Bạn đọc viết:

Tạo áp lực cho cấp xã

- Thứ Hai, 29/06/2020, 06:35 - Chia sẻ
Việc giao cho UBND, công an cấp xã xác nhận một người đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự là chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia xung quanh Dự thảo Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.

Liên quan đến trường hợp cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi Điều 4.1 và Điều 7.1 Dự thảo đang đề xuất theo hướng: Trong trường hợp có giấy chứng tử, giấy báo tử, bản án, quyết định của tòa án tuyên bố một người đã chết, đã mất tích, đã mất năng lực hành vi dân sự thì cơ quan thuế đưa vào hồ sơ khoanh nợ, xóa nợ. Trong trường hợp không có các giấy tờ trên thì cơ quan thuế đề nghị UBND cấp xã hoặc công an cấp xã xác nhận một người đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự.

Hiện, các vấn đề về điều kiện để xác định một người đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Luật Hộ tịch và Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự quy định, tòa án có chức năng tuyên bố một người đã chết, đã mất tích, đã mất năng lực hành vi dân sự, chứ không giao chức năng này cho các cơ quan khác. Theo Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giấy tờ thay thế giấy báo tử gồm: giấy báo tử do cơ sở y tế cấp, văn bản xác nhận việc thi hành án tử hình do hội đồng thi hành án tử hình cấp, bản án, quyết định của tòa án tuyên bố một người đã chết; văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y.

Do đó, việc yêu cầu UBND cấp xã hoặc công an xã xác nhận không chỉ không bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật mà còn không khả thi. Dự thảo cũng chưa đưa ra phương án khi các cơ quan này từ chối xác nhận thì xử lý như thế nào? Hơn nữa, nếu các cơ quan này không nắm chắc quy định của Bộ luật Dân sự mà xác định một cách tùy tiện thì có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế, các bên liên quan.

Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi một cá nhân nợ thuế mà chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì cơ quan thuế cũng được coi là “người có quyền, lợi ích liên quan” nên cơ quan thuế cũng có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố người đó đã chết, đã mất tích, đã mất năng lực hành vi dân sự. Quy trình này, mặc dù có thể sẽ kéo dài hơn so với xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã, nhưng sẽ là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, có quy định chặt chẽ về trách nhiệm, thủ tục của tòa án và giảm rủi ro pháp lý khi xác nhận không chính xác.

Từ thực tế này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định theo hướng: Trong trường hợp chưa có giấy báo tử, giấy chứng tử (hoặc giấy tờ thay thế theo Nghị định 123/2015 về hộ tịch) hoặc các quyết định của tòa án tuyên bố một người đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự thì cơ quan thuế nộp đơn yêu cầu tòa án ra tuyên bố người đó đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.

Liên quan đến đề xuất, trường hợp doanh nghiệp đã có quyết định thụ lý phá sản hoặc đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì sẽ được đưa vào hồ sơ để khoanh nợ, xóa nợ được quy định tại Điều 4.3; Điều 7.3, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực tế, sẽ có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nhưng không làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Điều này, có thể khiến cho cơ quan thuế không có cơ sở để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Theo quy định của Luật Phá sản, cơ quan thuế cũng được coi là một chủ nợ của doanh nghiệp và có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu doanh nghiệp nợ thuế quá 3 tháng. Do đó, VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn các cơ quan thuế theo hướng, nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì cơ quan thuế nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản, để có cơ sở khoanh nợ, xóa nợ thuế.

Đình Khoa