Tăng bội chi, nợ công phải trong mức cho phép

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 08:19 - Chia sẻ
Để có tăng trưởng, Chính phủ đã tính tới việc tăng bội chi ngân sách và nợ công. TS. VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, đây là giải pháp nhiều nước đang thực hiện để vực dậy nền kinh tế và Việt Nam có thể tham khảo. Tuy vậy ông nhấn mạnh tăng bội chi và nợ công phải trong mức cho phép. Tăng chi tiêu công phải làm rõ tăng vào đâu bởi giải ngân đầu tư công hiện rất chậm.

Tùy vào ngân sách 

- Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng như thế nào tới mục tiêu tăng trưởng năm nay, thưa ông?

 - Dịch bệnh hiện vẫn là ẩn số, chưa ai biết sắp tới sẽ ra sao, bao giờ chấm dứt. Đợt dịch vừa qua, tiềm lực của doanh nghiệp đã bị tiêu hao rất nhiều. Lần này nếu dịch kéo dài thì rất khó nói trước nền kinh tế sẽ tổn thất đến mức nào. Dịch bệnh không những khiến số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa tăng cao mà còn tác động đến tâm lý và dự định của nhà đầu tư, sự chờ đợi, chần chừ của họ có thể tạo ra độ trễ.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng 2,8% trong năm nay. Thực tế cho thấy, không ai, không tổ chức nào có thể dự báo chính xác được, bởi dịch bệnh diễn biến rất khó lường. Đặt mục tiêu là để chúng ta cố gắng hết sức đạt được. GDP của Việt Nam có thể đạt 3% hay không phụ thuộc rất nhiều vào dịch bệnh trong nước có được kiểm soát tốt trong thời gian ngắn hay không.

- Để có tăng trưởng, Chính phủ đã tính tới việc tăng bội chi ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công. Quan điểm của ông thế nào?

- Đại dịch xảy ra dẫn tới áp lực tăng chi khá lớn khi phát sinh chi phí cho việc phòng chống, hỗ trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng mất việc làm, chi chế độ cho lực lượng tham gia phòng chống dịch…

Tăng bội chi ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công cũng là xu thế chung của các nước trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Khi kinh tế suy thoái, tổng cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đều giảm. Vì vậy, Chính phủ cần thúc đẩy yếu tố cuối cùng là chi tiêu công.

Quan điểm cần “thắt lưng buộc bụng” là muốn nói tới việc không tiêu hoang, không lãng phí tiền của dân trong việc xây tượng đài, đèn điện cờ hoa, kinh phí cho hội nghị, công tác trong và ngoài nước… Còn trong bối cảnh hiện nay, việc cắt giảm thuế, tăng chi tiêu công, chấp nhận tăng bội chi và nợ công là cần thiết, nhưng phải trong mức cho phép.

Nhiều nước đang phát triển cũng thực hiện các biện pháp này để vực dậy nền kinh tế, vì vậy Việt Nam có thể tham khảo, trên cơ sở đó, tính toán sao cho phù hợp với tình hình ngân sách của nước ta để đưa ra mức phù hợp.

Trước mắt, Chính phủ có thể nới bội chi lên 5%, hạn mức vay nợ trong năm nay cũng cần được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, tăng chi tiêu công phải làm rõ tăng vào cái gì? Bởi lẽ, đầu tư công hiện nay giải ngân rất chậm, tiền nằm đó không tiêu hết, nên không thể “bơm” thêm tiền vào kênh này.  

Kiểm soát dịch bệnh là hỗ trợ lớn nhất 

- Theo ông, từ nay tới cuối năm, làm thế nào để nền kinh tế nước ta đạt được kết quả cao nhất?

- Trước hết, Chính phủ nên làm mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để có nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, nhanh chóng có chính sách đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) dịch chuyển từ Trung Quốc. Đón làn sóng này sẽ tạo cơ hội tốt cho thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid-19, nhưng chúng ta không thu hút bằng mọi giá mà phải có chọn lọc. Tiếp đến là phải giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế. Hiện nay, lãi suất của Việt Nam dù đã hạ nhưng vẫn rất cao so với thế giới.

Nguồn: ITN

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bằng “cỗ xe tam mã”. Đây là hướng đi đúng đắn nhưng phải tháo gỡ được những khó khăn để phát triển được các yếu tố này. Cụ thể, về tiêu dùng, yếu tố này có vai trò thúc đẩy nền kinh tế rất lớn khi chiếm đến 65% tổng cầu. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của dịch Covid-19, người dân bị giảm thu nhập sâu, đồng thời với tâm lý phòng thân nên họ cũng dè dặt trong chi tiêu mua sắm. Vì vậy, Chính phủ cần có hỗ trợ về thu nhập, đồng thời có cách thức để kích tiêu dùng tăng lên.

Xuất khẩu phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Khi cầu bên ngoài gặp khó khăn, thì tận dụng thật tốt cầu trong nước là hướng đi quan trọng. Đồng thời, bám sát vào tình hình dịch bệnh, quốc gia nào đã kiểm soát được dịch bệnh, doanh nghiệp cần phải nối lại thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Trong đầu tư công, phải giải ngân nhanh hơn nữa để tạo việc làm và thu nhập, từ đó kích thích các ngành kinh tế khác sản xuất và tiêu dùng. Về đầu tư tư nhân, nếu thúc đẩy đầu tư tốt sẽ có thể góp 30% cho tổng cầu. Tuy nhiên tôi đang rất băn khoăn cách thức triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua và sắp tới các gói hỗ trợ mới nếu có phải được thực hiện theo cách khác.

 - Cụ thể băn khoăn đó là gì?

- Chính phủ vừa qua có các gói hỗ trợ rất đúng đắn về thuế, tín dụng… Tuy nhiên, cách triển khai chưa có ưu tiên để can thiệp có chọn lọc.

Phải xác định rõ rằng, doanh nghiệp tư nhân vẫn là nguồn lực quan trọng vì vậy hỗ trợ phải nhằm vào khu vực này. Đồng thời, trong khó khăn hiện nay chúng ta phải chấp nhận có những doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường vì thực tế có "cứu" cũng không tồn tại được. Cùng với đó, việc hỗ trợ cũng nên hướng tới một số ngành mũi nhọn và dễ bị tổn thương nhất. Trong các ngành được ưu tiên hỗ trợ, phải đưa ra các tiêu chí phù hợp để hướng đến các đối tượng doanh nghiệp thực sự cần hỗ trợ.

- Theo ông, thời gian tới có cần gói chính sách hỗ trợ mới không?

- Điều này phụ thuộc vào tình hình bệnh dịch để quyết định. Nếu dịch bệnh chỉ diễn ra ở một vài địa phương và được khống chế sớm thì việc hỗ trợ sẽ tập trung vào một số địa phương, khu vực, ngành bị ảnh hưởng như dịch vụ, du lịch tại Đà Nẵng. Còn các địa phương khác, nếu vẫn giữ được nhịp độ như hiện nay nhiều doanh nghiệp có thể tự vực dậy được.

Cần nhấn mạnh rằng, hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ bằng các chính sách tài khóa, tiền tệ mà quan trọng là thể chế. Phải tạo ra cho doanh nghiệp thể chế, môi trường tốt để họ phát triển và mạnh lên. Mỗi doanh nghiệp trước hết phải biết tự vượt lên. Khi đó, cùng với những hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp mới có thể cứu được chính mình. Sự trưởng thành, bản lĩnh mới là liều vaccine giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Cùng với đó, nên có các gói hỗ trợ y tế để Việt Nam cùng với cả thế giới nỗ lực thúc đẩy tìm ra vaccine phòng chống được Covid-19. Kiểm soát được dịch bệnh là sự hỗ trợ lớn nhất của Chính phủ để phục hồi kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

An Thiện