiến binh nào đó: “Về đây đồng đội ơi... Hà Giang đã ngưng chiến trận. Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu... Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi...”.

Dùng dằng mãi, chúng tôi mới rời được Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên để đến với Điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy - nơi tọa lạc của Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên năm xưa… Trong không khí linh thiêng, Đoàn công tác do Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Đỗ Chí Nghĩa làm Trưởng đoàn đã thành kính thắp hương và gióng hồi chuông tưởng niệm anh linh các liệt sỹ. Thay mặt Báo Đại biểu Nhân dân, Tổng Biên tập đã viết lưu bút tại sổ ghi truyền thống: “Tập thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Đại biểu Nhân dân nguyện phấn đấu xây dựng tờ báo vững mạnh,  xứng đáng với sự hy sinh anh dũng, lớn lao của các thế hệ Anh hùng, Liệt sỹ, trong đó, có những Anh hùng, Liệt sỹ đã nằm lại trên mảnh đất biên cương Tổ quốc, đất Vị Xuyên đã đi vào lịch sử. Mãi nhớ và tự hào về các anh…!”.

Lịch sử đã chọn Vị Xuyên để viết tiếp bản hùng ca bất khuất, anh dũng, kiên cường của những thế hệ trẻ vì nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc chiến đó đã khiến không ít những người con phải ra đi và có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử... Trong ánh chiều tà, lắc lư trên cung đường quanh co lưng chừng trời, với những triền đá tai mèo nhọn hoắt trùng điệp, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng tiếng gọi: “Đồng đội ơi! Tôi nhớ Chiến tranh qua lâu rồi/ Lòng vẫn thầm thì gọi…”.

Đoàn công tác lắng nghe về lịch sử của điểm cao 468

Viết tiếp con đường hạnh phúc

Tiếp tục băng qua con đường như dải lụa mềm ôm lấy những dãy núi trùng điệp, chúng tôi đến được với nơi cao nhất của “mỏm cực Bắc” đó là Cột cờ Lũng Cú - Di tích Lịch sử Quốc gia, biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc Việt Nam. Nhìn từ dưới lên, cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi Rồng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trong gió đầy kiêu hãnh… Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ của vùng cao sơn. Xen lẫn là những nếp nhà trình tường, mái ngói âm dương cổ kính bảng lảng làn khói lam chiều từ bản Lô Lô Chải, để rồi cảm nhận sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người nơi miền biên ải.

Quả thật, hành trình đến với Lũng Cú dù có gian nan, chênh vênh nhưng đúng như chia sẻ của Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền: Là người làm Báo, phải ít nhất một lần lên với Hà Giang, chạm được tay đến cột cờ Tổ quốc. Bởi lúc đó, mỗi chúng ta mới thấm đẫm được cái hồn non nước nơi địa đầu Tổ quốc, mới thấy yêu hơn từng tấc đất quê hương trải dài mãi dưới chân. Ngắm nhìn lá cờ kiêu hùng bay trong gió càng tiếp thêm cho chúng ra lòng tự hào dân tộc và càng thêm hiểu sâu sắc của hai tiếng thiêng liêng Tổ quốc…

Càng đi, càng tìm hiểu chúng tôi càng thêm yêu mảnh đất “hoa mọc trên đá” và khâm phục nghị lực kiên cường và đoàn kết của 22 dân tộc anh em như: Mông, Tày, Nùng, Pà Thẻn, Dao, Lô Lô… Họ đã kết thành một khối vững chắc để làm lá chắn thép nơi phên dậu của Tổ quốc và làm nên một con đường độc nhất vô nhị “Con đường Hạnh phúc” - con đường của gian khổ, hy sinh của cả hoa và máu; là huyền thoại về sức trẻ của lực lượng Thanh niên xung phong 16 dân tộc thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hải Dương trong suốt 8 năm lao động thủ công quên mình với hơn 2 triệu ngày công… Và, hôm nay đi trên con đường ấy, chúng ta mới chứng kiến được cuộc sống đổi thay của các huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang này.

Không chỉ con đường huyền thoại mang tên Hạnh phúc hay “Lũy đá bất tử” Vị Xuyên là bài học được hun đúc từ bao gian nan, thử thách, mà đây còn là kim chỉ nam để Hà Giang không ngừng vươn lên, xóa đói giảm nghèo, trở thành điểm sáng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc… Đó có lẽ cũng là mong muốn, là khát vọng mà Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh đã chia sẻ với Đoàn trong buổi gặp mặt thân mật ấm cúng: Những thành quả này sẽ là hành trang, niềm tin vững chắc để Hà Giang quyết tâm hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. “Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ GRDP bình quân 7,5%; thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm; 100% thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn…”, ông Khánh cho biết.

Những ngày về với vùng đất phên dậu nơi địa đầu Tổ quốc cũng đã kết thúc. Tiếng hát, tiếng sáo, tiếng khèn vang đâu đây trong gió; những dải hoa tam giác mạch đang chuẩn bị bung nở trên cao nguyên địa chất và chúng tôi ai cũng thấy: “Trời Hà Giang lồng lộng sắc cờ/ Tổ quốc tự hào trên đỉnh cao Lũng Cú/ Hồn sông núi linh thiêng tạc vào lịch sử/ Đất Việt ngàn đời đường Hạnh phúc đi lên…”.

Chuyến xe của Đoàn chúng tôi vẫn chưa dừng bánh, một vùng nắng lửa miền Trung như đang đợi chờ…

Ghi chép của BÁCH HỢP - DIỆP ANH