Tâm điểm của chính sách hỗ trợ

- Thứ Tư, 22/07/2020, 05:17 - Chia sẻ
Do nguồn lực hạn hẹp, Việt Nam dù muốn cũng không thể theo đuổi các gói hỗ trợ khổng lồ như nhiều nước giàu có trên thế giới. Hơn lúc nào hết, “liệu cơm gắp mắm” là nguyên tắc Chính phủ phải “nằm lòng” khi thiết kế các chính sách nhằm nhanh chóng khôi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Nói cách khác, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần phải có sự phân loại và tập trung hơn.

Vấn đề đặt ra là trọng tâm của chính sách nên hướng vào đối tượng nào để nền kinh tế có thể nhanh chóng phục hồi? Để trả lời câu hỏi này, cần tìm hiểu xem đâu là những khu vực đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế.

Xem xét cấu trúc giá trị tăng thêm theo thành phần kinh tế chiếm trong GDP trong gần 15 năm qua (2005 - 2018), có thể thấy tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước năm 2018 tuy có tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2005, nhưng vẫn không quá 10% trong GDP (9,1%). Trong khi đó, thành phần kinh tế có tỷ trọng giá trị tăng thêm lớn nhất trong GDP chính là khu vực kinh tế cá thể, mặc dù tỷ trọng này giảm 2,9 điểm phần trăm từ 32,1% năm 2005 xuống 29,2% năm 2018. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 5,1 điểm phần trăm, từ 15,2% GDP năm 2005 lên 20,3% GDP năm 2018.

Như vậy, nếu chỉ tập trung vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, giúp giá trị tăng thêm của khu vực này tăng trưởng 10% trong năm 2020, trong khi các thành phần kinh tế khác không đổi, thì chỉ giúp GDP tăng trưởng chưa tới 1% (0,9%). Nhưng nếu giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế cá thể tăng 10% sẽ làm GDP tăng 2%.

Từ số tăng trưởng GDP theo thành phần kinh tế giai đoạn 2005 - 2018 của Tổng cục Thống kê, có thể thấy rằng nếu giả thiết giá trị tăng thêm khu vực kinh tế Nhà nước đến cuối năm 2020 tăng 3%, kinh tế tư nhân tăng 7%, kinh tế cá thể 6%, khu vực FDI tăng 10% thì GDP năm 2020 tăng trưởng khoảng 5,2%.

Mức tăng trưởng của các thành phần kinh tế như trên trong năm 2020 tuy khó, nhưng không phải bất khả thi. Và việc Chính phủ cần làm không chỉ là tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, mà còn cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho thành phần kinh tế cá thể.

Xét về ngành, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ dựa trên nguyên tắc ngành có mức lan tỏa đến giá trị gia tăng cao (tổng giá trị gia tăng + thuế sản phẩm – trợ cấp = GDP), lan tỏa đến lao động cao, phát thải ra môi trường thấp, lan tỏa đến nhập khẩu thấp. Nghiên cứu cho thấy những ngành có tầm quan trọng tương đối với nền kinh tế nên là: Nông nghiệp; thủy sản; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủy sản; dệt, may, da giày; nhóm ngành dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, giao thông, viễn thông, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, giáo dục đào tạo).

Cho tới giờ có thể thấy toàn bộ ngành kinh tế đều đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch bệnh. Phản ứng của Chính phủ thời gian qua tuy rất toàn diện (cả tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội) nhưng dường như lại thiếu trọng tâm, trọng điểm. Thậm chí, có người nhận xét không hiểu Chính phủ đang hướng tới khu vực nào, ngành nghề nào, doanh nghiệp nào. Đây là điều phải được thay đổi ngay nếu Chính phủ muốn các chính sách hỗ trợ phát huy được hiệu quả và đưa nền kinh tế sớm phục hồi.

TS. Bùi Trinh