Tăng trưởng bứt phá, Thái Nguyên khẳng định vị thế trung tâm vùng

- Thứ Bảy, 20/06/2020, 08:11 - Chia sẻ
Từ một tỉnh miền núi khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, sau hơn 20 năm tái lập, Thái Nguyên đã chuyển mình vô cùng mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước và khẳng định được vị thế trung tâm kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc.

Khẳng định vị thế trung tâm vùng

Trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên xác định phương châm xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, từ đó đã có những nghị quyết sát, đúng, phù hợp với đặc điểm của địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần mang lại hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và tạo được lòng tin trong nhân dân. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp được Thái Nguyên chọn làm mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Từ một tỉnh miền núi khó khăn, kinh tế tập trung chủ yếu vào trồng trọt và chăn nuôi, sau hơn 20 năm tái lập, Thái Nguyên đã có những bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước và khẳng định được vị thế trung tâm kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc. 

Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 9% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 58%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 10,3%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm 31,7%. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người ước đạt 83,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.583 USD/người/năm), tăng gần 6 triệu đồng/người so với năm 2018, vượt kế hoạch đề ra và cao gấp gần 2 lần thu nhập bình quân chung cả nước (bình quân chung cả nước năm 2018 đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.590 USD/người/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 743.000 tỷ đồng (đạt kế hoạch đề ra, tăng 11,5% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 27,6 tỷ USD, tăng 11,2% so với kế hoạch; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 15.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch… Cùng với đó, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, các hoạt động an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững… được tỉnh đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, như: Rà soát tình hình thực hiện dự án, xác định các khó khăn, vướng mắc của từng dự án về thủ tục đầu tư, đất đai, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ. Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, Thái Nguyên triển khai các giải pháp mang tính “bắc cầu” giữa thời điểm có dịch và hết dịch. Từ đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chính sách mới, phù hợp để thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ được giao...

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh trên nguyên tắc “nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả”; thực hiện tốt việc gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lệ phí, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi... dành cho doanh nghiệp; đổi mới hoạt động giao dịch thương mại, theo hướng trực tuyến, điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hóa các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm...

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Để có được những kết quả vượt bậc trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư; phổ biến, lan tỏa các chính sách; tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn và cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, huy động các nguồn vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp trọng điểm như Điềm Thụy, Yên Bình, Nam Phổ Yên...

Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án lớn, dự án công nghệ cao, quan tâm nhà đầu tư có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm; lựa chọn các dự án có quy mô lớn về du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng hồ Núi Cốc và sườn đông Tam Đảo; các dự án có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư thật sự có năng lực về tài chính cũng như năng lực về chuyên môn, đặc biệt là quan tâm đến các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... Các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở phối hợp, song hành cùng nhà đầu tư bảo đảm một môi trường an ninh bền vững giúp đỡ các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn bó lâu dài với Thái Nguyên...

Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đang hoàn thiện đại lộ Đông - Tây, còn gọi là đường vành đai năm vùng Thủ đô Hà Nội. Đại lộ Đông - Tây mở ra cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Khu Công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao - Đô thị và Dịch vụ Yên Bình rộng hơn 8.000ha, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2020, tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thái Nguyên, từ Thái Nguyên đến Hà Nội, giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa rất lớn giữa huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, giảm tải cho Quốc lộ 37, đặc biệt là tuyến từ ngã tư Điềm Thụy sang thành phố Sông Công hiện nay nhỏ hẹp, thường xuyên ách tắc và tai nạn giao thông.

Anh Hiến