Chính sách và cuộc sống

Tầm nhìn ODA

- Thứ Năm, 23/07/2020, 17:33 - Chia sẻ
50 triệu USD mà tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đề nghị phía Việt Nam thanh toán trước khi vận hành thử toàn hệ thống, theo giải thích của Bộ Giao thông - Vận tải, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng.

Chính xác thì đây là giá trị đã hoàn thành mà tổng thầu Trung Quốc đang hoàn thiện thủ tục đề nghị chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng. Bởi vậy cho dù Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định đề nghị này chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng, nhưng số tiền này sớm hay muộn chúng ta vẫn phải trả cho tổng thầu Trung Quốc khi họ hoàn thành đủ thủ tục cần thiết.

Từ câu chuyện thời sự liên quan tới dự án vay vốn Trung Quốc, bị đội vốn 440% và sau 12 năm triển khai vẫn chưa hẹn ngày vận hành này, có một câu hỏi đặt ra: Định hướng trong thời gian tới đối với việc vay, quản lý và sử dụng nguồn tín dụng ưu đãi nước ngoài cần được xem xét, cân nhắc như thế nào?

Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam có nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Vốn vay ODA là một trong những kênh huy động vốn được Chính phủ ưa thích bởi nguồn vốn này có lãi suất ưu đãi, thời gian trả và ân hạn dài, lại thường khá dễ tiếp cận. Hơn nữa, quy trình, thủ tục và trách nhiệm của người đi vay vốn ODA nhẹ nhàng hơn nhiều so với các hình thức vay khác như phát hành trái phiếu Chính phủ. 

Tuy nhiên, trong thực tế, chi phí của vốn vay ODA thường không rẻ như vậy, mà dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ điển hình. Các khoản vay ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Với cách thức như vậy, các quốc gia tài trợ ODA bảo đảm được lợi nhuận cho các tập đoàn, tổng công ty của nước họ, còn phần lợi ích dành cho các nhà thầu phụ Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ.

Cũng như vậy, tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc), không những thế điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Trường hợp này, ODA hoàn toàn không phải là nguồn vốn rẻ mà ngược lại - đã trở thành nguồn vốn quá đắt đỏ.

Việt Nam đã "tốt nghiệp" ODA, đồng nghĩa với việc ra khỏi danh sách các nước nghèo được ưu tiên nhận vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế. Vì vậy, giờ là lúc cần thay đổi chính sách phát triển, không dựa vào vốn nước ngoài vì đây có thể con đường dẫn tới “bẫy nợ”. Thay vào đó, phải dựa vào chính mình. Theo cách này, Chính phủ cần kiến tạo môi trường để huy động các nguồn lực tài chính khác phục vụ cho phát triển, nhằm tạo sự tự chủ tài chính, từ đó giảm lệ thuộc vào ODA. Điều này có thể đạt được bằng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tích cực đầu tư, hợp tác cùng Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội.

Hà Lan