Tăng mức phạt - liệu có là “bảo kiếm”?

- Thứ Sáu, 19/06/2020, 08:37 - Chia sẻ

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ Chín này là tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực. Liệu tăng mức xử phạt như trong dự thảo Luật có thực sự là “bảo kiếm” đủ sức răn đe, xử lý nghiêm minh những vi phạm hành chính?

Trong số các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng khá phổ biến. Mức tiền phạt trong xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm nguyên tắc: tương xứng với hậu quả của vi phạm gây ra; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cũng như điều kiện về mặt tài chính của từng đối tượng vi phạm. Đặc biệt, mức phạt phải bảo đảm tính răn đe; từ đó, nhằm giúp giảm thiểu vi phạm hành chính có thể xảy ra.

Thời gian qua, có những mức phạt dường vi phạm hành chính như đã trở thành câu chuyện bi hài trong dư luận. Trường hợp người đàn ông có hành vi cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy tại chung cư Golden Palm (Hà Nội) xảy ra trước đây là một ví dụ. Với hành vi cưỡng hôn, ông này đã bị Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) xử phạt hành chính với mức phạt 200.000 đồng vì “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng trong trường hợp này là quá thấp, mức phạt nhẹ như “gãi ghẻ” không đủ sức răn đe. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn” chế tài. Mặt khác, mức xử phạt so với điều kiện hiện nay là một khoảng vênh khá lớn. Do đó, việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính hiện hành là cần thiết.

Để khắc phục bất cập trong xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều nội dung đã được bổ sung mới so với luật hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng, tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực. Cụ thể, tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định bổ sung mức phạt tiền tối đa đối với 6 lĩnh vực: tín ngưỡng, đối ngoại là 30 triệu đồng; cứu nạn, cứu hộ là 50 triệu đồng, in và an toàn thông tin mạng 100 triệu đồng, sở hữu trí tuệ là 250 triệu đồng.

Việc bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; nâng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như dự thảo Luật là điều được cử tri, dư luận ủng hộ. Bởi thực tế cho thấy, việc tăng mức xử phạt như Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa qua đã thực sự phát huy tác dụng, đủ sức răn đe, giáo dục, cũng như bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm.

Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay là điều cần thiết. Tuy nhiên, chỉ tăng mức xử phạt lên một cách cào bằng là chưa đủ. Có những trường hợp, với mức phạt dù đã được tăng lên nhưng cũng “chưa thấm tháp vào đâu”, chưa đủ sức răn đe, bởi với điều kiện của họ thì khoản xử phạt đó chỉ là rất nhỏ. Do đó, để bảo đảm tính răn đe, ngoài tăng mức chế tài xử phạt vi phạm hành chính, nên chăng cần nghiên cứu, bổ sung hình thức phạt lao động công ích vào trong dự thảo Luật. Việc áp dụng hình thức xử phạt này sẽ tác động trực tiếp tới ý thức của người vi phạm. Ở góc độ nào đó, tùy từng đối tượng, chế tài xử phạt này sẽ phát huy hiệu quả hơn cả việc tăng mức xử phạt. Nói như ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), “nguyên tắc xử phạt là làm cho người ta sợ, người ta ngại, người ta không dám vi phạm. Ông nhà giàu đi Mercedes, Bently mà phạt 3 triệu thì họ cười khẩy, nhưng bắt đi lao động, đi học luật họ mới sợ, ai không có tiền thì đi lao động công ích”.

Song Hà