Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động

- Thứ Sáu, 19/06/2020, 08:36 - Chia sẻ
Quốc hội vừa thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho biết, Luật có những thay đổi cơ bản như bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết; thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng; cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự kinh doanh nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp... Luật đồng thời mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông, giúp cổ đông bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Hướng tới chuẩn mực, thực tiễn tốt nhất của quốc tế

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Mục tiêu sửa luật lần này là gì thưa ông?

- Ngày 17.6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 218 điều với các mục tiêu: một là, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp; hai là, nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; ba là, bảo đảm tương thích với hệ thống pháp luật; thứ tư, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Quan điểm và cách tiếp cận để sửa đổi Luật Doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2019, kể từ năm 2015 khi OECD ban hành Bộ nguyên tắc tốt về quản trị doanh nghiệp, có 84% trong số 49 nước được khảo sát đã sửa Luật Công ty và Luật Chứng khoán để nâng cấp khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc tốt nhất về quản trị công ty.

Cùng với xu thế đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đã được sửa đổi (Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2019 - PV). Thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận sửa đổi Luật Doanh nghiệp thể hiện ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất, chuyển từ "bị động" sang "chủ động" sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật không chỉ vì nhằm khắc phục bất cập, hạn chế mà còn chủ động nâng cấp khung khổ pháp luật hướng tới tương thích chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, lấy chuẩn mực, thực tiễn tốt nhất của khu vực và quốc tế làm thước đo và mục tiêu để sửa đổi Luật. Mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

- Xin ông cho biết những nội dung thể hiện cải cách thủ tục hành chính trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)?

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự kinh doanh
Nguồn: ITN

- Gia nhập thị trường được hiểu là toàn bộ quá trình từ lúc nhà đầu tư bắt đầu thực hiện thủ tục đến lúc có thể tiến hành kinh doanh. So sánh với quốc tế và trong khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Hiện, nước ta được xếp hạng thứ 114 trên 190 quốc gia về nền kinh tế theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Với thực trạng này, nước ta đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện toàn diện cải cách này cũng đòi hỏi không chỉ sửa Luật Doanh nghiệp mà phải thực hiện đồng bộ cả pháp luật có liên quan như pháp luật về thuế, lao động... Trong khung khổ của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có những thay đổi cơ bản, như: bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết như bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh; thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay)... nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông

- Vậy còn những nội dung nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông được thể hiện như thế nào?

- Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy và huy vốn động đầu tư. Nguyên tắc quan trọng của cơ chế bảo vệ cổ đông là bảo đảm đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty; xung đột lợi ích trong công ty phải được kiểm soát; tạo điều kiện dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty khi vi phạm trách nhiệm trong điều hành công ty.

Để nâng cao khung khổ quản trị công ty theo chuẩn mực thông lệ quản trị tốt khu vực và thế giới, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có một số thay đổi cơ bản như: mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông;  mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý ; quy định chi tiết về quyền, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị; quy định trường hợp Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các giao dịch vay, cho vay, bán tài sản giữa công ty và cổ đông sở hữu trên 51% cổ phần của chính công ty đó và nếu giao dịch đó có giá trị lớn hơn 10% tổng số tài sản của công ty; làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu bảo đảm phù hợp với Luật Chứng khoán và thông lệ phổ biến...

Tăng kiểm soát tập quyền với doanh nghiệp nhà nước

- Đối với doanh nghiệp có sở hữu nhà nước, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định gì để nâng cao quản trị và hiệu quả hoạt động?

- Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nước ta. Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3. 6.2017 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết 12-NQ/TW) đã chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo: doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW; quy định về doanh nghiệp có sở hữu nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực quản trị như: tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan bao gồm thêm đối tượng con rể, con dâu, anh em bên chồng, trong cơ cấu quản trị và kiểm soát giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi; bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp...

- Xin cảm ơn ông!

Hà Lan