Tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của HĐND

- Thứ Sáu, 17/07/2020, 10:07 - Chia sẻ
Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, cần tăng cường sự hướng dẫn của Thường trực HĐND tỉnh với các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cần phối hợp với các tỉnh, thành thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giám sát. Từ thực tiễn giám sát, HĐND kiến nghị, đề xuất kịp thời để Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách để hoạt động giám sát thực sự có hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt quan tâm

Giám sát có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ để HĐND theo dõi, đánh giá việc thực thi pháp luật và các mục tiêu, quy định đã đặt ra ở địa phương. Từ đó, giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nhận diện rõ những ưu điểm, hạn chế; nguyên nhân và có giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, quy định đã đề ra. Ý thức đầy đủ về vai trò của giám sát và chức năng, nhiệm vụ của mình, HĐND tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Phước giám sát kết quả thực hiện Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn
Ảnh: Đào Triển

Theo đó, công tác xây dựng, triển khai, thực hiện chương trình giám sát của HĐND tỉnh được chú trọng. Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời nên chất lượng xây dựng các chương trình giám sát ngày càng được nâng cao, đúng trọng tâm, trọng điểm. Quá trình triển khai thực hiện bảo đảm tính khoa học, khách quan, phù hợp với thực tiễn địa phương và đúng quy định của pháp luật.

Chất lượng xem xét các báo cáo tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh ngày càng nâng cao. Từ năm 2016 đến năm 2019, HĐND tỉnh đã nghiên cứu và có trên 210 ý kiến để đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung và được UBND tỉnh tiếp thu 168 ý kiến. Đối với các tờ trình và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình, các Ban của HĐND tỉnh có 141 nội dung thẩm tra và được giải trình, tiếp thu 128 nội dung, bảo lưu 13 nội dung. Từ đó, giúp UBND tỉnh, các sở, ngành xây dựng nghị quyết đúng pháp luật, đảm bảo hiệu quả, có tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế địa phương.

Công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện và thống nhất, yêu cầu phải bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, dân chủ, khách quan. Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, hầu hết những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu đều được HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả cao, không có người bị đánh giá tín nhiệm thấp.

Hoạt động giám sát chuyên đề mang lại hiệu quả. Từ năm 2016 đến năm 2019, HĐND tỉnh đã giao Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh giám sát 80 chuyên đề. Qua các kiến nghị sau giám sát, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành một số nghị quyết quan trọng về chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng; chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018 - 2020; quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các đơn vị y tế công lập; quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; quy định chính sách ưu đãi đối với các trường chuyên và trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Bình Phước,… Nội dung các nghị quyết cơ bản bám sát tình hình thực tế ở địa phương và có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.

Nâng cao năng lực chủ thể thực hiện hoạt động giám sát

Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng việc xem xét báo cáo tại kỳ họp có lúc chưa đạt yêu cầu. Giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh có lúc chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, chưa công khai báo cáo kết quả giám sát trên các trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng; chưa thực hiện việc mời các chuyên gia tham gia thành phần Đoàn giám sát. Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh chưa tổ chức giám sát chuyên đề tại địa phương. Việc chấp hành của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chưa tích cực, chưa thực hiện đầy đủ nội dung, yêu cầu theo kế hoạch của đoàn giám sát; việc gửi báo cáo còn chậm so với yêu cầu, nội dung báo cáo chưa bám sát với đề cương, có lúc còn sơ sài, chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, đề xuất sau giám sát. Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh có lúc chưa thường xuyên, kịp thời.

Thực tế trên cho thấy, việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động giám sát của HĐND tỉnh là vấn đề có tính nguyên tắc đối với việc nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, năng lực của chủ thể thực hiện hoạt động giám sát; chất lượng hoạt động Tổ đại biểu HĐND tỉnh cũng như nâng cao chất lượng thực hiện các hình thức giám sát của HĐND tỉnh. Có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng xem xét báo cáo, chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề và nhận thức của chủ thể chịu sự giám sát. Nâng cao nhận thức về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, trách nhiệm của chủ thể chịu sự giám sát. Tích cực theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh với các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát; phối hợp chặt với Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam và HĐND các cấp, các cơ quan, ban, ngành liên quan. Thường trực HĐND tỉnh cần phối hợp với các tỉnh, thành phố thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giám sát. Từ thực tiễn hoạt động giám sát, kiến nghị, đề xuất kịp thời để Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của HĐND tỉnh nói riêng, các cấp nói chung.

Đào Thị Triển, Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng HĐND tỉnh Bình Phước