Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

- Thứ Sáu, 19/06/2020, 12:24 - Chia sẻ
Sáng 19.6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị bằng mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tham gia vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp là hành động nhiều ý nghĩa và thiết thực, từ đó, thúc đẩy bình đẳng giới, vì vị thế lớn cho phụ nữ và sự phát triển của xã hội.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội Khóa XV, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đề xuất một số giải pháp tăng số lượng và nâng cao chất lượng nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Một số ý kiến cho rằng, việc đảm bảo cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội và  đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp của phụ nữ theo nguyên tắc tương đồng với nam giới là cần thiết. Thực tế, về tiêu chuẩn, cần thực hiện nhất quán quy định nam, nữ tự ứng cử hoặc được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu của đại biểu dân cử. Trong trường hợp cần thiết phải đưa thêm tiêu chuẩn kép (bản chất là cơ cấu) thì phải thực hiện bình đẳng đối với cả nam và nữ, không để cho một giới (thực tế nhiều nhiệm kỳ qua là phụ nữ) phải "gánh" các cơ cấu về dân tộc, về chính trị hoặc cơ cấu khác. Cách thức đảm bảo bình đẳng khi có thêm tiêu chuẩn kép nên được thực hiện tương tự như quy định đã có trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 là 40% nam, 40% nữ, 20% còn lại tùy thuộc tình hình thực tế tại thời điểm quyết định tiêu chuẩn đại biểu dân cử.

Về tỉ lệ, cần thực hiện đúng quy định của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: ít nhất 35% nữ vào hiệp thương vòng 3 theo hướng địa phương, cơ quan, đơn vị được cơ cấu, thành phần giới thiệu ứng cử viên đã được phân bổ chỉ tiêu nữ mà không có nữ hoặc có nhưng sau đó lại không vì các lý do chủ quan, khách quan thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền để chuyển địa phương, cơ quan, đơn vị khác, không lấy nam giới thay thế chỉ tiêu nữ.

Một số ý kiến đề nghị cần nâng cao nhận thức, thay đổi nhận thức “bệnh thành tích” trong việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là nữ. Việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân phải vì sự phát triển đất nước, của mỗi địa phương chứ không phải là để có một tỉ lệ “đẹp” trong Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Hồ Long