Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bình đẳng giới

- Thứ Tư, 30/09/2020, 16:45 - Chia sẻ
Sáng 30.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Trình bày Báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; khuôn khổ văn bản pháp lý về giảm nghèo được xây dựng, ban hành khá kịp thời, đầy đủ, toàn diện để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Các mục tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên…

Ủy ban về các vấn đề Xã hội đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ về thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo đến hết năm 2019, dự báo cuối năm 2020 chưa bền vững và còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Ủy ban cũng cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm nghèo bền vững vẫn còn một số hạn chế chủ yếu, như: chuẩn nghèo về thu nhập giai đoạn 2016 - 2020 chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu như Nghị quyết đặt ra; việc rà soát, tích hợp, sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo chưa hoàn thành theo yêu cầu…

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trình bày Báo cáo về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá thêm tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo; tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong giảm nghèo. Báo cáo của Chính phủ cũng cần đánh giá vai trò, trách nhiệm của xã hội, các tổ chức xã hội cũng như hiệu quả của công tác xã hội hóa trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.

Theo Báo cáo của Chính phủ thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020, trong 10 năm qua, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ một số chỉ tiêu đặt ra quá cao, không có tính khả thi nên mặc dù các cấp, ngành đã rất nỗ lực nhưng không thể đạt được; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thực chất, chưa thật sự sát sao, chưa quan tâm đúng mức cho công tác bình đẳng giới tại cơ quan, đơn vị, địa phương...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đánh giá, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020 đã có nhiều bước tiến bộ; công tác bình đẳng giới đi vào thực chất hơn. Phần lớn các chỉ tiêu đã được hoàn thành, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới dần thành nề nếp, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện bình đẳng giới thiếu tính bền vững, còn khoảng cách giữa các khu vực, vùng, miền, nhóm dân tộc, nhóm dân cư; một số chi tiêu vẫn chưa đạt hoặc chưa có số liệu để đánh giá… Các đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng đưa công tác bình đẳng giới đi vào thực chất, bền vững hơn.

Kết luận phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu, làm cơ sở xây dựng các dự thảo báo cáo thẩm tra về hai nội dung này. 

Tin và ảnh: Thanh Chi