Thách thức đổi mới ngôn ngữ kịch

- Thứ Ba, 22/09/2020, 15:01 - Chia sẻ
Được dàn dựng bởi đạo diễn người Pháp Quentin Delorme, “Ngoại lệ và Nội quy” kết hợp giữa kịch nói và kịch ứng tác. Diễn viên vừa là chính họ lại vừa là nhân vật trên sân khấu.

Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH vừa thông báo ra mắt vở kịch bằng tiếng Anh mang tên “The Exception and the Rule” (Ngoại lệ và Nội quy) của nhà soạn kịch hiện đại nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht - người sáng tạo ra khái niệm “epic theatre” (Kịch phi kịch/Kịch tự sự). Ba suất diễn sẽ diễn ra lúc 20h ngày 2 - 3.10 và 19h ngày 4.10 tại Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH, Đặng Thai Mai, Hà Nội.

“Ngoại lệ và Nội quy” tập trung khai thác chủ đề công lý trong xã hội

Ra đời giai đoạn 1929 - 1930, “Ngoại lệ và Nội quy” là một vở kịch giáo dục, tập trung khai thác chủ đề công lý trong xã hội. Vở diễn kể lại câu chuyện về một thương nhân giàu có phải băng qua sa mạc để đàm phán hợp đồng dầu mỏ. Trong suốt hành trình, những khác biệt tầng lớp giữa gã và các tên bốc vác ngày càng hiển hiện. Càng sợ hãi sa mạc, gã thương nhân lại càng tàn bạo. Bốn nhân vật chính trong tác phẩm cũng là hiện thân của các tầng lớp xã hội, bi kịch diễn ra khi những khác biệt tầng lớp hiển lộ, và khi công lý trở thành một trò hề.

Vở diễn lần này được dàn dựng bởi đạo diễn người Pháp Quentin Delorme. Tốt nghiệp trường đào tạo diễn viên và đạo diễn sân khấu tại Pháp, từ năm 2006, Quentin Delorme bắt đầu dàn dựng các vở diễn của riêng mình. Một năm sau, anh đã giành được giải thưởng Tài năng trẻ Paris khi mới 24 tuổi. Những sáng tạo kịch của anh hướng theo lối kịch đương đại luôn được tìm tòi, nghiên cứu liên tục và không ngừng đặt ra nghi vấn về các quy tắc kịch. Được đào tạo chuyên nghiệp cả về kịch nói và kịch ứng tác, Quentin luôn lấy cảm hứng từ sự hòa trộn giữa hai thể loại kịch này trong các tác phẩm của mình. Từ năm 2006, anh hoạt động nghệ thuật ở Pháp, Maroc, Italy và Việt Nam.

Vở diễn được xem thách thức đổi mới tính sáng tạo của bản thân diễn viên và đạo diễn

“Ngoại lệ và Nội quy” kết hợp giữa kịch nói và kịch ứng tác. Diễn viên vừa là chính họ lại vừa là nhân vật trên sân khấu. Khán giả sẽ được dẫn dắt tới một màn trình diễn mà trong đó, họ sẽ không biết mình đang xem một vở kịch nói, một vở diễn ứng tác hay một buổi tổng duyệt hỗn loạn. Vở diễn còn được xem là thách thức đổi mới tính sáng tạo của bản thân diễn viên và đạo diễn, khi mà khán giả được mời can thiệp thay đổi các tình tiết và cách diễn xuất của diễn viên. Vì vậy, không buổi diễn nào sẽ giống buổi diễn nào. Đây cũng là cách mà Quentin Delorme và nhóm kịch của anh chọn để xây dựng không khí kịch phi kịch/kịch tự sự của Brecht.

Thái Minh